17/04/2022 06:51 GMT+7

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn

LÝ ĐĂNG HUY
LÝ ĐĂNG HUY

TTO - Sông Sài Gòn là nguồn sống, là sinh kế, là tuyến giao thông với các hoạt động thương mại "trên bến dưới thuyền", là cơ sở hình hành và phát triển TP.HCM - đô thị sông nước.

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Minh họa của tác giả

Quá trình đô thị hóa ồ ạt làm cho diện tích mặt nước giảm dần. Bờ sông, kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp. Con người thay vì sống nương tựa với dòng nước thì lại đối chọi và xa rời. Dòng sông trở nên tồn tại âm thầm, phai mờ, xa lạ với lớp cư dân mới của thành phố.

TP.HCM cần có một khung quy hoạch chung cho hai bờ sông, theo góc nhìn của tác giả, bắt đầu từ việc quy hoạch không gian cho nước - dựa trên ảnh hưởng tự nhiên của Sông Sài Gòn.

Định hướng phải xét cho cả lưu vực sông Sài Gòn và tầm nhìn rộng cho cả vùng đô thị TP.HCM từ thượng lưu thuộc Tây Ninh đến tận Cần Giờ và hệ thống kênh rạch nhánh như kênh Nhiêu Lộc, rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ - kênh Đôi…

Không gian cho nước sẽ là bộ "khung sườn" cho các hoạt động, sinh hoạt cư dân hai bên bờ, là cơ sở để con người cộng sinh với yếu tố nước, là điều kiện để sông Sài Gòn hiện diện trở lại trong cuộc sống của mọi người dân.

Từ đó, TP.HCM có thể phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện khí hậu đang biến đổi.

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh 2.

Không gian cho nước là bộ khung chính, là nền tảng cho định hướng quy hoạch

Tạm chia sông Sài Gòn thành hai phân đoạn:

Phân đoạn 1: từ Tây Ninh đến xa lộ Đại Hàn

Giữ gìn khu vực đất trũng thấp dọc theo hai bờ sông với hệ thống kênh tưới tiêu. Khu vực này nên giữ gìn và phát triển các kênh rạch, thảm xanh lớn gồm các vườn cây ăn trái, vùng nông nghiệp, thủ công nghiệp với mật độ xây dựng thấp.

Kè sinh thái dọc hai bờ cùng thảm cây xanh lớn là bề mặt hấp thu và lọc nước, là phần không gian đệm cho sông Sài Gòn như một "kho nước xanh" góp phần điều hòa dòng nước.

Phân đoạn 2: từ xa lộ Đại Hàn đến Mũi Đèn Đỏ, đoạn sông đi ngang các khu vực đã và đang đô thị hóa

Bố trí kè sinh thái, các công viên hồ điều hòa, công viên sinh thái ngập nước liên kết với sông Sài Gòn để bù khối tích nước do san lấp khi phát triển các khu đô thị ven sông. Chúng vừa là không gian cho nước, vừa là không gian công cộng, điểm nhấn chính của các khu đô thị này.

Điển hình là bán đảo Thanh Đa, chỉ chỉnh trang những khu vực đã đô thị hóa, giữ lại phần lớn đất cây xanh, đất thấp ngập nước nhằm tăng không gian cho nước, bằng cách phát triển các công viên sinh thái ngập nước kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản giá trị cao…

Nếu ví thành phố là một "ngôi nhà" thì Thanh Đa như là một trong các "sân trong", đem gió mát và thiên nhiên vào trong ngôi nhà đó.

Dải đất ven sông tại các khu vực đã phát triển nên là các mảng cây xanh có kè giật cấp tạo thành các không gian công cộng với nhiều tầng bậc, thấp dần về mép sông nhằm tạo tầm nhìn thoáng, sinh động về mặt nước.

Khi bình thường (hoặc mùa khô), các diện tích này là các không gian sinh hoạt công cộng, công viên cảnh quan. Khi triều cường (hoặc mùa mưa), chúng sẽ trở thành những không gian ngập nước tạm thời nhằm tránh gây ngập cho các khu vực xung quanh.

Không gian cho nước gồm hệ thống liên hoàn các kênh rạch, hồ điều hòa, công viên sinh thái ngập nước gắn với sông Sài Gòn như những "miếng bọt biển xanh" sẽ hấp thu nước, tích trữ nước khi mùa khô, điều hòa dòng chảy khi triều cường, mùa mưa.

Chúng không chỉ góp phần giảm ngập lụt, sạt lở, tăng lượng nước ngầm, cải thiện chất lượng nước sông.. mà còn tăng giá trị cho các khu vực xung quanh chúng.

Không gian cho nước cũng là không gian sống, không gian sinh hoạt cộng đồng

Phần không gian cho nước - đề cập ở trên - sẽ là phần khung cho cư dân trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày với quy mô, chức năng khác nhau, phù hợp cho từng khu vực. Đây cũng chính là phần bù đắp lớn cho không gian, tiện ích công cộng hiện đang thiếu trầm trọng tại TP.HCM.

Phân đoạn 1: Phát triển mật độ thấp và phù hợp với hình thái trũng thấp, không làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước. Chủ yếu là nhà vườn, nhà sàn, vườn cây ăn trái, khu nông nghiệp, làng nghề thủ công, khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái, là cơ sở phát triển các tuyến du lịch đường sông thành đặc sản của TP.HCM.

Không gian cảnh quan hai bên bờ nước là nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Các bến - chợ là điểm "nút" tập trung các hoạt động giao thông, thương mại, liên kết với các vườn cây, làng nghề…

Phân đoạn 2: Phần kè giật cấp là nơi diễn ra sự kiện lớn của thành phố, là không gian công cộng với các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, triển lãm gắn liền với không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, được thiết kế để gợi nhớ đến các hình ảnh trên bến dưới thuyền, cầu cảng, bến tàu, chợ bên sông… gắn liền lịch sử phát triển của thành phố.

Các khu vực phát triển mới nên bố trí các tòa nhà thấp dần về phía mặt nước, xen lẫn là các khoảng ngắt mở bởi các quảng trường, công viên, đại lộ để mở rộng không gian, tầm nhìn về dòng sông cũng như đưa gió mát đầy hơi ẩm vào sâu trong lòng thành phố, điển hình là bố trí của quảng trường Thủ Thiêm, phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nhìn rộng ra, sông Sài Gòn như là một chuỗi hạt với những viên ngọc xanh biếc là các không gian mặt nước cảnh quan. Ngoài ra, đây là hành lang xanh sinh thái kéo dài từ hồ Dầu Tiếng đến tận Cần Giờ, lan ra theo các kênh rạch xung quanh, góp phần giữ gìn cân bằng tự nhiên - con người.

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh 3.

Cần phải đảm bảo khả năng tiếp cận bờ sông cho mọi người

Quan trọng là tổ chức tuyến đường xuyên suốt dọc theo hai bờ sông Sài Gòn là trục chính và các đường nhánh tỏa ra theo các kênh rạch. Các đường này với các bến thủy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông thủy - bộ ngang dọc tạo điều kiện tiếp cận cho cư dân. Từ đó, các hoạt động bên sông mới có thể phát triển.

Tuyến đường ven sông Sài Gòn nên là tuyến giao thông tốc độ thấp có 2 - 4 làn xe, không nên là tuyến đường tốc độ cao với nhiều làn đường vì sẽ ngăn cản khả năng tiếp cận cho cư dân. Tuyến đường đó cần ưu tiên cho phương tiện công cộng, đường dạo bộ hành và xe đạp cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận cho người lớn tuổi, người khuyết tật và trẻ em.

Chú trọng phát triển giao thông đường thủy công cộng và cá nhân, liên kết thuận tiện với các loại hình giao thông khác. Các bến thủy là những trạm trung chuyển các hình thức giao thông khác nhau, kết nối các tuyến buýt thủy với các tuyến xe buýt, cũng như phương tiện cá nhân các bãi xe máy, xe đạp công cộng.

Từ các trạm này tổ chức các tuyến buýt thủy ngang dọc sông Sài Gòn, xa hơn là các tuyến lên Củ Chi hay xuống Cần Giờ. Ngoài ra, các bến là nơi bố trí những tiện ích công cộng như siêu thị, chợ bên sông, điểm sinh hoạt văn hóa… Thậm chí có khả năng kết nối các bến thủy này với những trạm thuộc tuyến metro số 1 ở các ga Ba Son, ga Tân Cảng, ga Thảo Điền, ga Phước Long…

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh 4.

Các định hướng trên sẽ góp phần đưa dòng sông dần trở lại với các hoạt động hằng ngày của cư dân (giao thông, thương mại, học tập, giải trí, nghỉ ngơi).

Khi nếp sống trở nên gắn bó bên sông Sài Gòn, khi đó dòng sông cũng trở nên gắn bó, trở lại sống động trong tâm thức của mọi cư dân, du khách.

Đó cũng là động lực cho sông Sài Gòn phát triển bền vững, xứng tầm với TP.HCM - một đô thị sông nước hiện đại, xanh và văn minh.

Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh 6.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ'

TTO - Sông Sài Gòn là tặng vật của thiên nhiên dành cho TP.HCM và khu vực. Nhưng suốt một thời gian dài, dòng sông đang 'ngủ quên'.

LÝ ĐĂNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên