Không gian xanh: Bao nhiêu là đủ?

HẢI MINH 26/08/2017 01:08 GMT+7

TTCT- Với một nửa dân số thế giới hiện sống ở các đô thị, nhu cầu cho các không gian xanh làm vùng đệm đang lớn hơn bao giờ hết.

Singapore nổi tiếng là “Thành phố trong vườn”. -Ảnh: worldbank.org
Singapore nổi tiếng là “Thành phố trong vườn”. -Ảnh: worldbank.org

 

Gắn liền sức khỏe thị dân

Rất nhiều vùng đô thị trên thế giới, cùng sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, đang trải qua sự thoái hóa hoặc loại bỏ hoàn toàn những mảng xanh quý giá.

Báo cáo thực hiện nửa đầu năm 2017 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhan đề: “Urban green space interventions and health: A review of impacts and effectiveness” (Can thiệp không gian xanh ở đô thị và sức khỏe:

Đánh giá tác động và hiệu quả) nhắm cụ thể tới việc làm sao để xử lý những khúc mắc trong tạo dựng không gian xanh ở TP.

Báo cáo dẫn ra nhiều bằng chứng khoa học khẳng định không gian xanh là tốt cho con người. Tỉ lệ che phủ của cây xanh trong TP tỉ lệ thuận với các lợi ích cho sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần, của thị dân, bao gồm việc giảm bệnh tật và tử vong, căng thẳng và béo phì...

Nỗ lực xanh hóa các TP từ lâu đã là một cố gắng mang tính toàn cầu. Chẳng hạn, sáng kiến New Urban Agenda (Nghị trình cho đô thị mới) của Hội nghị về nhà ở và phát triển đô thị bền vững (Habitat) của Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở rộng các không gian công cộng an toàn, dễ tiếp cận, xanh, chất lượng và mở cho tất cả mọi người.

Trong khi Nghị trình phát triển bền vững tới năm 2030, cũng thuộc Habitat, cam kết “cung cấp sự tiếp cận rộng khắp các không gian xanh và công cộng, đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em, người già và người tàn tật” ở các đô thị.

Báo cáo của WHO đánh giá có hệ thống các bằng chứng khoa học về tác động của không gian xanh. Sự can thiệp này bao gồm từ các không gian nhỏ nhất: một cái cây trên đường, một mảng xanh của khu dân cư tới những không gian lớn hơn, có tính kết nối như công viên và các cánh rừng trong TP.

Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu tư duy vượt ra ngoài lối quy hoạch công viên đô thị truyền thống. Những can thiệp mảng xanh là hiệu quả nhất nếu sự cải thiện về diện tích đi kèm với sự tham gia của cộng đồng tận hưởng mảng xanh đó.

Tìm hiểu qua nghiên cứu điển hình một số đô thị châu Âu, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác đa ngành và liên lĩnh vực khi quy hoạch, triển khai và đánh giá các mảng xanh trong đô thị.

Mảng xanh không phải là yêu cầu xa xỉ với các TP, mà là sự đầu tư dài hạn cần được tích hợp vào chiến lược và khung phát triển chung, gắn bó mật thiết với tổng quy hoạch, chính sách giao thông, đa dạng sinh học...

Trường hợp Singapore

Singapore là hòn đảo nhỏ với mật độ dân số cực cao và tỉ lệ đô thị hóa 100%, nhưng theo Chỉ số thành phố xanh 2016 (Green City Index) thì Singapore là đô thị xanh nhất ở châu Á.

Một nghiên cứu khác tên gọi Treepedia vào đầu năm 2017 của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) so sánh 17 TP trên toàn thế giới cũng xếp Singapore ở hạng nhất, với gần 30% diện tích được che phủ bởi cây cối và mảng xanh.

Được gọi là “Thành phố trong vườn” (City in a Garden), Singapore xếp trên Sydney (Úc) và Vancouver (Canada), đều đứng thứ hai với tỉ lệ mảng xanh chiếm 25,9% diện tích TP. Thành tích này càng ấn tượng bởi đảo quốc sư tử rất eo hẹp về mặt không gian đô thị.

Chuyên gia thảo mộc học Lahiru Wijedasa, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Quốc gia Singapore, bình luận thành quả đó là nhờ vào tư duy dài hạn, bao gồm cả các mảng xanh trên mái nhà và các mặt đứng những tòa nhà cao tầng.

Ông Oh Cheow Sheng, thành viên Hội đồng quản lý các công viên quốc gia Singapore, chỉ ra cách làm: “Các mảng xanh ven đường là xương sống của TP trong vườn.

Chúng tôi hiện quản lý 2 triệu cây trồng dọc các con đường, công viên và đất thuộc nhà nước. Cây cối được chọn dựa trên nhiều yếu tố: sự phù hợp với môi trường sống, thói quen tăng trưởng, chủng loại, nguồn gốc, chức năng, giá trị cảnh quan/thẩm mỹ, mức độ dễ chăm sóc và khả năng chịu hạn, chịu nóng.

Cây xanh ven đường một khi đã được trồng lên trở thành một phần cơ hữu của con đường đó. Đây là chìa khóa để chúng tôi mang tới sự đa dạng sinh học cho TP”.

Chính quyền Singapore áp dụng các quy định chặt chẽ với việc duy trì và mở rộng những mảng xanh, trong bối cảnh cả nước ngọt và năng lượng đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

“Chúng tôi có những sáng kiến và bước đi quyết liệt để có thể tự cung tự cấp - Yvonne Soh, tổng giám đốc Hội đồng các tòa nhà xanh Singapore, nói với CNN - Nếu có một dự án bất động sản mới, yêu cầu bắt buộc là mảng xanh mới phải tương đương với chỗ cũ hoặc nhiều hơn”.

Singapore cũng là nước duy nhất đưa các yêu cầu về mảng xanh vào quy chuẩn xây dựng, chứ không chỉ coi đó là một sự xa xỉ cộng thêm.

Một sáng kiến khác là Chương trình chấm điểm không gian xanh (GMS) của Cơ quan quản lý xây dựng và nhà ở. Được giới thiệu năm 2005, GMS sẽ đánh giá và chấm điểm các tòa nhà dựa trên tác động môi trường của chúng.

“Điều này nhằm đảm bảo các tòa nhà mới “xanh” từ đầu tới cuối” - Soh nói. Hiện gần 1.200 tòa nhà ở Singapore đã tham gia GMS, được chấm điểm và phân làm 4 loại: đạt, vàng, vàng cộng và bạch kim. Những nơi đắt đỏ nhất, vì thế, cũng là những nơi thân thiện nhất với môi trường.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận