04/11/2011 11:40 GMT+7

Không nên "cải lùi" thủ tục

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Ngày 3-11, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng tổ chức cho các sở, ngành chức năng ở các tỉnh, thành phía Nam góp ý dự thảo nghị định đầu tiên về cấp phép xây dựng (CPXD).

Bên cạnh một số nội dung được xem là khá thoáng, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định tại dự thảo nghị định này sẽ gây khó khăn hơn cho người dân so với quy định hiện nay.

A7kb0v5f.jpgPhóng to

Theo dự thảo nghị định Cấp phép xây dựng, sắp tới các trường hợp người dân xây dựng nhà tại các dự án nhà ở, khu đô thị mới (đã có quy hoạch chi tiết 1/500) cũng phải xin phép trước khi xây nhà như người dân xây nhà ở tại các khu vực khác. Trong ảnh: đất dự án phân lô tại khu đô thị Nhơn Trạnh - Đồng Nai - Ảnh minh họa: H.Nhựt

Xây không phép được tồn tại?

Trước nay, người dân xây dựng nhà tại các dự án nhà ở, khu đô thị mới (đã có quy hoạch chi tiết 1/500) không phải xin phép xây dựng. Nhưng theo dự thảo nghị định CPXD, sắp tới các trường hợp này cũng phải xin phép trước khi xây nhà như người dân xây nhà ở tại các khu vực khác.

Theo dự thảo nghị định, ngoài các loại giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về đất theo quy định, người không có giấy tờ vẫn được CPXD với điều kiện phải có xác nhận của UBND phường, xã là đất không có tranh chấp.

Đối với công trình xây dựng không phép hoặc xây sai phép nhưng nếu phù hợp quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và đủ điều kiện để cấp phép thì sẽ xử phạt theo quy định. Sau đó, người dân làm hồ sơ xin CPXD hoặc điều chỉnh giấy phép.

Quá 60 ngày, chủ đầu tư chưa có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép điều chỉnh công trình thì cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định phá dỡ công trình xây không phép, phần diện tích xây sai phép (trừ trường hợp chậm CPXD hoặc chậm điều chỉnh giấy phép do lỗi của cơ quan chức năng).

Nội dung trên khá thoáng so với quy định hiện nay ở TP.HCM là chỉ cho tồn tại nếu phần diện tích xây sai phép, công trình xây không phép xây dựng trước ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật xây dựng có hiệu lực) và phù hợp quy hoạch.

Đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009 (thời điểm nghị định 23 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng... có hiệu lực), tùy trường hợp được xem xét cấp giấy chủ quyền nhà, tồn tại có thời hạn (cam kết tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch) hoặc phải tháo dỡ. Các trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-5-2009 đến nay chưa có hướng xử lý.

Nếu thực hiện theo quy định trên, nhiều trường hợp xây sai phép, không phép trên địa bàn TP.HCM sẽ được xem xét cho tồn tại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tại hội thảo băn khoăn: quy định như trên chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” và người dân sẽ tiếp tục xây sai phép, không phép nhiều hơn.

Xây nhà ở: 9 loại thủ tục

Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho rằng theo dự thảo nghị định, hồ sơ CPXD của người dân phải có đến chín loại thủ tục (hiện nay theo quy định của UBND TP chỉ có ba loại thủ tục chính là đơn xin phép xây dựng, bản sao giấy chủ quyền nhà, đất và bản vẽ thiết kế nhà ở -PV). Ông Toàn nói ông có cảm nhận bộ phận soạn thảo nghị định muốn an toàn nên đưa thêm nhiều quy định vào hồ sơ CPXD. Như vậy sẽ trở lại quy định cũ trước đây và gây khó khăn hơn cho người dân.

Còn theo đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.Tân Bình, trong chín loại giấy tờ quy định đối với hồ sơ CPXD của dân, có đến hai loại bản vẽ gồm bản vẽ thiết kế (bên ngoài công trình) và bản vẽ kết cấu (bên trong công trình), trong đó bản vẽ kết cấu công trình không cần thiết.

Nếu bản vẽ thiết kế giá chỉ khoảng 10.000 đồng/m2 thì bản vẽ kết cấu đến 100.000 đồng/m2. Nếu một công trình nhà ở phải tốn hàng chục triệu đồng cho bản vẽ kết cấu này sẽ gây tốn kém thêm cho người dân. “Cải cách hành chính mà đi lùi lại người dân sẽ phản ứng”- vị đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.Tân Bình góp ý.

Ông Quách Hồng Tuyến, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, đồng tình với ý kiến nói trên và đề nghị không nên quy định phải có bản vẽ kết cấu công trình trong hồ sơ CPXD.

Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh, dự thảo nghị định quy định việc CPXD căn cứ theo quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng để làm xong quy hoạch này các tỉnh, thành phải mất khoảng 10 năm nữa do phải làm lại quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, rồi mới làm quy hoạch chi tiết.

Vị này đề nghị chỉ cần căn cứ theo quy hoạch phân khu để CPXD. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho rằng không nên buộc tất cả các trường hợp CPXD tại khu vực chưa có quy hoạch phải hỏi ý kiến Bộ Xây dựng hoặc các cơ quan liên quan vì như vậy sẽ kéo dài thời gian CPXD so với hiện nay.

Về việc CPXD tạm, theo quy định hiện nay, cơ quan hữu quan chỉ CPXD tạm đối với đất ở thuộc khu vực chưa có quyết định thu hồi đất. Một số đại biểu ở các tỉnh phía Nam đề nghị nên xem xét CPXD tạm đối với trường hợp chưa chuyển mục đích sang đất ở, nhằm tháo gỡ cho các hộ dân sống trong khu vực quy hoạch “treo”. Ông Quách Hồng Tuyến đề xuất: với khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan thẩm quyền nhưng nếu chủ đầu tư chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai dự án cũng nên xem xét CPXD tạm cho dân.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên