14/03/2022 13:31 GMT+7

'Không phình tổ chức khi luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở'

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở không hình thành tổ chức mới, không "phình" tổ chức, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh ngân sách trung ương và địa phương.

Không phình tổ chức khi luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 14-3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Nhiều đại biểu, nhà khoa học cho rằng xuất phát từ yêu cầu khách quan của tình hình hiện nay, cần thiết phải ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, "không có lý do gì để trì hoãn đạo luật này".

Cần thiết phải ban hành đạo luật

Trình bày tham luận, GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên ủy viên Hội đồng lý luận trung ương - cho hay từ góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy rất cần thiết phải ban hành đạo luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Hiện nay, tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, nhất là dân cư cơ sở đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được phát hiện và giải quyết như mối quan hệ giữa công an chuyên trách, chuyên nghiệp với công an bán chuyên trách. 

Không phình tổ chức khi luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Theo ông Bảo, việc thể chế hóa thành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn cần thiết bởi nó vừa góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện quy chế, pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân, vừa góp phần xây dựng công an nhân dân từ cơ sở đến toàn quốc tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

"Tôi hoàn toàn đồng ý với những đề xuất của Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, về các mối quan hệ công tác, kiện toàn, bố trí lực lượng, về chế độ chính sách và các đề xuất, kiến nghị khác.

Cần khẳng định sự cần thiết, cấp thiết và bức xúc của việc xây dựng, ban hành, thực hiện Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở...", ông Bảo nhấn mạnh.

Không "phình" tổ chức, không tăng biên chế

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải - bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên - cho rằng sự ra đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là cần thiết.

Bà Hải cho biết trong thời gian vừa qua, để đảm bảo an ninh chính trị của tỉnh, đặc biệt là an ninh xã hội thì lực lượng công an xã chính quy đã đóng góp rất nhiều.

"Tuy nhiên, thực tế thì có những phát sinh rất thực tiễn như công an chính quy ở cấp xã rất tốt về nghiệp vụ, được đào tạo bài bản nhưng gặp các đồng bào thiểu số thì lại không nói được tiếng của họ. 

Hoặc là có thể không nắm được hết các mối quan hệ "dây mơ, rễ má" ở các bản làng, vì vậy việc năm bắt tình hình thực tế còn khó khăn. Nhưng về khía cạnh này thì lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở lại thực hiện rất nhuần nhuyễn", bà Hải cho hay.

Không phình tổ chức khi luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở - Ảnh 3.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Cũng tại hội thảo, thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài - nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng - cho rằng mặc dù hiện nay đã bố trí lực lượng công an xã chính quy, chuyên trách, nhưng không vì thế mà không xây dựng lực lượng công an xã bán chuyên trách.

Bởi vì số lượng cán bộ công an xã chuyên trách rất hạn chế (mỗi xã có từ 3-5 cán bộ), khối lượng công việc nhiều, đảm bảo cả công tác quản lý… trong khi địa bàn nhiều xã là vùng nông thôn, miền núi… địa hình phức tạp, dân cư trải rộng.

Do vậy, việc tiếp tục sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở là cần thiết.

Phát biểu tổng kết hội thảo, trung tướng Lê Quốc Hùng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở không hình thành tổ chức mới, không "phình" tổ chức, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh ngân sách của trung ương và địa phương. 

Nhất trí ban hành nghị quyết có 4 giải pháp chống COVID-19 khác luật hiện hành Nhất trí ban hành nghị quyết có 4 giải pháp chống COVID-19 khác luật hiện hành

TTO - Ngày 7-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết nhất trí về việc ban hành nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 4 giải pháp cấp bách khác với quy định của luật hiện hành.


DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên