28/09/2020 07:20 GMT+7

Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Sẽ không còn lo chuyện đi lại?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Hàng chục năm qua, nhiều giảng viên, chuyên gia ở các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM là "hành khách" thường xuyên của những chuyến xe do trường vận hành, kết nối cơ sở ở trung tâm với Thủ Đức (khoảng 20 km).

Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Sẽ không còn lo chuyện đi lại? - Ảnh 1.

Giảng viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM đi xe đưa đón từ điểm đón số 3 Công trường Dân Chủ đến trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khi khu đô thị sáng tạo phía Đông được định hình, những trở ngại trong việc di chuyển hứa hẹn sẽ không còn, giúp chuyên gia có thể an tâm công tác, không chỉ với ĐH Quốc gia TP.HCM mà còn cả những phân khu khác.

Hiện tại, ĐH Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức) có diện tích khoảng 643ha, trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên.

Vấn đề an cư không chỉ xét về tiện nghi của nơi mình ở, mà còn là sự thuận tiện của nơi ở đối với mỗi cá nhân trong công việc, thể chất và tinh thần. Nhà không chỉ là nơi để về, mà có thể cần nằm trong không gian làm việc thân thiện, thuận lợi cho rèn luyện sức khỏe và giải trí. Ở gần nơi làm việc sẽ rất thuận tiện cho việc di chuyển, tiết kiệm thời gian và công sức cho cán bộ, giảng viên.
Ông Nguyễn Huỳnh Minh Phúc (giảng viên trẻ tại khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Những chuyến hơn 40 năm

Chúng tôi đến cơ sở quận 5 Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) một ngày giữa tháng 9-2020. Chưa đến 6h sáng, sân trường vắng tiếng sinh viên nhưng nhiều giảng viên đã có mặt trong sân, chuẩn bị lên chiếc xe 24 chỗ về làng Thủ Đức dạy học. Một số thầy cô chưa kịp ăn sáng tranh thủ làm vội một chiếc bánh mì. Số khác ngồi ghế đá đọc báo hay coi qua bài giảng...

Nhà ở quận 7, PGS.TS Nguyễn Du Sanh, giảng viên khoa sinh học - công nghệ sinh học, chia sẻ mỗi lần muốn đi xe của trường đều phải chuẩn bị thật sớm. Chiếc khởi hành sớm nhất là 6h30 nên giảng viên phải có mặt đầy đủ trước đó. Nhiều bữa thầy Sanh phải ra khỏi nhà khi đồng hồ chỉ vừa sang 5h30.

Thầy Sanh kể mình đã gắn bó với những chuyến xe nối quận 5 - Thủ Đức của trường hơn 40 năm. Từ khi đất nước thống nhất, các giảng viên của ĐH Tổng hợp lúc này đã "bám trụ" đi về Thủ Đức hằng ngày để giảng dạy. Thời đó đi lại khó khăn: xe cũ, xăng dầu thiếu thốn..., có hôm được nửa đường xe hư. Chưa có điện thoại di động, thầy cô phải chạy tìm một cơ quan gần đó để nhờ liên hệ về cơ sở chính cử một chiếc khác đến "cứu trợ". Nhiều thầy còn xắn tay nhào xuống xe phụ sửa chữa. Các xe chạy bằng than dọc đường bấy giờ đều rất đông người, không ít chiếc người ta còn đu kín phía sau nên không thể đi nhờ.

"Giờ tốt hơn xưa nhiều rồi nhưng tôi vẫn mong muốn một ngày có metro, như vậy sẽ linh động, thuận tiện hơn. Nhiều thầy cô đi dạy chỉ có ba tiết ở Thủ Đức vẫn phải đến trường từ sớm, di chuyển xa, rồi phải đợi có chuyến để cùng các thầy cô khác về chung. Giao thông ở khu đô thị mới khi phát triển sẽ giúp giảng viên chủ động giờ giấc cho mình hơn" - thầy Sanh nói.

Mất quá nhiều thời gian cho việc di chuyển

Mỗi ngày, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có nhiều chuyến xe kết nối hai cơ sở quận 5 và Thủ Đức. Buổi sáng gồm hai chuyến 6h30 và 8h20, buổi trưa đi về có khung giờ 11h15 và 12h15. Chuyến đi buổi chiều là 11h30, giờ về là 16h15 và 17h15. Các trường khác trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đều có những chuyến xe như thế.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương - khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ không ít thầy cô nhà xa, có người tận Hóc Môn, phải lên trường từ hơn 5h30 để kịp chuyến xe. Có đứa con đang tuổi ăn học, cô Phương và chồng - cũng là giảng viên - phải phân ngày đi dạy Thủ Đức xen kẽ để luôn có người ở nhà lo cho con sáng sớm và chiều về. "Những lúc bị kẹt, phải nhờ đến người nhà. Đợt dịch vừa rồi nhiều thầy cô không sắp xếp được phải dẫn con lên xe luôn" - cô Phương nói.

Mỗi tuần, cô Phương trung bình di chuyển về Thủ Đức 3 lần, có khi cao điểm đến 5 lần/tuần. Các chuyến xe giúp thầy cô được nghỉ ngơi, an toàn hơn khi đi lại trên tuyến Xa lộ Hà Nội nhiều xe lớn. "Dù tiện lợi và an toàn nhưng đôi lúc cũng cảm thấy mất thời gian. Mỗi ngày xuống Thủ Đức là xem như mất đi 2 tiếng. Thời gian đó có thể làm được nhiều việc khác" - cô Phương nói.

TS Trần Anh Sơn - phó trưởng khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết do nhà ở lưng chừng quận 12, tùy hôm ông sẽ cân nhắc lên cơ sở chính (quận 10) theo xe về làng đại học hay chạy thẳng về Thủ Đức. Chẳng hạn, những hôm phải dạy cả ngày ở Thủ Đức, thầy Sơn tự chạy xe máy. Còn khi chỉ dạy một buổi, thầy chọn lên quận 10 để buổi còn lại được đưa về cơ sở chính tiếp tục làm việc. "Nhà trường đã hỗ trợ giảng viên rất nhiều nhưng việc duy trì cũng vất vả cho trường vì tốn nhiều chi phí" - thầy Sơn nói.

TS Huỳnh Văn Chẩn - trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ đi xe chung được an toàn nhưng bất tiện ở chỗ không thể linh động. Do vậy, nhiều lúc vì để giải quyết thêm nhiều công việc sau giờ dạy ở làng đại học, ông chọn cách tự chạy xe máy dù đoạn đường xa và di chuyển vất vả.

Nơi ở cần an toàn, nhiều tiện ích

Theo KTS Khương Văn Mười - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông, nơi lưu trú cho các chuyên gia rất cần thiết, không chỉ cho ĐH Quốc gia TP.HCM mà còn cho nhiều khu chức năng khác như khu công nghệ cao, khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm. Nhu cầu chỗ ở ngắn ngày, dài ngày đều có, đặc biệt các chuyên gia quốc tế luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

kts-khuong-van-muoi-7-1021

Theo ông Mười, khu ở phân bố tùy vào các phân khu trong đô thị mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nhà nước cần đảm bảo an toàn về an ninh trật tự, môi trường sống tốt, không khí trong lành... Xa hơn, cần tính đến chuyện "an cư" lâu dài cho họ, như việc con cái của họ sẽ học hành ở đâu, có dễ dàng tiếp cận những tiện ích như y tế, vui chơi giải trí... hay không.

Theo dự báo, quy mô dân số khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030 và 1,9 triệu người vào năm 2040 nếu tốc độ phát triển dân số trung bình 2,3% được giữ vững. Khu đô thị cũng sẽ thu hút nhiều lao động trình độ kỹ sư và chuyên gia, dự kiến giai đoạn 1 (2021-2023) thu hút 20.000 việc làm, giai đoạn 2 (2023-2030) là 50.000 việc làm, giai đoạn 3 (2030-2040) 150.000 việc làm. Vì thế, vấn đề nhà ở cho chuyên gia càng phải được quan tâm. "Người ta không thể bỏ tiền ra mà chỉ sống ở nơi ô nhiễm, ồn ào, bụi bặm, con cái không an toàn. Khi không tạo được những điều kiện sống an toàn và nhiều cơ hội thì khó lòng thu hút các chuyên gia" - KTS Khương Văn Mười nói.

Tọa đàm "An cư lạc nghiệp ở đô thị sáng tạo"

Chiều 29-9 tại Đại học Quốc gia TP.HCM, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề "An cư lạc nghiệp ở đô thị sáng tạo" nhằm đáp ứng sự quan tâm của đông đảo người dân, bạn đọc, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nội dung tọa đàm bàn luận về khu vực tập trung cư dân trí thức, câu chuyện nhà ở, giải quyết các vấn đề "an cư lạc nghiệp" cho giới trí thức trẻ ở thành phố phía Đông. Tham dự buổi tọa đàm có các chuyên gia, đại diện lãnh đạo UBND quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, các sở ban ngành TP.HCM, đại diện lãnh đạo khối Đại học Quốc gia... (BÍCH HƯỜNG)

Xung quanh khu đô thị sáng tạo phía Đông: Nhu cầu nhà ở rất lớn Xung quanh khu đô thị sáng tạo phía Đông: Nhu cầu nhà ở rất lớn

TTO - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM được thành lập sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng nền kinh tế và tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản khu vực, do nhu cầu nhà ở sẽ tăng mạnh.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên