13/04/2018 10:17 GMT+7

Khu đô thị sáng tạo TP.HCM: Đừng là đô thị rỗng

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Ngày 12-4, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng Viện KAS - CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược”.

Khu đô thị sáng tạo TP.HCM: Đừng là đô thị rỗng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng phát biểu tại buổi hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

Dù rất hào hứng ủng hộ việc xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía đông TP, nhưng các nhà khoa học cũng đặt ra nhiều vấn đề về cách làm để khu đô thị này thực sự hiệu quả.

Chuyển ý tưởng thành hành động

Khái niệm khu đô thị sáng tạo làm hạt nhân để TP thực hiện cách mạng 4.0 được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra đầu năm 2018.

Theo đó, khu đô thị rộng 22.000ha này sẽ gồm Q.9 (với Khu công nghệ cao), Q.2 (với khu đô thị mới Thủ Thiêm) và Q.Thủ Đức (với ĐH Quốc gia TP.HCM), với hơn 1 triệu dân.

Dự kiến trong tháng 5, TP.HCM sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về chủ đề này với cam kết "Chuyển ý tưởng của các chuyên gia thành hành động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững".

Dẫn chứng thành công từ một số mô hình khu đô thị ở Việt Nam như Phú Mỹ Hưng, Ecopark, ông Nguyễn Đỗ Dũng - nhà quy hoạch chính đến từ Singapore - cho rằng tất cả dự án phải được giao cho một người hoặc một tổ chức thực hiện.

"Sinh mạng chính trị lẫn kinh tế của họ phải gắn với việc thành công hay thất bại của dự án thì mới thành công được" - ông Dũng nói.

Là người làm việc lâu năm trong ngành quy hoạch, GS Phan Văn Trường (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng phải hết sức cẩn thận khi tạo ra một khu đô thị mới. Vì trên thực tế đã có những đô thị hoàn toàn rỗng vì không có dân cư sinh sống, đơn cử như Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

Đây chỉ là nơi làm khoa học, chứ không đặt con người vào đó.

Phải có khảo sát, đánh giá

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, khi xây dựng khu đô thị này, TP.HCM phải khảo sát, đánh giá tác động đối với cộng đồng dân cư hiện hữu.

Ông Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích khối cư dân hiện sinh sống tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức phần lớn là nông thôn thuộc huyện Thủ Đức cũ.

Vậy nên, phải tạo môi trường để các nhóm cư dân tương tác, lôi cuốn những người dân hết sức bình thường để cùng tham gia sáng tạo.

Một số ý kiến cũng đặt vấn đề tính khả thi của việc xây dựng khu đô thị này. Bởi thông thường các khu đô thị sáng tạo trên thế giới có diện tích không quá 10ha. Trong khi khu vực ba quận này có diện tích tới 22.000ha.

Chỉ riêng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất cho rằng câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải được dẫn dắt bởi tư nhân, còn Nhà nước chỉ tạo cơ chế, điều kiện hỗ trợ.

"Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.

Thực tiễn các nước cho thấy khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp" - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên