22/07/2019 15:29 GMT+7

Khu tập thể bằng gỗ sắp sập giữa Hà Nội

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Khu tập thể 2 tầng ở số 1A phố Hàm Tử Quan, Hà Nội được dựng bằng gỗ như vẫn mang hình hài từ giữa thế kỷ trước. Nơi mà người lạ không ai muốn quay lại vì sợ... sập!

Khu tập thể bằng gỗ sắp sập giữa Hà Nội - Ảnh 1.

Hành lang như manh áo vá chằng vá đụp - Ảnh: VŨ TUẤN

Cầu thang gỗ lên hành lang tầng 2 kẽo cà kẽo kẹt theo mỗi bước chân...

"Vương quốc... chuột"

Người ta nửa đùa nửa thật rằng bất cứ cô gái trẻ nào về nhà bạn trai ở dãy tập thể này, chỉ vừa bước 9 bậc thang là đã... bỏ đi mất vì sợ! Còn anh Bình, một khách thuê trọ, khẳng định chỉ có thần kinh thép mới đến đây.

Dãy hành lang được gia cố bằng đủ thứ tạp nham từ ván ép, tôn rách đến cả... bìa cactông. Có khách là cả dãy bập bùng như cầu phao dã chiến.

Gần cuối hành lang là một khoảnh nhỏ được quây bằng mấy mảnh thùng phuy để làm bếp của gia đình bà Thơm - người còn ở khu tập thể này từ những năm 1970.

Bố mẹ bà Thơm trước là cán bộ trong Bộ Giáo dục. Đầu năm 1960, dãy nhà gỗ 1A được Nhà nước phân về bộ để làm khu ở tập thể. Bà Thơm cũng là công chức bộ, đã nghỉ hưu và vẫn sống ở đây vì "quen mùi khói than".

Vuốt mồ hôi, bà Thơm cười gượng hỏi lại tôi: "Chú thấy nơi này nguy hiểm chỗ nào? Tôi ở đây mấy chục năm rồi".

Khu tập thể bằng gỗ sắp sập giữa Hà Nội - Ảnh 2.

Bà Thơm vẫn sống ở căn hộ cũ nát như sắp sập - Ảnh: VŨ TUẤN

Trong căn hộ chỉ hơn 10m2, hai đứa trẻ chừng 5 tuổi đang nô đùa, nhảy huỳnh huỵch, sàn nhà rung lên bần bật. Người sống lâu nhất khu tập thể này cũng không thể biết hết các cây cột gỗ đã bị mọt ăn rỗng. Có cây cột bọn chuột còn đào cả đường đi xuyên qua lõi.

Không thể tháo dỡ, người ta "bó bột" bằng trét ximăng vào những lỗ bị chuột đục, quây chân cột bằng tấm tôn để tránh mưa và "bó" khung gỗ bằng những thanh sắt. Lâu ngày, những cây sắt đó chỉ còn gỉ màu nâu xỉn, từng lớp bong rơi như vảy khô của cây thông vỏ đỏ.

Đặc biệt, giữa sàn nhà tầng 2 và trần tầng 1 là vương quốc của... chuột! Bà Thơm bảo mấy chục năm nay không ai bóc lớp gỗ ngăn cách giữa 2 tầng ra. Cứ đêm đêm, chuột nổi loạn, chạy rầm rập, kêu rít cả dãy tập thể. Ai mà gọi đây là "chung cư ổ chuột" thì đúng cả nghĩa đen.

Cả ba thế hệ nhà bà Thơm rúc rích trong căn tập thể bé nát. Tài sản bà Thơm quý nhất chính là 3 chiếc hòm tôn to.

"Hôm nào mưa to, nhà dột, bao nhiêu quần áo, chăn màn... nhét hết vào mấy chiếc hòm, thế là yên tâm" - bà Thơm nói.

TP Hà Nội đã chủ trương thu hồi nhà tập thể 1A và các nhà trong khuôn viên nhà gỗ. Dự án ở mức thông báo thu hồi, chưa biết rồi sẽ thành công trình gì.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, cái khó là nếu chỉ thu hồi căn nhà gỗ thì đất hẹp quá, lại bị "bao vây" bởi nhiều nhà dân. Còn thu hồi cả khuôn viên thì hơn 80 hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng.

htq 1 (2) 3(read-only)

Nhà gỗ cũ nát dưới mái ngói dài lọt thỏm trong những nhà cao tầng mới xây - Ảnh: VŨ TUẤN

Trên cả nguy hiểm

Ông Nguyễn Đình Thắng - tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Chương Dương - nói rằng khu tập thể này như "bị lãng quên". Lần lại tài liệu ở Phòng tài nguyên - môi trường quận Hoàn Kiếm thì đúng là chung cư này nằm trong đề án phải thu hồi từ 20 năm trước để tái định cư cho dân vì quá nguy hiểm.

Anh cán bộ phòng giải thích tòa nhà cực kỳ nguy hiểm là ở cấp D, còn nhà gỗ số 1A phố Hàm Tử Quan đã ở cấp nguy hiểm cao nhất này từ 20 năm rồi, tức trên cả nguy hiểm!

Những cư dân đầu của khu tập thể là cán bộ công chức nghèo. Hồi mới xây dựng, những năm cuối thập niên 1950, cả khu Chương Dương có 9 căn nhà tập thể. Khung gỗ, tường bao bằng đất, trát vôi, mái ngói, vách ngăn và trần bằng cót ép. Đó là thời "hợp tác xã", các gia đình có gian riêng nhưng bếp ăn tập thể và nhà vệ sinh chung...

Ông Trương Đình Hiếu, ở số nhà 34 phố Hàm Tử Quan, hào hứng khoe những bức ảnh chụp khu tập thể từ ngày mình còn trẻ. Gắn với nơi này từ thời tóc còn để chỏm, ông kể hồi đó ngày nào mình cũng leo lên đống tre xem dân quân dựng nhà.

Ngày ấy, khu Hàm Tử Quan là xóm nghèo bên sông. Cả 19 căn tập thể bằng gỗ được dựng để công chức thường ở. Cán bộ cấp cao hơn ở các khu Kim Liên, Văn Chương, Nam Đồng hay "phố tướng" Lý Nam Đế... Bố mẹ ông Hiếu là cán bộ Viện Khoa học VN cũng được phân một căn tập thể.

Về sau, người dân không còn dùng bếp tập thể nữa, cơ quan cho phép các hộ dùng khoảnh đất lưu không để làm thêm căn bếp. Nhà gỗ 1A có thêm những căn nhà nhỏ xíu mọc ra như chân rết. Dần dần, các hộ dân chuyển ra ở nhà "chân rết" và căn tập thể để làm kho chứa đồ, cho thuê...

Trong ngôi nhà 2 tầng ngắn ngủn ở số 20 Hàm Tử Quan, bà Dương Thị Tường kể đất xây dựng nhà này là đất lưu không căn tập thể cũ. Nó giờ vừa là nơi ở của gia đình vừa là quán nước để bà có thêm đồng gạo, đồng rau qua ngày.

Gian tập thể 12m2 ở nhà gỗ 1A cũ không đủ chỗ cho 5 người ở và không bếp, không nhà vệ sinh. Vợ chồng bà Tường ngày đi làm, tối đi nhặt mót gạch vỡ để xây thêm bếp.

Được 3 năm thì bà cũng làm được căn bếp. Nhưng năm 1986, trận lụt lớn khiến nửa dưới bị ngấm nước. Gạch non, vữa "ba ta" (vữa chỉ có vôi và cát) mủn ra khiến vợ chồng bà Tường lại lần nữa dồn toàn bộ tài sản sửa lại.

Rồi gia đình bà từ gian 12m2 vách ngăn cót ép khu tập thể dạt ra ngôi nhà xuất phát là cái bếp "chân rết" này...

"Phận đời" 19 nhà tập thể gỗ ở Hà Nội

htq 1 4(read-only)

Gian tập thể nhỏ bé ngày xưa của ông Trương Đình Hiếu Ảnh: VŨ TUẤN

Theo ông Lê Tiến Hùng - phó trưởng Phòng tài nguyên và môi trường quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương có 19 nhà chung cư bằng gỗ. Chúng được xây dựng từ cuối thập niên 1950 đầu 1960, thuộc sở hữu nhà nước. Đến khoảng thập niên 1990, có 2 nhà hư hỏng nặng phải xây lại.

Năm 2003, UBND TP Hà Nội đề xuất thanh lý, bán lại cho các hộ dân. Khi đó, 17 nhà này đã xuống cấp nặng khiến TP phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá mức nguy hiểm. Kết quả đánh giá ở mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải phá dỡ.

Đến năm 2006, UBND TP giải phóng được thêm 7 nhà, sau đó có 2 nhà bị cháy. TP tiếp tục chỉ đạo thu hồi 7 nhà còn lại và chỉ còn khu tập thể đầu tiên là nhà gỗ 1A chưa thể thu hồi với diện tích khoảng 1.300m2, 2 tầng cùng 24 gian.

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, cuối năm 2018 TP còn gần 1.300 chung cư cũ. Trong đó có đến 325 chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng, có thể dẫn tới phá hủy kết cấu, đổ sập.

691 chung cư cũ có "khuyết tật", hư hỏng, làm giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân. Còn lại chỉ trên 100 chung cư cũ đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Khu tập thể Kim Liên sẽ lột xác thành đô thị 40 ha Khu tập thể Kim Liên sẽ lột xác thành đô thị 40 ha

TTO - Khu tập thể cũ Kim Liên thuộc địa giới hành chính các P.Kim Liên, Phương Mai (Q.Đống Đa) sẽ biến thành một khu đô thị hiện đại rộng hơn 40ha.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên