24/12/2018 11:36 GMT+7

Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Do năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung nên tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019? - Ảnh 1.

Đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và bất động sản, đại diện doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

"Cách đây hơn một năm, chúng ta từng dự báo có khả năng bùng nổ bong bóng bất động sản, nhưng cũng đi kèm với nhận định Việt Nam sẽ kiềm chế được bong bóng, vì kiểm soát vĩ mô tốt hơn. Và quả thật, năm vừa rồi Việt Nam đã làm rất tốt thực tế này".

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã nhận định như vậy tại Hội thảo "Kịch bản bất động sản Việt Nam 2019 nhìn từ những xung lực mới" được tổ chức chiều 23/12 tại Sầm Sơn-Thanh Hóa.

Theo ông Trần Đình Thiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đánh giá rất cao sự ổn định vĩ mô; trong đó có đóng góp lớn của bất động sản.

Mặc dù năm 2018 thị trường bất động sản Việt Nam có thăng trầm, lên xuống, có lúc gây xúc động cho nhiều người.

Nhìn nhận lại thị trường bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Năm 2018, Việt Nam đã kiểm soát được thị trường bất động sản, dòng vốn đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường.

Không những thế, sự ổn định chính sách cũng tốt hơn, điển hình là việc Chính phủ đã quan tâm và đưa ra chỉ thị về quản lý, vận hành nhà chung cư cũng như chính sách có nhiều điểm rõ ràng, minh bạch hơn tạo nên sự bền vững cho thị trường.

Cùng quan điểm này, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ: Thị trường phát triển ổn định, có sóng nhưng khá tốt.

Đáng lưu ý có hai sản phẩm có thể được coi là "hot" là nhà giao ngay và nhà giá thấp; thị trường có thể chia làm ba giai đoạn: Từ đầu năm đến giữa tháng 5 là gần chạm bong bóng; nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 9 là suy giảm không đóng băng; giai đoạn từ đó đến nay là hồi phục và tìm các chiều hướng đi lên.

Ông Trần Kim Chung cũng thẳng thắn chỉ ra 3 điểm nghẽn sẽ kéo dài sang 2019 là việc mở rộng các nguồn cấp vốn là rất cần thiết và phải có thể chế như tạo ra khuôn khổ thể chế về condotel, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, các loại hình thái khác.

Mặt khác, năm 2018 và 2019 Việt Nam vẫn chưa thấy bóng dáng của các chính sách tài chính với thị trường bất động sản. Đặc biệt quỹ tín thác là giải pháp có thể tốt nhất cho thị trường bất động sản nhưng chưa được thực hiện.

Đặc biệt, các thành tố tham gia thị trường trong nước và nước ngoài, các bên liên quan cần tham gia nhiều hơn nữa.

Mặc dù năm 2018 Việt Nam đã vận dụng tốt được việc kiểm soát dòng tiền nhưng sang năm 2019 cần tiếp tục kiểm soát sao cho phù hợp hơn.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng: Do năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung nên tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, năm 2019 sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội bởi trước đó thị trường sụt giảm nguồn cung nên tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra.

Hơn nữa, việc mất cân đối giữa cung cầu dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp. Ngoài ra, phân khúc nhà ở xã hội năm vừa rồi chưa triển khai được nhiều do vướng mắc chính sách.

Đáng lưu ý, việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án bất động sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2019./.


Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên