13/06/2016 09:58 GMT+7

​Kiểm định các công trình nguy hiểm từ năm 2017

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Từ năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ kiểm định toàn bộ các công trình cũ nguy hiểm tại các đô thị.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tập huấn quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng để thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ nguy hiểm tại đô thị, tổ chức ngày 10-6 tại Hà Nội.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, hiện nay số lượng nhà ở và các công trình công cộng, đặc biệt là nhà chung cư và biệt thự cũ ở cấp độ nguy hiểm trên cả nước đã lên đến con số hàng nghìn.

Riêng Thủ đô Hà Nội có khoảng hơn 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước 1954. Trong đó, không ít công trình đã xuống cấp và hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chịu lực của công trình, đe dọa đến tính mạng của người dân.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng cụ thể, thống nhất để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2016, Bộ sẽ cùng với các Sở Xây dựng và các địa phương rà soát tổng thể các công trình để xác định được số lượng cụ thể và tình trạng của từng công trình. Đến năm 2017 sẽ thực hiện bước 2 của quy trình là đánh giá kỹ thuật sâu.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, quy trình đánh giá được xây dựng dựa vào các quy định của nước ngoài, nghiên cứu để áp dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.

Quy trình này đã xét đến các yếu tố như những công trình nào đã được các địa phương đánh giá trong thời gian qua sẽ tiếp tục đối chiếu với các quy định về kỹ thuật, nếu phù hợp có thể sử dụng kết quả để giảm thời gian và chi phí, tránh lặp lại những công việc đã làm.

Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình đánh giá và tổ chức triển khai tập huấn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng do Bộ Xây dựng ban hành gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn một là khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan và sử dụng chuyên gia, đưa ra các đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu. Kết luận của bước khảo sát này là công trình có cần thiết kế khảo sát chi tiết giai đoạn 2 hay không và nếu không thì sẽ có hướng xử lý khác.

Giai đoạn 2 là khảo sát đánh giá chi tiết bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng; thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình. Từ đó đề xuất phương án xử lý tiếp theo. Bước này chỉ tiến hành đối với các nhà thuộc diện phải khảo sát chi tiết để đánh giá theo kết luận của giai đoạn một.

Quy trình này áp dụng cho các đối tượng nhà ở và nhà công cộng, đặc biệt chú trọng nhà chung cư xây dựng trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị hoàn thành việc rà soát, thống kê, đánh giá bước một và phân loại, xác định nhà ở và các công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không bảo  bảo an toàn chịu lực trước ngày 31-12-2016; hoàn thành đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với nhà ở và công trình công cộng có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm trước ngày 31-12-2017.

Đánh giá cấp độ nhà ở và công trình công cộng nguy hiểm lần lượt như sau: Cấp A là sử dụng bình thường, sửa chữa nhỏ. Cấp B là sử dụng bình thường, sửa chữa cấu kiện nguy hiểm. Cấp C là nguy hiểm cục bộ, sửa chữa, gia cường. Cấp D là nguy hiểm tổng thể, chống đỡ sơ tán tạm thời khi cần thiết.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên