09/11/2023 10:24 GMT+7

Kiến tạo cơ hội học tập suốt đời

"Literacy Awards" (Giải thưởng Xóa mù chữ và phổ biến tri thức) vừa được Thư viện Quốc hội Mỹ trao tặng cho dự án Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái của Việt Nam. Một cơ hội học tập...

Ngôi nhà trí tuệ tại Dĩ An (Bình Dương) - Ảnh: NVCC

Ngôi nhà trí tuệ tại Dĩ An (Bình Dương) - Ảnh: NVCC

Giải thưởng nhằm vinh danh các tổ chức có chiến lược đột phá, sáng tạo và hiệu quả trong khuyến đọc và kiến tạo các cơ hội học tập suốt đời.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - sáng lập dự án - cho biết tính đến thời điểm hiện tại, hai dự án này đã xây dựng được mạng lưới 20.090 tủ sách với hơn 1,1 triệu cuốn sách tại hơn 3.000 trường học, cộng đồng dân cư và 168 không gian học tập cộng đồng.

Tại lễ trao giải, một số phóng viên quốc tế hỏi góc nhìn của tôi về khái niệm "literacy". Tôi cho rằng "literacy" không chỉ là biết đọc, biết viết và biết làm toán. "Literacy" trong thời đại ngày nay còn là sự ham học hỏi và biết áp dụng những gì mình đã học.
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Dạy những thứ ít được học ở trường

* Đến nay, dự án đã có 168 không gian học tập cộng đồng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Làm thế nào để có thể quản lý và vận hành số lượng nhiều như thế, thưa ông?

- Thú thật, đội ngũ làm việc chính thức cho Ngôi nhà trí tuệ chưa đến năm người, hầu hết là làm việc không lương. Đội ngũ sẽ nắm các công việc về định hướng, kết nối với các địa phương, các nhà nhân ái cũng như thường xuyên theo dõi tình hình của các Ngôi nhà trí tuệ.

Ở mỗi Ngôi nhà trí tuệ tại từng địa phương sẽ có những tình nguyện viên trong vai trò ban chủ nhiệm. Họ thường rất có tâm huyết với giáo dục, có thể là giáo viên, giảng viên hoặc một cựu chiến binh, có khi cũng là một người đang làm trong cơ quan nhà nước. Ban chủ nhiệm kết hợp với những bạn trẻ tình nguyện viên trong khu vực đến giảng dạy hoặc tổ chức các chương trình.

Ở một số tỉnh thành, chính quyền rất quan tâm đến Ngôi nhà trí tuệ. Chẳng hạn tại Hà Tĩnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đưa ra sáng kiến tích hợp Ngôi nhà trí tuệ trong nhà văn hóa cộng đồng. Các chương trình tại đây không chỉ hướng tới mang tri thức cho các bạn trẻ mà còn cho cộng đồng có cơ hội tiếp cận với sách vở, Internet... Nhiều Ngôi nhà trí tuệ ở đây có cả tài khoản riêng để chủ động tiếp nhận nguồn tài trợ.

Theo tôi, một mô hình cộng đồng chỉ bền vững khi có sự đồng hành của chính quyền địa phương và do chính người dân đảm nhiệm. Một dự án sẽ không hiệu quả và lan tỏa nếu chỉ do những người sáng lập dự án thực hiện, mà cần được chung tay, tiếp sức bởi nhiều người.

* Các chương trình, hoạt động tại Ngôi nhà trí tuệ ở các địa phương hiện ra sao?

- Khoảng 60% chương trình tại các Ngôi nhà trí tuệ sẽ đi theo các nội dung, tiêu chí mà dự án đưa ra. Chúng tôi chú trọng vào những nội dung mà các em ít được học ở trường như các kỹ năng sống, kỹ năng học, cách tư duy, những bài học về bảo vệ bản thân, chống xâm hại... Các giáo viên cũng sẽ giúp các em luyện giao tiếp tiếng Anh. Ngoài ra, Ngôi nhà trí tuệ được trang bị nhiều đầu sách và Internet để các em có thể tự học và tra cứu thông tin.

Khoảng 40% nội dung sẽ tùy thuộc điều kiện, văn hóa của từng địa phương để có những bài học phù hợp. Ban chủ nhiệm từng Ngôi nhà trí tuệ sẽ linh hoạt việc này. Đôi khi một ban chủ nhiệm có thế mạnh về dạy võ, các em sẽ được học nhiều buổi học về võ. Tương tự, một ban chủ nhiệm mạnh về cờ vua thì các em sẽ có thêm những buổi chơi cờ...

Tình nguyện viên tại một Ngôi nhà trí tuệ ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) - Ảnh: NVCC

Tình nguyện viên tại một Ngôi nhà trí tuệ ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) - Ảnh: NVCC

Những tình nguyện viên nhiệt thành

* Hoạt động của Ngôi nhà trí tuệ hiện nay có gì khác biệt so với những ngày đầu?

- Lúc đầu, chúng tôi khởi động với những hoạt động tặng sách đến các trường học, dần dần mở rộng ra thành lập những không gian đọc sách công cộng. Đó là dự án Tủ sách nhân ái. Về sau, chúng tôi nghĩ đến việc nâng cấp một số không gian này thành một nơi không chỉ cho mọi người đến để đọc sách miễn phí mà có thêm nhiều hoạt động giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức, thế là Ngôi nhà trí tuệ ra đời.

Do ban đầu chưa có tên tuổi, chúng tôi gặp một số khó khăn để thuyết phục lập ra các Ngôi nhà trí tuệ. Chúng tôi trước hết tìm những người có cùng chí hướng, biến chính ngôi nhà của họ trở thành không gian Ngôi nhà trí tuệ, là nơi trẻ em trong khu vực có thể đến đọc sách, học tập. Khi thấy hoạt động hiệu quả, chúng tôi mở thêm nhiều nơi khác, có nơi các Ngôi nhà trí tuệ cần được xây mới, chúng tôi vận động các nhà nhân ái.

Sau này, người dân ở một số nơi rất sẵn sàng đóng góp kinh phí để xây Ngôi nhà trí tuệ, thậm chí có nơi tự bỏ hoàn toàn kinh phí. Vui nhất là có những địa phương, người dân có những ý tưởng sáng tạo cho Ngôi nhà trí tuệ.

Chẳng hạn ở một số tỉnh miền Trung, ban chủ nhiệm biến một góc không gian một số Ngôi nhà trí tuệ thành những bảo tàng mini. Ở đó, họ trưng bày tiểu sử các danh nhân ở làng xã mình để con cháu ghi nhớ. Còn một số Ngôi nhà trí tuệ, nhiều người còn trưng bày các nông cụ, ngư cụ mà ông bà xưa đã sử dụng để lập làng, lập xã cho thế hệ sau biết đến.

* Ông có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ trong suốt hành trình gắn bó với Ngôi nhà trí tuệ?

- Có lẽ những kỷ niệm với tôi là những con người nhiệt thành đồng hành cùng Ngôi nhà trí tuệ. Chẳng hạn, ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có anh Nguyễn Thành Đông, hiện là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Anh là một tình nguyện viên cần mẫn, chăm chút cho từng hoạt động của Ngôi nhà trí tuệ ở địa phương và thường vận động các nguồn sách mới. Đến nay, cả huyện có đến khoảng 30 Ngôi nhà trí tuệ.

Đó còn là giáo sư Sarah Kirk và phó giáo sư Shannon Gramse từ ĐH Alaska, những người cứ Tết hoặc hè nếu không có việc bận là lại sang Việt Nam đi "chạy show" dạy tiếng Anh, khoa học và nói chuyện với các bạn nhỏ tại nhiều ngôi nhà trí tuệ. Hè vừa rồi, cả hai ở Việt Nam gần ba tháng. Hôm về lại Mỹ, ông bà chia sẻ những ngày được đi dạy vì cộng đồng ở các vùng quê Việt Nam vừa qua, được người dân địa phương và các em nhỏ đón tiếp nghĩa tình, cho họ một trong những cảm giác hạnh phúc nhất từng có.

Sẽ phát triển mảng quốc tế

* Thời gian tới, dự án Ngôi nhà trí tuệ sẽ có thêm những hướng đi mới nào?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ phát triển thêm Ngôi nhà trí tuệ mạnh hơn nữa về mảng quốc tế. Chúng tôi hiện có các tình nguyện viên là sinh viên, chuyên gia người Việt tại Mỹ, Malaysia, New Zealand, Úc, Nhật, thường xuyên tổ chức các bài giảng online cho học sinh trong nước có thể theo dõi.

Sắp tới, ngoài gia tăng những tình nguyện viên từ các nước, chúng tôi còn có thêm kế hoạch mở một số Ngôi nhà trí tuệ tại Lào, đặc biệt ở những khu có đông người Việt đang sinh sống.

Tại Đồng Nai, chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với địa phương triển khai khoảng 200 Ngôi nhà trí tuệ. Trong đó, ngoài tập trung vào trường học và cộng đồng dân cư, chúng tôi cũng sẽ hướng đến các nhà máy, khu công nghiệp - nơi con em của các công nhân còn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận tri thức.

Luôn sáng đèn

Ngôi nhà trí tuệ là nơi để mọi người có thể đến và duy trì sự học theo nhiều cách khác nhau. Hằng tuần đều đặn có từ 1-3 buổi học. Vào mùa hè, các hoạt động diễn ra thường xuyên hơn. Ngôi nhà trí tuệ luôn mở cửa để các em có thể đến đọc sách. Có những nơi không buổi tối nào Ngôi nhà trí tuệ không sáng đèn cả.

Dự án khuyến đọc Việt Nam nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội MỹDự án khuyến đọc Việt Nam nhận giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ

Chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ của Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức năm 2023 do Thư viện Quốc hội Mỹ trao tặng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên