27/09/2019 08:00 GMT+7

Kinh tế chia sẻ - Xu hướng phát triển tất yếu?

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP - P.Q
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP - P.Q

'Kinh tế chia sẻ' là từ khóa nóng hổi trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua.

Kinh tế chia sẻ - Xu hướng phát triển tất yếu? - Ảnh 1.

Sự phát triển của công nghệ vừa mở đường vừa làm bàn đạp đẩy mạnh kinh tế chia sẻ vào cuộc sống hiện đại.

Đặc biệt là vào tháng 8-2019 khi Thủ tướng đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ như một động thái để chuyển hướng đến nền kinh tế số.

Với mục đích tận dụng tài nguyên nhàn rỗi, mô hình này đã tạo nên một thị trường cạnh tranh hơn với những loại hình dịch vụ đa dạng, tối đa lợi ích cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý hơn.

Có 3 lý do kinh tế chia sẻ là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trái đất "kêu cứu"

Đầu tiên có thể kể đến hiện trạng "đau đầu" chúng ta đang đối mặt: tài nguyên ngày một cạn kiệt. 

Theo Tổ chức Bền vững quốc tế Global Footprint Network, ước tính đến năm 2019 trung bình mỗi công dân trên hành tinh đã tiêu thụ một lượng tài nguyên gấp 1,75 lần so với mức cần thiết. 

Không chỉ vậy, phần lớn các nguồn tài nguyên chúng ta đang khai thác và sử dụng cũng khó có thể tái tạo được. Một khi các mỏ dầu, mỏ khí đốt tự nhiên, hay than đá cạn kiệt, nhân loại sẽ xoay xở ra sao để duy trì cuộc sống?

Những giải pháp cấp bách để giảm tiêu thụ tài nguyên là điều thế giới đang cần. Ngoài việc mỗi cá nhân cần tự giác cắt giảm lượng tiêu thụ, tái sử dụng hoặc tối ưu hóa những tài nguyên còn bị bỏ ngỏ đều là những lý thuyết đúng. Nhưng cụ thể phải làm như thế nào?

Đối mặt với vấn đề này, mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) đã xuất hiện với mục đích giảm bớt tình trạng quá tải trong tiêu dùng (hyper-consumption). 

Đây là một trong những phương án vừa có thể đáp ứng nhu cầu của con người lại vừa tiết kiệm tài nguyên.

Công nghệ phát triển

Những đột phá công nghệ không còn trong phim ảnh mà đang trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. 

Cách đây hơn 20 năm, việc liên lạc chủ yếu thông qua điện thoại cố định và mọi người chỉ có thể nghe thấy tiếng nói của nhau. Nhưng hiện tại, điện thoại thông minh đã kết nối người với người không chỉ về mặt giọng nói mà còn cả về mặt hình ảnh.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ernst & Young, 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, trong năm 2018, đã có 171 triệu người sử dụng công nghệ thực tế ảo để mua hàng, 15 triệu lượt sử dụng tính năng chuyển từ hình ảnh sang văn bản mỗi ngày. 

Sự phát triển của công nghệ vừa mở đường vừa làm bàn đạp đẩy mạnh kinh tế chia sẻ vào cuộc sống hiện đại.

Ứng dụng gọi xe Grab có thể được coi là một ví dụ thành công của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. 

Được định giá 14 tỷ USD với trung bình 46 triệu chuyến mỗi ngày từ 2,8 triệu đối tác tài xế, Grab đang chiếm xấp xỉ 73% thị phần gọi xe công nghệ theo nghiên cứu của ABI. 

Hơn thế nữa, hơn 35% giao dịch Grab được thanh toán thông qua ví điện tử Moca, một minh chứng khác của công nghệ phát triển. 

Hay tại thị trường Mỹ, ứng dụng Rover cũng đã đạt được những thành công nhất định trong việc kết nối người nuôi thú cưng với hơn 200.000 người chăm sóc thú cưng được sàng lọc tại hơn 4.000 thành phố khác nhau. 

Tất cả các nền kinh tế chia sẻ này là sản phẩm của sự phát triển trong công nghệ.

Thế hệ người tiêu dùng mới

Hiện nay Millennials (1980-1995) và Gen Z (1996-2000) chiếm 38% - tức hơn 1/3 lực lượng lao động. Thập kỷ tiếp theo, chỉ số này sẽ tăng lên 58%. 

Trong khi Millennials được tiếp xúc với công nghệ tiến bộ từ khi còn nhỏ, Gen Z sinh ra và lớn lên trong thế giới của mạng Internet.

Là những công dân thời kỹ thuật số 4.0, hai thế hệ này đủ khả năng tạo ra những xu hướng mới trong tiêu dùng và trong lối sống. Họ còn là những người đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội như trách nhiệm xã hội, môi trường hay bình đẳng giới.

Cởi mở với những trải nghiệm mới cùng với phương châm "hiệu quả sử dụng quan trọng hơn quyền sở hữu", hành vi tiêu dùng của nhóm đối tượng này với hàng hóa và dịch vụ dần thay đổi từ sở hữu sang chia sẻ. 

Lượng người dùng trẻ đông đảo với tư duy tiến bộ này chính là lý do giúp nền kinh tế chia sẻ có thể phát triển liên tục và đạt được những thành công lớn.

Kinh tế chia sẻ - Xu hướng phát triển tất yếu? - Ảnh 2.

Millennials và Gen Z đang tạo ra những xu hướng mới trong tiêu dùng và trong lối sống

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết của môi trường, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự dịch chuyển nhóm người tiêu dùng trọng yếu đều là những lý do khiến kinh tế chia sẻ là một xu hướng tất yếu. 

Giống như bất kì công nghệ đổi đời nào khi bắt đầu xuất hiện cũng gặp nhiều sóng gió, câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là kinh tế chia sẻ có phát triển mạnh mẽ hay không, mà con người sẽ thay đổi và thích nghi như thế nào ở thời đại mới.


THÔNG TIN DOANH NGHIỆP - P.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kinh tế chia sẻ Grab