Kinh tế Trung Quốc: Khủng hoảng niềm tin

HỒ QUỐC TUẤN 03/09/2023 06:34 GMT+7

TTCT - Khủng hoảng nhà đất đang lan rộng từ khu vực tư nhân sang các công ty được chính phủ hậu thuẫn.

Giữa tháng 8, Country Garden, tập đoàn bất động sản dẫn đầu về doanh số bán nhà ở Trung Quốc trong năm 2022, đã mất khả năng thanh toán lãi vay hai trái phiếu quốc tế. Vài ngày sau, Evergrande - từng là chủ đầu tư bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - nộp đơn xin phá sản ở Mỹ.

Bất động sản Trung Quốc như một con bệnh tưởng đã khỏi, nay lại phải vào phòng cấp cứu. Danh sách các hãng bất động sản có thể mất khả năng thanh toán trái phiếu được giới phân tích và truyền thông Trung Quốc tổng hợp ngày một dài ra.

Đáng ngại hơn, những rủi ro của bất động sản ở Trung Quốc trước đây chủ yếu gói gọn trong khu vực tư nhân, nay lan ra cả các hãng nhà nước, mà hơn một năm trước đã nhận vốn tín dụng từ các ngân hàng lớn để thâu tóm một phần các công ty tư nhân gặp khó khăn tài chính. 

Bước đi này lúc đó được coi là để làm dịu tình hình khó khăn của thị trường bất động sản. Nhưng nay chính các chủ đầu tư nhà nước cũng đang bị cảnh báo thua lỗ trên diện rộng, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nhà đất sẽ còn lan ra nữa.

Theo thống kê của Bloomberg, 18 trong 38 công ty xây dựng là doanh nghiệp nhà nước niêm yết ở Hong Kong và đại lục đã báo lỗ sơ bộ trong năm 2023, so với 11 công ty như vậy năm 2022, và quan trọng là số thua lỗ lần này của nhiều công ty khá lớn. Mới hai năm trước, chỉ bốn công ty bất động sản do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thua lỗ.

Ảnh: The Economist

Ảnh: The Economist

Khủng hoảng lây lan

Khó khăn từ thị trường bất động sản đã có dấu hiệu lan rộng, đáng chú ý là khu vực "ngân hàng ngầm", tức các định chế tài chính có vay nợ và cho vay lại, nhưng không được xếp vào ngân hàng chính thức (tức cũng không chịu nhiều ràng buộc và kiểm soát về an toàn vốn như các ngân hàng thứ thiệt). 

Các tổ chức tín dụng này huy động vốn bằng nhiều cách, rồi đổ tiền về một nguồn chung để cho vay lại hoặc đầu tư vào các dự án mà họ hy vọng sinh lợi cao, mà bất động sản chiếm một phần quan trọng. Những ai mua sản phẩm đầu tư của các ngân hàng ngầm này đang đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.

Một quân cờ domino ngân hàng ngầm đã đổ là Zhongrong International Trust, một hãng được nhà nước hậu thuẫn, và được đánh giá là một trong những tổ chức tín dụng không chính thức lớn nhất Trung Quốc. 

Công ty này đã không thanh toán được hơn 30 sản phẩm "quản lý tài sản", hiểu nôm na là các hợp đồng đầu tư rủi ro cao, hứa hẹn lãi suất cao để huy động vốn từ người dân. Cổ đông kiểm soát Zhongrong International là Zhongzhi Enterprise Group, tập đoàn tài chính khổng lồ đang quản lý số tài sản tương đương 1.000 tỉ nhân dân tệ (137 tỉ USD) của nhà đầu tư. Zhongzhi cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ thanh khoản.

Shen Meng, giám đốc công ty đầu tư Chanson & Co có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: "Những rắc rối của Zhongrong có thể coi là bắt nguồn từ hiệu ứng lây lan của cuộc khủng hoảng thanh khoản ngày càng tăng mà các chủ đầu tư bất động sản như Country Garden phải đối mặt khi chính phủ tiếp tục giảm đòn bẩy trong lĩnh vực này".

Mô hình kinh doanh của những công ty như Zhongrong là cung cấp tài chính cho các hãng bất động sản rủi ro cao với hy vọng sẽ "ăn đậm" và có tiền trả lãi huy động cao cho nhà đầu tư. 

Họ đóng vai trò trung gian dẫn vốn trong nền kinh tế như một ngân hàng, nhưng rủi ro cao hơn và ít chịu quản lý về an toàn vốn. Nhà đầu tư cũng không hiểu rõ những sản phẩm "quản lý tài sản" khá phức tạp này. Một số người chỉ hiểu rằng đó là cách đầu tư có (triển vọng) lợi nhuận cao.

Một số nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của Zhongrong hoặc một công ty quản lý tài sản lớn khác có thể gây sụp đổ niềm tin của giới đầu tư vào hệ thống ngân hàng ngầm ở Trung Quốc, dẫn đến hiệu ứng tương tự như vụ sụp đổ Lehman Brothers ở Mỹ. Khi niềm tin đổ vỡ sẽ xảy ra tình trạng bán tháo tài sản tài chính, đe dọa cả những công ty có bảng cân đối kế toán tương đối lành mạnh.

Diễn biến này cũng làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư nước ngoài và người dân Trung Quốc về triển vọng kinh tế. Ngân hàng đầu tư Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống 4,6% cho năm nay và 3,9% cho năm sau. Trong khi đó, vì lo đồng nội tệ mất giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân ở đại lục đang đổ xô đến Hong Kong để gửi tiền hoặc mua sản phẩm đầu tư định giá bằng đô la Hong Kong hoặc đô la Mỹ.

Ngọn nguồn

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Chính phủ Trung Quốc lại để cho các thị trường bất động sản và tài chính, cũng như nền kinh tế nói chung, suy yếu như vậy? Chẳng phải đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản, như nghị trình 16 điểm hỗ trợ toàn diện thị trường bất động sản từ tháng 11-2022 rồi sao? 

Chẳng phải hiện tháng nào cũng thấy Chính phủ Trung Quốc liên tục hạ lãi suất cơ bản, kéo cả lợi suất trái phiếu xuống dưới 3%, và cứ vài ngày lại thấy một quan chức yêu cầu ngân hàng gia tăng cho vay? Điều gì đã khiến những chiến dịch đó không đem lại kết quả?

Ảnh: ED Times

Ảnh: ED Times

Bài viết gần đây trên Bloomberg, "Tại sao ông Tập Cận Bình đang để nền kinh tế Trung Quốc lao đao" đưa ra một vài góc nhìn giải thích.

Trước tiên, bài báo chỉ ra trong mắt nhà ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh, nền kinh tế "mới" theo định hướng của ông Tập không hề suy giảm. Các bộ phận của nền kinh tế "mới" này đang tăng trưởng tốt: ví dụ xe điện và năng lượng tái tạo. 

Ở những lĩnh vực đó, đầu tư và xuất khẩu vẫn tăng trưởng với tốc độ hai chữ số. Kể cả trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng ở một số khu vực, các chính quyền địa phương vẫn đang dành nguồn lực để thúc đẩy hình thức tăng trưởng này, phát hành trái phiếu để tài trợ cho cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc và năng lượng tái tạo ở quy mô "chưa từng có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới".

Nhưng "vấn đề là những động lực tăng trưởng mới đó không bù đắp được lực cản lớn từ sự sụt giảm bất động sản", theo bài viết trên Bloomberg. "Nền kinh tế mới" này - công nghệ xanh và công nghệ cao như sản xuất chip - tăng trưởng 6,5% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022, nhưng lại chỉ chiếm hơn 17% GDP. 

Ngược lại, khu vực xây dựng và bất động sản giảm gần 8% trong nửa đầu năm, và chỉ riêng bất động sản đóng góp khoảng 20% GDP (Financial Times ước tính thậm chí là 30% cho giai đoạn trước 2019). Nếu tính cả những ngành liên quan và phụ trợ cho bất động sản, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều.

Trong bối cảnh đó, rất khó thuyết phục các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tin rằng cần phải có những hành động quyết liệt để kích thích nền kinh tế kiểu cũ, dù rằng sự suy giảm của nó đe dọa tính ổn định của hệ thống tài chính. 

Vì vậy, những gói chính sách như 16 điểm hỗ trợ thị trường bất động sản, kêu gọi giảm lãi suất, tăng cho vay khu vực bất động sản... chủ yếu chỉ mang tính đối phó, chứ không phải một cam kết rõ ràng và quyết liệt. Chính vì vậy, phía thực thi chính sách và nhà đầu tư chỉ ở trạng thái quan sát.

Ngoài những yếu tố này ra, một phân tích khác trên Wall Street Journal chỉ ra rằng vấn đề của Trung Quốc còn là những yếu tố có tính cấu trúc như dân số giảm, năng suất lao động gần như không tăng nữa và sức sống của doanh nghiệp tư nhân (thể hiện qua tỉ suất sinh lợi và tăng trưởng doanh thu) đều sụt giảm mạnh bốn năm trở lại đây. 

Đó là hệ quả của những chính sách chủ đạo như chính sách một con, kềm hãm những hoạt động được cho là "sự phát triển mất trật tự kiểu tư bản chủ nghĩa", hay đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn thiếu hiệu quả...

Không thể đảo ngược cả một guồng máy tư tưởng và chính sách khổng lồ như vậy trong một thời gian ngắn, nhất là khi người đứng đầu tin rằng nền kinh tế mới vẫn đang đi đúng hướng. ■

Citigroup ước tính bất động sản chiếm tới 70% tài sản hộ gia đình và 40% giá trị tài sản thế chấp trong ngân hàng ở Trung Quốc. Nếu tính cả các sản phẩm đầu tư qua ngân hàng ngầm, nhà đầu tư cá nhân và các ngân hàng thương mại đang chịu sức ép thua lỗ lớn, nên khó lòng dám đẩy mạnh chi tiêu hay cho vay. Tất yếu là kinh tế tăng trưởng kém.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận