03/11/2017 15:18 GMT+7

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Những 'ký ức bằng hình' của Sài Gòn gần 45 năm qua đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái ghi lại và giới thiệu đến công chúng.

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái tại triển lãm trước giờ khai mạc - Ảnh: L.ĐIỀN

Triển lãm Sài Gòn qua miền ký ức, lưu giữ một Sài Gòn giữa những lằn ranh bao cuộc đổi thay, suy thịnh khai mạc lúc 15h30 ngày 3-11 tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, diễn ra đến ngày 12-11.

Nhiều góc cạnh Sài Gòn hiện lên qua 20 mảng nội dung, như: Qua sông nhớ cầu, Cuộc sống nhập cư, Chợ bên đường, Cửa nhà phố xá lầu đài, Đình chùa thánh thất, Trăm năm di tích, Văn hóa đường phố, Sài Gòn báo chí, Thay cũ đổi mới, Sài Gòn sau thập niên 2000...

Chụp ảnh và dự cảm...

Bắt đầu từ năm 1973, khi chàng thanh niên Phan Tam Thái từ miền Trung vào Sài Gòn học đại học dược, ở trọ nơi Phú Thọ, đã đem chai nước mắm quê nhà đổi cho người bạn học để được mượn chiếc máy ảnh Konica ra bến Bạch Đằng chụp hình... dạo. 

"Khi rảnh rỗi, tôi chụp một vài tấm cảnh Sài Gòn bấy giờ" Tam Thái tâm sự, nhờ vậy đến nay lục lại mới còn được tấm ảnh Đôi bờ Ông Lãnh - tấm ảnh ghi dấu mốc bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của Tam Thái.

Triển lãm là dòng hồi tưởng bằng hình ảnh rất hiện thực. Sài Gòn của nhiều giai đoạn bỗng được bày ra trước mắt. 

Riêng với Tam Thái, chứng kiến Sài Gòn mấy độ đổi thay, sống qua nhiều buổi giao thời trên mảnh đất "bốn phương họp chợ" này, nên ông sớm có ý thức dùng chiếc máy ảnh lưu giữ những hình ảnh Sài Gòn mà trong nhiều trường hợp, ông linh cảm những hình ảnh này rồi sẽ biến mất.

Lạc vào triển lãm của ông, mới thấy phần lớn những linh cảm của Tam Thái đã đúng. 

Cây gòn đại lão nơi chân cầu Quới Đước từ năm 1985 giờ thành dĩ vãng, khu phố Tàu ở đường Chu Văn An (Q.6) với hình ảnh "chóp cao khí vượng" giờ cũng không còn.

Rồi cầu treo Hiệp Đức - Nhà Bè thời bao cấp, cầu quay Bình Lợi, cầu Đa Kao (Bùi Hữu Nghĩa)... 

Chính tác giả cũng tần ngần đứng trước tác phẩm của mình. 

Tam Thái chỉ tay vào bức ảnh chụp thị trấn Tàu Hủ năm 1989 và bức ảnh Ngày tàn Bến Mễ rồi bảo rằng: "Những chỗ này hiện không còn nữa, người ta đã làm đại lộ Võ Văn Kiệt, tôi kịp ghi lại trong tác phẩm của mình".

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 3.

Bức ảnh Đôi bờ Ông Lãnh chụp năm 1973 khởi đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của Tam Thái - Ảnh: L.Điền chụp tại triển lãm

Xếp đặt ký ức

Trước những bứt phá để phát triển của Sài Gòn, dường như Tam Thái tự dành riêng cho mình một độ lùi. Ông nhận ra những chỗ chưa toàn mỹ, khi công cuộc phát triển là cần thiết nhưng môi trường kiến trúc, văn hóa có bị thiệt hại.

Ở triển lãm này, Tam Thái đã rất có ý khi trình bày tác phẩm Cây xanh đâu rồi chụp năm 2011 tại quận 12 - bức ảnh chụp gốc cổ thụ bị cưa để làm đường - được đặt trên nền một tấm ảnh khác chụp Sài Gòn từ trên cao với chi chít nhà bêtông cao tầng vắng hẳn bóng cây xanh...

Ngược xuôi trong dòng ký ức của Tam Thái, càng thấy thương người nghệ sĩ, trong cuộc mưu sinh đa đoan vất vả như ai, ông còn dành chút nặng lòng với mảnh đất này, nên kịp ghi lại những hình ảnh người ta bắt đầu phá dỡ dãy nhà trên kênh Tàu Hủ hồi năm 2004.

Ông cũng kịp chụp bến xe Renault đi ngoại thành - ở góc đường Chương Dương - Phó Đức Chính vào năm 1987 lúc hãy còn tòa nhà với tấm bảng hiệu quảng cáo hãng xe Renault mà ngày nay không còn nữa.

Tam Thái không quên chụp bức ảnh thương xá Tax những ngày tháng cuối cùng với dòng băng-rôn của chính các tiểu thương treo vào những ngày ấy "Tạm biệt thương xá - big sale"...

Ký ức của một người, nhưng nỗi niềm chứa đựng trong từng góc máy dường như muốn cầm chân tất cả ai đã đến xem qua. 

Cụm ảnh về Ký ức nhà xưa với ngôi nhà ở góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định kiến trúc Pháp hai tầng mái thông gió được xem là đặc trưng thích ứng khí hậu Sài Gòn, cũng bị phá bỏ cách đây ba năm.

Hay ngôi biệt thự bề thế kiến trúc tân cổ điển xây ở đồng Ông Cộ đầu thế kỷ 20, nay là đường Nơ Trang Long gần cầu Băng Ky, bị phá dỡ năm rồi; và dãy phố xưa thời Quách Đàm xây chợ Bình Tây năm 1927...

Rồi Sài Gòn học đường, Sài Gòn phố chợ, Sài Gòn của dân nhập cư, đình chùa thánh thất... 

Có cả tấm ảnh chụp Sài Gòn trên bến dưới thuyền hồi 1985. Bức ảnh này từng được nhà văn Sơn Nam rất thích, đã tự tay viết vào tấm ảnh trong một lần triển lãm ở Nhà văn hóa Thanh niên "ảnh chụp Sài Gòn mà tôi thích nhất".

Và Sài Gòn vẫn còn đó những cách biệt giàu nghèo, giữa nông thôn và thành thị. 

Cụm ảnh chụp Nghề trong dĩ vãng gây nhiều ám ảnh bởi các nghề dân dã của Sài Gòn như mài dao kéo, cưa lộng, làm đầu lân, lò gốm, viết thư thuê, và đặc biệt tấm ảnh chụp nghề đóng móng bò ở Bà Điểm năm 1985 mà cứ ngỡ như hồi đầu thế kỷ 20...

Sài Gòn trong ký ức của một nhà nhiếp ảnh, chắc sẽ làm lay động những bàn tay khối óc đang từng ngày tạo nên diện mạo mới cho Sài Gòn?

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 5.

Nghề đóng móng bò tại Bà Điểm năm 1985 - Ảnh: T.THÁI

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 6.

Bức anh Tam Thái chụp dòng băng rôn của tiểu thương treo tạm biệt thương xá Tax - Ảnh: L.Điền chụp tại triển lãm

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 7.

Chặt bỏ cây cổ thụ để làm đường và một Sài Gòn vắng bóng cây - Ảnh: L.Điền chụp tại triển lãm

Ký ức bằng hình về một Sài Gòn đổi thay gần nửa thế kỷ qua - Ảnh 8.

Tác giả Tam Thái bên tác phẩm Bến sông xưa với thủ bút của nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời - Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên