Lâm Đồng hết quỹ đất trồng rừng thay thế

LÊ QUỲNH 10/04/2024 09:56 GMT+7

TTCT - Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuyển mục đích 32.115ha đất rừng thành các loại đất khác, cần trồng hơn 77.000ha rừng thay thế. Nhưng tỉnh này hiện không còn đất để trồng rừng.

Khu vực trước kia từng là một dự án khai thác vàng tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: NAM PHONG

Khu vực trước kia từng là một dự án khai thác vàng tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: NAM PHONG

Anh Yatha (người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chỉ ra phía những ngọn đồi kể rằng thay đổi rõ nhất theo thời gian ở xã Tà Năng là những quả đồi bị đào khoét nham nhở vì nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả việc đào bới để khai thác khoáng sản. Có những quả đồi bị khoét hết một nửa để khai thác quặng vàng, gây ô nhiễm và hủy hoại con suối vốn là nguồn nước duy nhất dùng để tưới cho nương rẫy của làng anh.

Yatha từng là một thợ săn, hiện tham gia bảo tồn thú cho một dự án phi chính phủ, đồng thời làm người hướng dẫn cho những hoạt động trekking có chọn lọc "để bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ rừng quê nhà mình".

Trồng rừng thay thế: nợ chồng nợ

"Mình tiếc nhớ những cánh rừng đang bị mất dần", Yatha nói. Khi nói điều này, có lẽ Yatha không thể hình dung nổi 10 năm tới, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có thêm hơn 32.115ha đất rừng biến mất bởi các quyết định từ chính quyền. Diện tích rừng này dự kiến được chuyển đổi nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, phần lớn diện tích trong 32.115ha đất rừng dự kiến chuyển đổi được dành triển khai các dự án khai thác khoáng sản (25.149ha - chiếm hơn 78%). Trong khi diện tích rừng chuyển đổi để lập các khu định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 45,8ha (0,14%).

Đây là một sự đánh đổi lớn trong bối cảnh Việt Nam cam kết hạn chế chuyển đổi diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Diện tích rừng dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2021-2030 lớn gấp 11 lần so với tổng diện tích rừng bị chuyển đổi của Lâm Đồng giai đoạn 10 năm trước (2012-2022), chỉ 2.974ha.

Theo Luật Lâm nghiệp, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển đất rừng trồng sang đất khác thì phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển đổi, nếu chuyển đất rừng tự nhiên thì diện tích rừng thay thế gấp ba diện tích rừng bị mất đi.

Tính ra, để chuyển đổi 32.115ha đất rừng thì Lâm Đồng sẽ phải trồng lại hơn 77.000ha rừng thay thế.

Một thực tế đáng lưu ý là trong giai đoạn 2012-2022, tỉnh này cần trồng 3.046ha rừng thay thế cho diện tích rừng đã bị chuyển đổi nhưng không trồng đủ do toàn tỉnh đã không còn đất để trồng rừng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tỉnh còn thiếu khoảng 1.191ha rừng (39% tổng diện tích rừng phải trồng) thay thế cho diện tích đã bị chuyển đổi giai đoạn 2012- 2022.

Như vậy, tính cả "nợ" cũ và diện tích rừng thay thế mới, đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng cần 78.191ha đất trồng rừng mới đủ bù cho diện tích rừng đã và sẽ chuyển đổi, tương đương 8% diện tích tỉnh này.

Diện tích rừng mà Lâm Đồng muốn chuyển đổi trong 10 năm quá lớn, khiến khó tránh được sự lo lắng. Nhất là khi năm 2023 có những vụ sạt lở đất nghiêm trọng do mưa lớn. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong tháng 7 và 8-2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 20 vụ sạt lở đất, các vụ sạt lở đất cả năm 2023 làm 13 người chết (số người chết lớn nhất trong vòng 20 năm).

"Chê" tiền trồng rừng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết mặc dù đã đốc thúc sát sao việc trồng rừng thay thế nhưng trên địa bàn tỉnh đã hết đất trồng rừng. Vì thế nhiều năm qua, tỉnh này vẫn không "xài" hết số tiền các chủ đầu tư đã nộp.

Theo quy định, chỉ có thể trồng rừng thay thế trên đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhưng chưa có rừng. Trước đây, chỉ cần các chủ đầu tư dự án có chuyển đổi đất rừng được UBND tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế (theo đơn giá do UBND tỉnh ban hành) là được triển khai dự án. Cho dù sau đó, tỉnh không tìm được đất trồng rừng thay thế thì các chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai dự án mới.

Vì vậy, đất rừng của Lâm Đồng tiếp tục bị chuyển đổi, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) vẫn tăng thêm qua từng năm. Trong khi diện tích trống trên đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của tỉnh rất ít nên không thể triển khai thêm các dự án trồng rừng thay thế.

Diện tích loại rừng được tỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi giai đoạn 2021-2030

Diện tích loại rừng được tỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi giai đoạn 2021-2030

Từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định mới, chỉ khi dự án trồng rừng thay thế được phê duyệt, tức phải có đất trồng rừng, thì chủ dự án mới được thông báo nộp tiền và mới được triển khai dự án chính.

Cho tới nay Lâm Đồng vẫn đang chật vật tìm cách "xử lý" 101 tỉ đồng trồng rừng thay thế bị tồn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã gửi văn bản và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành khác để chuyển giao số tiền này nhưng chưa ai nhận.

Số tiền do các chủ đầu tư nộp để trồng rừng thay thế còn dư hơn 101 tỉ đồng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất nộp về Quỹ BV&PTR Việt Nam để chuyển cho địa phương khác trồng rừng.

Theo quy định, chủ đầu tư một dự án có chuyển đổi đất rừng có thể đóng tiền trồng rừng thay thế vào quỹ này của tỉnh hoặc tự trồng rừng thay thế. Nếu doanh nghiệp đóng tiền thì UBND tỉnh sẽ phân bổ số tiền này cho các dự án trồng rừng thay thế. Tỉnh nào không thể trồng rừng thay thế thì số tiền này được chuyển về cho Quỹ BV&PTR Việt Nam để phân bổ cho các địa phương có đất trồng rừng.

Cả nước thiếu 3.242ha rừng thay thế

Lâm Đồng không phải là tỉnh duy nhất không còn quỹ đất trồng rừng. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước (công bố cuối năm 2023) về việc quản lý, sử dụng Quỹ BV&PTR ở các tỉnh giai đoạn 2020-2022 cho thấy tổng số tiền tồn dư đến cuối năm 2022 là 1.647 tỉ đồng do chưa triển khai các dự án trồng rừng thay thế. Cả nước hiện vẫn còn thiếu hơn 3.243ha rừng phải trồng để thay thế diện tích rừng bị mất đi tại 33 tỉnh thành.

Tại tọa đàm "Trồng rừng thay thế: Trách nhiệm thuộc về ai?" do báo Kiểm Toán tổ chức vào tháng 12-2023, ông Lê Văn Thanh - phó giám đốc Quỹ BV&PTR Việt Nam - cho biết các địa phương gần như không còn đất để trồng rừng. 

Thậm chí "Nhiều địa phương nộp tiền vào quỹ trung ương, quỹ trung ương cũng không muốn nhận vì nhận rồi không biết điều tiết về đâu. Hiện tỉnh nào cũng muốn giảm đất rừng để chuyển thành mục đích khác, không tỉnh nào muốn trồng rừng thay tỉnh khác", ông Thanh cho hay.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tư duy theo hướng phát triển kinh tế rừng thay vì phá rừng để làm kinh tế. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có nghiên cứu để điều chỉnh chính sách trồng rừng thay thế cho phù hợp".

Diện tích rừng trồng thay thế giai đoạn 2012-2022 của Lâm Đồng

Diện tích rừng trồng thay thế giai đoạn 2012-2022 của Lâm Đồng

"Phải mất hàng chục năm mới có thể có lại được một khu rừng đã mất. Trong khi quy định chủ đầu tư dự án chỉ phải đóng chi phí cho một năm trồng rừng và bốn năm chăm sóc rừng là có thể làm dự án trên đất rừng. Chính sách này quá dễ cho chủ đầu tư và "ôm" cái khó về cho chính quyền" - TS Trương Văn Vinh, phó trưởng khoa lâm nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, nhận định. Chưa kể rừng trồng không thể bù đắp được những giá trị mà rừng cũ có như môi trường rừng, đa dạng sinh học, sinh kế, đời sống văn hóa...

Lâm Đồng hết quỹ đất trồng rừng thay thế- Ảnh 4.

Thông tư 22 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép trồng rừng thay thế trên đất quy hoạch rừng sản xuất (thay vì chỉ trồng rừng thay thế trên đất quy hoạch rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ).

TS Trương Văn Vinh cho rằng nên mở rộng phạm vi sử dụng quỹ trồng rừng thay thế, như cấp kinh phí nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung…, để nâng chất lượng rừng. 

Điều quan trọng là phải đánh giá hiệu quả của các dự án trồng rừng thay thế. Nhà nước nên sửa quy định, chỉ cho chuyển đổi rừng làm các dự án quan trọng phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, cần cơ chế giám sát hiệu quả dòng tiền lẫn chất lượng rừng trồng thay thế. 

Rừng trồng thay thế không đạt chất lượng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiểm tra mẫu 349ha rừng trồng thay thế trên địa bàn phát hiện hơn 105ha rừng có mật độ không đạt (chiếm tỉ lệ 30,26%), hơn 32ha không có cây (9,28%) và hơn 3ha rừng bị lấn chiếm. Chưa thấy báo cáo cụ thể chất lượng rừng trồng thay thế của cả nước hiện nay.

(Bài viết được sự hỗ trợ của Quỹ Báo chí rừng nhiệt đới cùng sự hợp tác của Pulitzer Center)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận