04/01/2022 08:10 GMT+7

Làm gì để giấc mơ xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD không xa vời?

TS TRẦN HỮU HIỆP
TS TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Mất 4 - 5 tháng đình trệ, duy trì sản xuất trong khó khăn trước đại dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn về đích, ước đạt 8,9 tỉ USD, tạo ra điểm sáng và đang hiện thực hóa giấc mơ 10 tỉ USD năm 2022.

Làm gì để giấc mơ xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD không xa vời? - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đặc biệt, đóng góp chủ yếu từ vùng ĐBSCL với xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỉ USD, thứ 3 thế giới và xuất khẩu cá tra ước đạt 1,54 tỉ USD, tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới.

Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn. 

Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững, không phải là tâm trạng trông chờ "thoát hiểm cuối năm" như hiện tại, còn phải làm nhiều việc hơn.

Thực trạng yếu kém của chuỗi giá trị thủy sản nước ta nói chung và ngành tôm, cá tra nói riêng đã được nhận diện nhiều năm qua. Nguyên nhân là khi giá thị trường xuống thấp, "hiệu ứng đôminô đói vốn" lây lan khiến doanh nghiệp, người nuôi, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. 

Chúng ta có được một vài tập đoàn thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng phía sau thành tích đó là đầy ắp những lo toan, có lúc hàng loạt đại gia ngành hàng thủy sản vỡ nợ, người nuôi tôm, cá tra thua lỗ nặng chứ không chỉ do tác động của COVID-19. Tình trạng khai thác thủy sản vi phạm thẻ vàng IUU, những người làm ăn chụp giựt, bơm tạp chất, đánh mất hình ảnh thủy sản Việt.

Đã có nhiều giải pháp được thực thi, từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay theo chuỗi, thành lập các hiệp hội ngành hàng. Nhưng xem ra "căn bệnh" của ngành kinh tế này chưa chữa khỏi, cần tiếp cận đa ngành, phối hợp hành động liên ngành. 

Phải chăng "tử huyệt" của doanh nghiệp thủy sản đang là sự yếu kém về tài chính, quản trị, thị trường và thiếu công nghệ vượt trội? Giấc mơ về một "công xưởng nuôi tôm thế giới" hay "vương quốc cá tra" đúng nghĩa khó thành hiện thực nếu thiếu các yếu tố then chốt đó.

Dư địa gia tăng giá trị thủy sản còn nhiều, không chỉ nằm ở công đoạn nuôi, chế biến và xuất khẩu, mà còn một phân khúc rất lớn từ "đầu vào" - thức ăn và "đầu ra" mà nhà thương mại nước ngoài đang nắm giữ khi giá thành sản xuất còn phụ thuộc phần lớn vào thức ăn, thuốc thủy sản nhập khẩu, chuỗi phân phối ngoại.

Phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa "sân chơi" nội địa và quốc tế để các doanh nghiệp ngành thủy sản ứng xử đúng, liên kết lại "làm sạch" con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Làm được như thế thì giấc mơ kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD ngay trong năm 2022 không phải là điều xa vời.

Nhìn góc độ gia tăng giá trị, còn nhiều sản phẩm mới từ nguyên, phụ liệu thủy sản như collagen, dược phẩm, thuốc dẫn dụ thủy sản cùng nhiều sản phẩm khác có thể tạo ra hàng tỉ đôla đang bị bỏ đi. 

Chỉ riêng lượng bùn thải từ các vuông tôm, ao nuôi cá tra hiện nay làm ô nhiễm môi trường cũng có thể biến thành tiền khi nó được tận dụng làm nguyên liệu chế biến phân sinh học. Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo.

Thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu thủy sản về đích 8,9 tỉ USD Thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu thủy sản về đích 8,9 tỉ USD

TTO - Dù có 4-5 tháng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu đạt 8,89 tỉ USD.

TS TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên