18/03/2022 15:04 GMT+7

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ngay thời điểm Việt Nam công bố mở cửa đón khách quốc tế trở lại, cuộc hội ngộ của nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cả nước được báo Tuổi Trẻ làm cầu nối tại hội thảo Ấn tượng Việt Nam tổ chức chiều 18-3 tại Hội An (Quảng Nam).

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 1.

Hội trường hội thảo chiều 18-3 - Ảnh: TẤN LỰC

Câu chuyện ngành du lịch đã làm gì suốt hai năm qua, hành trang trở lại "chuyến xe tốc hành" của ngành du lịch cả nước sau đại dịch sẽ có những món gì mới mẻ… là chủ đề rất được kỳ vọng, được ban tổ chức tập trung chia sẻ.

Hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Lê Phúc - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội du lịch các địa phương và hơn 150 đại biểu từ cộng đồng làm du lịch cả nước.

Hai năm "dọn nhà đón khách" của ngành du lịch

Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng suốt hai năm qua, ngành du lịch đã trải qua một giai đoạn gian khó, nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí giải thể. Thế nhưng khát khao trở lại, mong muốn được làm ăn, phát triển, được đón khách đông vui trở lại vẫn là tinh thần xuyên suốt của cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Chữ, cuộc hội ngộ của cộng đồng doanh nghiệp tại hội thảo Ấn tượng Việt Nam diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ công bố mở cửa du lịch để đón khách quốc tế. Đây là thông tin du khách và doanh nghiệp chờ đợi đã lâu. Bất cứ một chuyển dịch, kế hoạch trở lại nào ở thời điểm này cũng sẽ quyết định lớn đến sự lớn mạnh của doanh nghiệp, điểm đến.

"Muốn phát triển thì phải luôn nghĩ mới, làm mới, sao cho hôm nay phải khác hôm qua, và ngày mai phải khác hôm nay. Chúng tôi nghĩ rằng hai năm khó khăn vừa qua nếu tích cực thì sẽ tìm thấy cơ hội. Chúng ta có thời gian để chiêm nghiệm, nhìn lại mình xem cần phải thay đổi gì để khi khách đến chơi nhà, họ sẽ vui hơn, thích thú hơn.

Gần hai năm qua như là thời gian để chúng ta sơn sửa lại ngôi nhà của mình để nó khang trang hơn, quyến rũ hơn; để bây giờ đón khách với sự tự tin rằng khách sẽ hài lòng khi bước vào ngôi nhà mới của du lịch Việt Nam" - ông Chữ chia sẻ.

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 3.

Đại diện các đơn vị đồng hành hội thảo cùng báo Tuổi Trẻ

Thay mặt đơn vị tổ chức, ông Chữ gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo các Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Hiệp hội du lịch các tỉnh miền Trung; đặc biệt là sự đồng hành của các đối tác gồm Travelner, Vinpearl, VietJet, Sài Gòn Tourist đã chung tay tổ chức chuỗi hội thảo Ấn tượng Việt Nam với tinh thần tất cả vì sự phát triển của ngành du lịch.

Luôn đau đáu tìm giải pháp bứt lên

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết hội thảo Ấn tượng Việt Nam được tổ chức ngay thời điểm mở cửa trở lại của ngành du lịch là điều hết sức ý nghĩa không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Nam. Hội thảo như một sự gợi mở để ngành du lịch nhận diện thời cơ, thách thức, để các doanh nghiệp hình dung những khó khăn, thách thức.

Tại Quảng Nam, hai năm đóng băng của ngành du lịch thực sự là một cuộc thử thách chưa từng có. Tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ thôi dừng lại việc tìm kiếm giải pháp phục hồi. Tỉnh cũng đã đề xuất nhiều chính sách mới mẻ để vực dậy ngành du lịch, tuy nhiên vì nhiều lý do chưa được như ý. 

Tại thời điểm cận kề ngày mở cửa, doanh nghiệp và chính quyền vẫn miệt mài tìm giải pháp.

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo

"Sản phẩm du lịch phải làm mới ra sao, dịch vụ phải đáp ứng ra sao với tình hình mới? Các bộ ngành, chính quyền phải được làm mới thế nào để đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn để khai thác hiệu quả dư địa. Lộ trình phát triển ra sao, việc làm mới ngay từ trong tư duy của mỗi người dân ở điểm đến, mỗi doanh nghiệp… Đây là những điều mà ngành du lịch cả nước đang đặt ra và tìm kiếm câu trả lời" - ông Lê Trí Thanh nói.

Là địa phương được đăng cai lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia, tỉnh Quảng Nam đang tận dụng các cơ hội để đưa ngành du lịch phục hồi. Hội thảo đã nghe ông Lê Ngọc Tường - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - thuyết trình sơ bộ về các hoạt động Năm du lịch quốc gia. 

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 5.

Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Lê Ngọc Tường giới thiệu về chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia tại Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Quảng Nam đã vận động được hàng chục tỉ đồng cho công tác quảng bá điểm đến hưởng ứng sự kiện này, ngay trong năm nay Quảng Nam đạt mục tiêu đón 4,4 triệu lượt du khách, trong đó 1,7 triệu khách quốc tế (cao điểm của Quảng Nam trước dịch là 6 triệu lượt du khách). 

Nhằm kích cầu điểm đến, Quảng Nam đã dày công dàn dựng hàng chục chương trình nghệ thuật, các lễ hội quy mô lớn. Tổng cộng có 214 hoạt động hưởng ứng sự kiện này, trong đó 10 chương trình lớn được các bộ ngành tổ chức tại Quảng Nam. Đêm khai mạc hưởng ứng Năm du lịch quốc gia sẽ được tổ chức lúc 20h ngày 26-3 tới.

Ấn tượng Việt Nam lần thứ hai đến với Quảng Nam

Chương trình Ấn tượng Việt Nam lần 2 tại Quảng Nam được báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, cùng các đơn vị đồng hành xuyên suốt: Travelner Việt Nam, Vinpearl, Vietjet Air, Saigontourist Group tổ chức hội thảo: "Ấn tượng Việt Nam: Làm mới để đón khách".

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 150 khách mời gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, cùng lãnh đạo các Vụ Lữ hành, thị trường du lịch, Vụ Khách sạn, các Sở Văn hóa - thể thao và du lịch các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, cùng các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đơn vị vận tải... trong ngành du lịch.

Làm mới ngôi nhà du lịch Việt Nam để đón khách sau đại dịch - Ảnh 7.
Du lịch thiên nhiên, du lịch số sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành du lịch Du lịch thiên nhiên, du lịch số sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành du lịch

TTO - Sau đại dịch, sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các thị trường đã được các doanh nghiệp lên phương án đón đầu. Số hóa, du lịch tôn trọng tự nhiên là hai xu hướng chủ đạo được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo Ấn tượng Việt Nam chiều 18-3.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên