20/05/2019 10:17 GMT+7

Làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ

HÀ THANH - BẢO NGỌC
HÀ THANH - BẢO NGỌC

TTO - 'Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác', GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nói.

Làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ - Ảnh 1.

Anh Lê Quốc Phong - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 19-5, tại Hà Nội, đúng 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Ban Tuyên giáo trung ương, Trung ương Đoàn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai mạc phiên toàn thể hội thảo khoa học Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết

Trích Di chúc CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - bí thư Trung ương Đảng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương - cho biết hội thảo phản ánh đúng, toàn diện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó nhìn nhận, đề xuất hướng đi mới để Di chúc của Bác mãi là "ánh sáng soi đường" thực hiện nhiệm vụ độc lập dân tộc như Bác mong muốn.

Không chấp nhận lạc hậu, bảo thủ

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, sinh thời Bác luôn quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, Bác gọi là "công việc gốc của Đảng". 

"Trước hết học là phải làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ. Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác" - ông Thắng nhấn mạnh. 

Do đó, trong Di chúc Bác nhấn mạnh đào tạo cán bộ cách mạng cho đời sau là điều "rất quan trọng và rất cần thiết", thể hiện ở hai phẩm chất lớn là "vừa hồng, vừa chuyên".

"Ấn tượng lắm khi xem lại, đọc lại di huấn của Bác. Đối với thanh niên làm sao lan tỏa được tinh thần đó, thanh niên thấy được chân giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác gần gũi, thân thiết, dung dị, dễ hiểu, dễ làm, cái gì cũng phải rất thực tiễn" - ông Thắng nói.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sự phát triển "khủng khiếp" của mạng xã hội là thách thức lớn. Ông khẳng định thanh niên cơ bản là tốt, có lý tưởng cách mạng, luôn phấn đấu không ngừng, nhưng cũng có không ít bộ phận thanh niên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thông tin, thậm chí dao động, mất niềm tin. 

"Do đó thanh niên phải tỉnh táo trên không gian mạng. Một mặt chúng ta chấn chỉnh, thứ hai tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ trên không gian mạng. Thanh niên là lực lượng nòng cốt, chúng tôi đánh giá cao lực lượng này vì các bạn có kiến thức, trí tuệ, năng lực công nghệ, có bản lĩnh, tự hào với truyền thống của cha ông mình" - ông Thắng nói.

Trong điều kiện cách mạng 4.0 đòi hỏi đổi mới sáng tạo, theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tự bản thân thanh niên đã là sáng tạo, tuổi trẻ không chấp nhận lạc hậu, bảo thủ; tinh thần sáng tạo trong thanh niên phải thích ứng trong điều kiện mới, đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, trong học tập, trong chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN

Bắt nhịp với xu thế 4.0

Đồng tình với quan điểm về cuộc cách mạng 4.0, ông Vũ Mão, nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng Đoàn phải bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng 4.0. 

"Chúng ta vừa qua gần như để mất trận địa này. Trong khi đó mạng xã hội phát triển như thế, điều tốt rất hay nhưng không tốt cũng rất nhiều, nói xấu cán bộ lãnh đạo trên mạng nghe buồn lắm. Trách nhiệm của các cơ quan, của Đoàn phải làm thế nào? Có lẽ một trong những mũi nhọn của phong trào thanh niên hiện nay là đi vào cuộc cách mạng 4.0, coi đó là mặt trận chiến đấu" - ông Vũ Mão nhấn mạnh. 

Theo ông Vũ Mão, cái tốt, cái tử tế phải được lan tỏa trên mạng để người dùng trên mạng thấy có niềm vui, có sự cảm phục. Bên cạnh đó, Đoàn phải kịp thời có lực lượng định hướng trên không gian mạng.

PGS.TS Trần Xuân Bách, phó trưởng bộ môn kinh tế y tế ĐH Y Hà Nội, cũng chỉ ra trách nhiệm của thanh niên trước cuộc cách mạng 4.0, không còn lựa chọn nào khác là nỗ lực tối đa để bắt nhịp với xu thế. 

Theo đó, thanh niên cần chủ động, sẵn sàng cả về tâm thế và năng lực để phát huy tối đa khả năng của mình. 

Ngoài ra, sự đoàn kết, tập hợp lực lượng thanh niên trong và ngoài nước là cơ hội để rút ngắn nhanh chóng khoảng cách trong điều kiện nghiên cứu và chế tạo, kịp thời xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên môn kỹ thuật trong nước.

Anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh hội thảo nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ, thanh niên..., khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc, chiều sâu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. 

"Suốt cuộc đời mình, đoàn viên, thanh thiếu nhi nhận được nhiều tình cảm, tư tưởng, sự quan tâm căn dặn, dạy bảo, định hướng của Bác Hồ" - anh Lê Quốc Phong chia sẻ.

Theo anh Lê Quốc Phong, đó là sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của Bác cho tương lai của Đảng, của đất nước; là quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của Bác đối với đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. 

"Việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người vừa hồng vừa chuyên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, cuộc vận động "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cần được tiếp tục với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực của từng cá nhân, từng tổ chức" - anh Phong nói.

Ý nghĩa lý luận sâu sắc

Ông Bùi Trường Giang, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, khẳng định trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cho cách mạng, dân tộc ta, Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận sâu sắc, đề cập một cách toàn diện những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, chứa đựng những tổng kết thực tiễn và định hướng tương lai có tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài.

"Đảng luôn đặt niềm tin vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước" - ông Bùi Trường Giang nhấn mạnh và cho biết thanh niên được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược bồi dưỡng con người.

Trăn trở từ thành phố mang tên Bác

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn trao đổi việc học theo Bác - Ảnh: NAM TRẦN

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, anh Phạm Hồng Sơn, bí thư Thành đoàn TP.HCM, nêu ra ba vấn đề trăn trở của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác:

1. Tính hành động trong con người của Bác và chúng ta học tập tính hành động của Bác như thế nào?

2. Tu dưỡng, rèn luyện trong con người của Bác và chúng ta học Bác như thế nào?

3. Niềm tin mà Bác để lại cho chúng ta.

Nhấn mạnh Bác là "con người của sự hành động, nói là thực hiện, mà thực hiện là thực hiện quyết liệt", bí thư Thành đoàn TP.HCM cho rằng hành động trong bối cảnh thời bấy giờ và bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. "Đoàn hay bất kỳ tổ chức, ban, ngành nào cũng hành động vì dân, vì sự phát triển cộng đồng rất quan trọng", anh Hồng Sơn nói.

50 năm Di chúc Bác Hồ: ‘Làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ’ 50 năm Di chúc Bác Hồ: ‘Làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ’

TTO - Đối với Bác, cán bộ là việc hết sức quan trọng, là "công việc gốc của Đảng", GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh học theo Bác phải học làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ.

HÀ THANH - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên