26/11/2019 15:04 GMT+7

Làm nông nghiệp nhưng không được xây nhà kho để vật tư, sản phẩm

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Diện tích canh tác quy mô lớn mà không được xây kho tạm chứa dụng cụ, vật tư nông nghiệp hay sản phẩm thu hoạch là điều bất hợp lý mà nông dân và các HTX đang gặp phải cần sớm được giải quyết.

Làm nông nghiệp nhưng không được xây nhà kho để vật tư, sản phẩm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ nhiệm HTX Cánh Buồm Vàng phản ánh việc bị UBND xã Tân Nhựt, Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà tạm để vật tư nông nghiệp - Ảnh: TRẦN MẠNH

Đó là một trong những kiến nghị được đưa ra trong chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019, tổ chức sáng 26-11.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ nhiệm HTX Cánh Buồm Vàng, xã Tân Nhựt, Bình Chánh - cho biết diện tích canh tác của HTX lên đến 6ha, chủ yếu là nuôi cá và trồng các loại rau, cây ăn trái. Do lượng thức ăn cho cá tương đối lớn nên HTX đã xây một nhà tạm rộng 420m2 bằng vật liệu cột sắt, mái tôn, vách tôn trong phần diện tích canh tác. 

Đây là nơi tập kết các nông cụ cho canh tác nông nghiệp, thức ăn nuôi cá và sản phẩm thu hoạch trước khi đưa ra bên ngoài. Tuy nhiên, UBND xã liên tiếp ra các quyết định để cưỡng chế bắt tháo dỡ công trình nói trên do vi phạm quy định đất đai. 

“Nếu không có nhà tạm thì chúng tôi phải để toàn bộ vật tư, thiết bị và thức ăn chăn nuôi ở bên ngoài. Mỗi lần đưa vào là rất tốn kém, mất thời gian và không hợp lý. Chưa kể công nhân nông nghiệp giờ rất khó kiếm phải lo chỗ ăn ở cho họ. Thế nhưng việc xây dựng nhà tạm cho công nhân ở trong vùng sản xuất cũng không được phép nên chúng tôi phải sắp xếp chỗ ở tạm bợ cho họ ở bên ngoài”, ông Phương cho biết.

Ông Lê Hữu Thiện - giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi, huyện Bình Chánh - cũng cho biết để cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cần có các công trình hỗ trợ. Ví dụ như trồng nấm phải có nhà lồng, trồng rau phải có nhà sơ chế, nhà chứa sản phẩm, phân bón; trồng lan phải có nhà chứa vật tư, nhà lưới… 

Hiện một số nông dân và HTX muốn mở rộng đầu tư cơ giới hóa, xây khu vực sơ chế sản phẩm để gia tăng giá trị và đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm nhưng không được phép xây dựng vì vướng các quy định về xây dựng trên đất nông nghiệp.

Trong khi đó, nhiều nông dân cho biết việc tiếp cận nguồn vốn dù có nhiều chính sách của nhà nước nói chung và TP nói riêng vẫn còn nhiều bất cập dẫn tới khó đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thị trường đầu ra vẫn là vấn đề khó khăn cho các hộ sản xuất cũng như HTX nông nghiệp trên địa bàn TP.

Làm nông nghiệp nhưng không được xây nhà kho để vật tư, sản phẩm - Ảnh 2.

Vốn để sản xuất kinh doanh vẫn là điểm nghẽn đối với nhiều nông dân và HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố - Ảnh: Trần Mạnh

Bà Võ Thị Dung - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng nông nghiệp của TP đã có bước phát triển nhanh và bền vững trong những năm qua. Tuy nhiên, nhiều vấn đề tháo gỡ khó khăn cho nông dân và các HTX vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng cũng như những chính sách và đầu tư của TP. 

Vấn đề công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp không mới mà đã được đưa ra 3 năm nay rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Thành ủy đề nghị UBND TP.HCM và Sở Xây dựng sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách thí điểm cho Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. 

“Cần mạnh dạn xây dựng cơ chế chính sách để thí điểm và phải làm được để tháo gỡ khó khăn cho nông dân và HTX”, bà Dung nhấn mạnh.

Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030

TTO - Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên