25/04/2019 10:15 GMT+7

Lãnh đạo phường cũng chưa biết thủ tục đăng ký nuôi chó mèo!

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Nhiều phường cũng thừa nhận việc kiểm tra xử lý chó, mèo thả rông chỉ thực hiện khi có phản ảnh từ người dân

Lãnh đạo phường cũng chưa biết thủ tục đăng ký nuôi chó mèo! - Ảnh 1.

Người nuôi phải luôn cho "thú cưng" tiêm phòng định kỳ hàng năm về các loại bệnh tại cơ sở thú y - Ảnh: Thanh Đạm

Theo nghị định 05 năm 2007 về phòng chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp phường, xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều lãnh đạo phường trên địa bàn thành phố cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào đăng ký việc nuôi chó mèo tại UBND phường.

Địa phương thiếu giám sát

Nhiều phường cũng thừa nhận việc kiểm tra xử lý chó, mèo thả rông chỉ thực hiện khi có phản ảnh từ người dân. Hình thức xử lý chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền chứ chưa xử phạt hành chính việc người nuôi thả rông chó, mèo; để chó, mèo phóng uế nơi công cộng. 

Thậm chí có lãnh đạo phường nhìn nhận chưa biết thủ tục đăng ký bao gồm những gì, quản lý ra sao.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền - Công ty Luật Việt, thủ tục đăng ký nuôi chó, mèo khá đơn giản. Người dân chỉ cần liên hệ với UBND phường, xã tại các nơi đô thị, đông dân cư để đăng ký vào sổ quản lý các thông tin gồm: họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng văcxin dại.

Luật sư Huyền cũng nhìn nhận trên thực tế việc đăng ký, tổ chức tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn thành phố chưa được thực hiện tốt. Hầu như rất ít người nuôi đăng ký cho địa phương và UBND địa phương cũng chưa giám sát, quản lý việc đăng ký này.

Còn việc tổ chức xử phạt, bắt giữ chó thả rông, phóng uế nơi công cộng cũng ít được thực hiện, một phần do đánh giá, nhận thức của địa phương rằng "việc này chưa cấp thiết và do lực lượng nhân sự của địa phương để thi hành việc này còn mỏng, khó có thể theo dõi xử phạt từng trường hợp cụ thể".

Để xử lý vấn đề này tốt hơn, luật sư Huyền cho rằng UBND phường, xã cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác và có ý thức tuân thủ quy định pháp luật trong việc nuôi chó. Đồng thời phối hợp với tổ chức Mặt trận, tổ dân phố, dân phòng... thực hiện tốt việc đăng ký để công tác quản lý và xử phạt hiệu quả hơn.

Có được nuôi chó, mèo ở chung cư?

Đề cập việc người dân có được phép nuôi chó, mèo ở các chung cư, cao ốc, luật sư Huyền cho rằng theo quy định hiện hành, hành vi chăn thả gia súc, gia cầm trong chung cư bị cấm.

Đồng thời, mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi sống ở chung cư là chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư. Do đó, việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư được cho là có cơ sở.

Mẫu nội quy này là một mẫu văn bản để ban quản lý các chung cư tham khảo và xây dựng nội quy riêng cho nhà chung cư của mình. Nếu hội nghị nhà chung cư và nội quy riêng của từng chung cư (được xây dựng dựa trên sự thống nhất với các cư dân chung cư đó) thống nhất thông qua việc không nuôi chó, mèo thì coi như đây là quy định nội bộ hay "hương ước" để các cư dân tuân thủ.

Chó ở chung cư: Chỉ được nuôi chó nhỏ? Chó ở chung cư: Chỉ được nuôi chó nhỏ?

TTO - Nuôi chó ở chung cư ít nhiều gây phiền hà cho hàng xóm, vấn đề chắc chắn không chỉ ở chung cư Việt. Để giải quyết việc này, tôi xin đề xuất ngắn gọn 6 giải pháp cụ thể.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên