22/09/2019 10:05 GMT+7

Lão y sĩ Sáu Hả và tổ ấm cho... người dưng

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Bỏ ra hơn 2 công đất hương hỏa để xây nhà, chia phòng cho người cơ nhỡ sinh sống, y sĩ Sáu Hả còn bỏ tiền túi lo từng miếng ăn, viên thuốc giúp người bệnh, người già thoát cơn bĩ cực.

Lão y sĩ Sáu Hả và tổ ấm cho... người dưng - Ảnh 1.

Ông Sáu Hả khám chữa bệnh miễn phí cho người vô gia cư, cơ nhỡ, bệnh tật mà ông nuôi dưỡng - Ảnh: CHÍ HẠNH

Nếu tôi có mất đi, đất đai nhà cửa, cơ ngơi này tôi sẽ để quyền thừa kế cho tất cả những người đang sống ở đây. Để họ có nơi nương tựa đến hết đời.

Ông Sáu Hả

Đó là y sĩ Lê Văn Hả, tên thường gọi là Sáu Hả, 72 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Nhà ông Sáu Hả ở vùng ven của huyện, muốn đến được đây phải băng qua nhiều cây cầu nhỏ ra tận giữa đồng.

Chăm người bệnh, người già neo đơn

Phải mất đến 3 vòng ngược xuôi men theo con rạch, chúng tôi mới tìm thấy nhà y sĩ Sáu Hả. Ngay trước cổng, ông cho treo một tấm bảng "Cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn Lê Văn Hả".

Gọi là cơ sở nhưng thực chất nơi này là vài dãy nhà mái lợp tôn, sàn lót ván, vách che chắn thô sơ và bên trong là những chiếc giường đặt san sát. Nhìn thật đơn sơ, giản dị nhưng đối với người nghèo, người sa cơ thất thế thì đây là mái ấm thực thụ của họ.

Theo lời ông Sáu Hả, sau ngày 30-4-1975, ông là y tá của trạm y tế xã Thạnh Lộc. Sau đó, ông lên TP.HCM học thêm trung cấp Đông và Tây y. Tốt nghiệp với tấm bằng y sĩ trong tay, ông tiếp tục quay về làm việc trong trạm y tế xã nhà.

"Quá trình công tác, tôi thấy không biết bao mảnh đời bất hạnh, nghèo khó và bệnh tật nặng nề nhưng bị người thân ruồng bỏ. Nhìn họ ốm đau, đói khát mà không nơi nương tựa mình xót xa vô cùng. Cuối năm 1999, ngay ngày đầu khi nghỉ, tôi rước về nhà một cụ già neo đơn, bệnh tật không ai chăm sóc. Lúc đó chỉ nghĩ thương cụ, mình đi đâu thì cụ ở đó cho tiện chăm sóc. Từ đó tôi bén duyên với cái nghiệp đến tận bây giờ" - ông Sáu Hả nhớ lại.

Những ngày đầu đưa người lạ về chăm lo ăn uống, ngủ nghỉ rồi chữa trị bệnh, ông Sáu Hả chịu không ít phản đối của vợ con. Nhưng vì tấm lòng hào hiệp, mọi thứ ông đều bỏ ngoài tai. Về sau, vợ con cũng dần dà quen chuyện và thấu hiểu việc làm của chồng, của cha mình.

"Để khỏi phiền hà, tôi tách hết đất đai chia phần cho cả nhà, ai cũng có phần của người đó. Tôi chỉ giữ lại hơn 2 công để làm những điều mình thích, đó là chăm sóc những người nghèo khó" - ông Sáu Hả cho biết.

Dù biết rõ công việc chăm sóc người già, người mang bệnh là vô cùng vất vả và tốn kém, nhưng từ trước tới nay lão y sĩ Sáu Hả chưa một ngày than vãn hay nhờ người phụ giúp. Tiếng lành đồn xa, người bệnh, người già neo đơn hay người cơ nhỡ kéo về nhà ông Sáu Hả ngày một đông đúc, thậm chí có lúc lên đến 50 người.

Để phục vụ nhu cầu của người dưng, ông tự tay dựng lên 21 căn phòng nhỏ, mỗi phòng có diện tích 30-40m2. Ông cũng tự đóng giường, mua trang thiết bị y tế, thuốc men cần thiết để tiện chữa trị cho người bệnh.

Lão y sĩ Sáu Hả cũng dành hết nguồn thu nhập chính khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng từ việc đi khám, chích thuốc thuê hằng ngày để lo cơm nước cho những người mà ông đang cưu mang. Lòng tốt của ông Sáu Hả lan truyền ra cả xóm, một số người dân cũng tự nguyện đến giúp ông lão một tay lo cơm nước, vệ sinh cho những người bị tật, bệnh nặng phải nằm liệt giường.

"Hiện tại có 21 người, từ người già neo đơn, người tàn tật, người bệnh nan y, cả những người mồ côi đang sinh sống ở đây. Lớn tuổi nhất là cụ ông 92 tuổi, người nhỏ nhất nay cũng trên dưới 40 tuổi. Cũng có người đã sinh sống ở đây với tôi hơn 15 năm rồi, họ như người thân mình vậy" - ông Sáu Hả cho biết.

"Di chúc" của lão y sĩ

Hai chân bị liệt, phải ngồi xe lăn, ông Nguyễn Tuấn Linh (41 tuổi, quê Thốt Nốt, TP Cần Thơ) tâm sự: "Tôi sống ở đây hơn 15 năm rồi. Nhà nghèo từ nhỏ, cha mẹ lần lượt qua đời. Dù từng được cô ruột cưu mang nhưng những người em trong nhà cứ nói lời nặng nhẹ. Do đó tôi mới quyết định ra đi. Vào đây, được ông Sáu gật đầu cho ở lại, tôi có cảm giác vui buồn lẫn lộn. Khi quen với cuộc sống trong này, tôi thấy mình như thoải mái hẳn ra, được cho ăn ở miễn phí, còn được chăm sóc tận tình nên tôi cảm thấy ấm lòng. Ông Sáu đã tái tạo cuộc sống của tôi".

Ở đây, mỗi người một cảnh ngộ, mỗi người mang trong mình những căn bệnh khác nhau. Như ông Lê Hữu Nghĩa (72 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang) là người vô gia cư, không người thân thích lại bị bệnh tim, thận hành hạ mỗi ngày.

Cụ bà Nguyễn Kim Thanh (86 tuổi, ngụ Long Xuyên, An Giang) tuổi già sức yếu, mắt mờ nhưng còn mang trong mình căn bệnh bụng trương phình. Cụ Thanh từng bị con cháu bỏ rơi, hằng ngày phải đi hái rau bụi ăn để sống qua ngày. "Giờ tôi như đồ phế liệu, hư hết rồi. Vô đây có chú Sáu, chị Sáu lo cho ăn ngủ tử tế, chích thuốc ngày mấy cử nên người thấy khỏe hẳn ra" - cụ Thanh cho biết.

Trăm dâu đổ đầu tằm riết cũng khiến ông Sáu Hả trở nên chật vật, bao nhiêu tiền làm ra của lão y sĩ lần lượt ra đi. Nhưng khi hỏi về tâm nguyện, ông khẳng khái trả lời: "Tôi phải ráng lo cho họ. Nếu tôi có mất đi, đất đai nhà cửa, cơ ngơi này tôi sẽ để quyền thừa kế cho tất cả những người đang sống ở đây. Để họ có nơi nương tựa đến hết đời".

Ông Đỗ Hồng Phúc - phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc - cho biết chính quyền địa phương hoan nghênh việc làm thiện nguyện của ông Sáu Hả. Chính quyền cũng đề nghị công an hoàn tất các thủ tục để công nhận hộ khẩu thường trú cho những người cơ nhỡ đang sinh sống nơi đây. "Việc lo nơi ăn chốn ở và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người khó khăn ở địa phương của ông Sáu Hả rất có ý nghĩa và cần thiết" - ông Phúc nói.

Ông Út Ổi hào sảng Ông Út Ổi hào sảng

TTO - Ban ngày, ông rời nhà đi, đến tối mịt mới về. Cứ thế, ông đã đi gần nửa đời người và đến đâu cũng giúp người nghèo, 'nối nhịp bờ vui' qua sông ngòi cách trở...

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên