01/05/2013 08:31 GMT+7

Lấp ô thông tầng, xây bancông thành phòng: Nơi phạt, chỗ không

D. NGỌC HÀ
D. NGỌC HÀ

TT - Thanh tra xây dựng các quận huyện ở TP.HCM có cách xử lý khác nhau đối với các lỗi xây lấp ô thông tầng và xây bancông thành phòng tại các công trình khiến người dân thắc mắc.

m0lnZ9yA.jpgPhóng to
Cưỡng chế tháo dỡ một trường hợp xây bít ô thông tầng tại một tòa nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.Hà

Một bạn đọc phản ảnh ông đang xây nhà ở đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh. Trong bản vẽ xin giấy phép xây dựng ban đầu có ô thông giữa các tầng với diện tích khoảng 4m² ở giữa nhà, nhưng khi xây nhà ông yêu cầu thợ không xây các ô thông tầng để tăng diện tích sinh hoạt. Nhà xây gần xong thì ông bị Thanh tra xây dựng (TTXD) Q.Bình Thạnh lập biên bản và yêu cầu chừa lại ô thông tầng theo bản vẽ xin giấy phép xây dựng... Trong khi đó, một người quen của ông xây nhà ở một quận khác cũng lấp ô thông tầng nhưng không bị xử lý.

Thiết kế bên trong khó quản

TTXD Q.1 cho biết nhiều công trình xây dựng ở Q.1 vi phạm lỗi lấp ô thông tầng và xây phòng trên bancông nhưng không bị xử lý do đây là chi tiết thuộc thiết kế bên trong căn nhà, do chủ đầu tư quyết định, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp. Đại diện TTXD Q.1 cho rằng kỹ thuật xây dựng ngày nay đã phát triển, chủ nhà có thể sử dụng nhiều cách để lấy gió, lấy ánh sáng cho căn nhà chứ không nhất thiết phải để ô thông tầng như cách làm truyền thống.

Thực tế, TTXD Q.1 chỉ ngăn chặn lỗi lấp ô thông tầng và xây bancông thành phòng ở những công trình xây dựng mới. Còn những công trình cũ, chủ nhà đã hoàn công, đưa vào sử dụng rồi tự ý xây phòng trên bancông thì cơ quan chức năng không thể giám sát được. Hơn nữa, việc tháo dỡ sẽ gây thiệt hại nhiều cho chủ nhà nên cơ quan chức năng chỉ vận động tháo dỡ phòng trên bancông khi chủ nhà liên hệ làm các thủ tục về nhà, đất.

Tương tự, TTXD Q.4 cũng không xử phạt việc lấp ô thông tầng và xây phòng trên bancông. “Theo thông tư 24 của Bộ Xây dựng về xử phạt hành chính, việc tăng diện tích xây dựng các tầng trên (không phải tầng trệt) không xem là vi phạm xây dựng nên chưa có căn cứ để xử lý người dân vi phạm lỗi này” - một lãnh đạo TTXD Q.4 cho biết.

Vi phạm mật độ xây dựng: phải phạt

Trong khi đó, TTXD nhiều quận khác như Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Thạnh... lại có quan điểm khác. Ông Nguyễn Như Hồng, chánh TTXD Q.Phú Nhuận, cho rằng ô thông tầng trong nhà có tác dụng lấy ánh sáng và phục vụ mục đích thoát nạn, cứu hỏa khi cần thiết. Tầng lửng chỉ được phép xây dựng bằng 80% diện tích tầng trệt, vì vậy ô thông tầng lửng phải có diện tích bằng 20% diện tích xây dựng trở lên. Ngoài ra, ở một số công trình, việc chừa ô thông tầng còn nhằm bảo đảm mật độ xây dựng theo quy chuẩn.

TTXD Q.Bình Thạnh cho biết chỉ cho tồn tại trường hợp bít ô thông tầng khi phần diện tích để trống này chỉ là giải pháp kiến trúc của căn nhà, không liên quan đến mật độ xây dựng. Còn ô thông tầng là khoảng trống để bảo đảm mật độ xây dựng của công trình mà chủ đầu tư không chừa là vi phạm quyết định 135 và quyết định 45 về thiết kế nhà liên kế của UBND TP.HCM. “Mặc dù hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho rằng trường hợp này không phải là vi phạm nhưng không phù hợp với đặc thù riêng của TP.HCM nên TTXD quận không áp dụng” - một cán bộ TTXD Q.Bình Thạnh giải thích.

Còn TTXD Q.Tân Phú cho rằng việc xây bít ô thông tầng là sai giấy phép xây dựng nên phải xử phạt và buộc phải điều chỉnh giấy phép hoặc phải tháo dỡ phần sai. Trường hợp chủ nhà chừa các ô thông tầng sai vị trí, sai số lượng nhưng tổng diện tích các ô này không thay đổi so với diện tích ô thông tầng theo giấy phép xây dựng thì được xem là xây đúng phép.

Về việc xây phòng trên bancông, TTXD Q.Tân Phú xử lý tùy theo trường hợp. Nếu bancông căn nhà sử dụng không gian công cộng của lộ giới, hẻm giới thì chủ nhà đã lấn lộ giới khi bít thành phòng nên phải buộc tháo dỡ. Nếu bancông nằm gọn trong không gian của phần đất thuộc quyền sử dụng của chủ nhà thì không bị xử lý...

Phải thống nhất cách xử lý

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho rằng phải thống nhất cách xử lý những lỗi nói trên để tránh việc xử lý tùy tiện, làm khó người dân. Theo vị này, những trường hợp vi phạm không ảnh hưởng đến trật tự chung, không lấn chiếm không gian công cộng thì không xem là vi phạm xây dựng. Còn những vi phạm liên quan đến quy chuẩn, mật độ xây dựng thì phải kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ.

Cụ thể, nếu ô thông tầng không liên quan đến mật độ xây dựng thì chủ nhà có thể lấp hay để tùy ý, còn ô thông tầng là khoảng trống bắt buộc của công trình để đảm bảo mật độ xây dựng thì lấp hoặc xây nhỏ hơn là sai phép. Khi cấp giấy phép xây dựng cho công trình có ô thông tầng, UBND các quận huyện nên ghi chú chi tiết này để chủ nhà biết rõ.

Còn phần bancông do Nhà nước cho người dân sử dụng không gian công cộng, quy chuẩn xây dựng đã quy định phải để trống một nửa diện tích. Nếu chủ nhà xây bancông thành phòng là sử dụng sai công năng không gian công cộng, bít kín bề mặt bancông là sai quy chuẩn xây dựng.

D. NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên