19/01/2024 12:13 GMT+7

Lấy lại tiếng thơm cho chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba (Huế) từng mang tiếng xấu nhiều hơn tiếng thơm, khi khách du lịch phải nhiều phen khiếp đảm bởi độ "đanh đá" của nhiều tiểu thương nơi đây.

Một hoạt động du lịch trước chợ Đông Ba - Ảnh: Facebook chợ Đông Ba

Một hoạt động du lịch trước chợ Đông Ba - Ảnh: Facebook chợ Đông Ba

Hét giá, "chặt chém", "mì xưa" (từ địa phương chỉ việc mua mở hàng đầu ngày - PV), hỏi giá không mua hàng sẽ bị chửi bới cho đến móc túi, trộm cắp tràn lan... là những gì đọng lại trong tâm trí của nhiều du khách khi đến với ngôi chợ này.

Từng có một thời gian dài, rất nhiều du khách chỉ đến chợ Đông Ba để chụp vài bức hình check-in thể hiện rằng mình từng đến nơi nổi tiếng của một vùng đất, chứ không hề móc hầu bao ra mua hàng chỉ vì sợ tiếng khu chợ hay "chặt chém".

Nhận thấy điều này, chính quyền TP Huế đã quyết định phải làm điều gì đó. Năm 2021, Thành ủy Huế quyết định đưa bà Hoàng Thị Như Thanh, lúc này đang giữ chức vụ chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Huế, về làm trưởng ban quản lý chợ Đông Ba.

Ngày đầu tiên về chợ, bà Thanh đi xuống ngay từng quầy hàng để nói chuyện với bà con tiểu thương.

"Khó khăn lớn nhất với tôi lúc đó là chưa hiểu nhiều về chợ Đông Ba. Phải hiểu được khu chợ đang gặp vấn đề gì, bà con tiểu thương, khách hàng đến chợ muốn gì thì mới thay đổi được khu chợ", bà Thanh từng nói.

Sau khi nắm được vấn đề, bà Thanh bắt đầu công cuộc đổi mới với những đổi thay từ chính trong đội ngũ ban quản lý chợ. 

Bà vận động các chú bảo vệ, cô kế toán... thay vì trước đây thường có thái độ không tốt thì bây giờ nên kiềm chế lại, lựa lời ăn tiếng nói với tiểu thương ở chợ.

Khi những người kề cạnh mình hiểu được, bà Thanh bắt đầu vận động bà con tiểu thương cùng chung tay đổi thay chợ Đông Ba bằng những khẩu hiệu như "3 không, 2 có" (không chèo kéo, không mì xưa, không nói thách; có uy tín, có chất lượng), "Nụ cười Đông Ba", "Văn minh thân thiện là người Đông Ba"...

Để vận động hiệu quả, hằng ngày thời gian bà Thanh xuống chợ "làm thân" với bà con nhiều hơn là thời gian bà ngồi tại văn phòng. Và dĩ nhiên không chỉ vận động bằng miệng, những nội quy xử phạt nghiêm khắc, rõ ràng đã được ban quản lý chợ ban hành và áp dụng cho những ai cố tình vi phạm.

Và rồi những việc trước đây tưởng chừng "khó hơn cả lên trời" ở chợ Đông Ba đều đã được thực hiện. Tiểu thương tự niêm yết giá mặt hàng mình bán, cấm hàng rong vào chợ... và mới đây nhất là treo thưởng 500.000 đồng cho ai phát hiện việc "chặt chém", hét giá.

Lần đầu tiên trong suốt 124 năm thành lập, tiểu thương của chợ Đông Ba được kết nạp vào Đảng, tại chính chi bộ của chợ.

Chính tiểu thương của chợ Đông Ba đã tự tay thay đổi bộ mặt của ngôi chợ này và chính họ cũng giúp lan tỏa tiếng thơm vang xa. Khách du lịch ngày nay đã về với chợ nhiều hơn và họ cũng đã không ngần ngại chi tiền mua hàng hóa bởi giá cả đã được ghi rõ công khai.

Trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống ế ẩm, ngoài việc phải thay đổi phương thức buôn bán, cũng cần xây dựng văn hóa chợ văn minh hiện đại, thái độ lịch sự, trung thực, niềm nở để thu hút khách. 

Chợ Đông Ba chính là điển hình trong việc thay đổi thái độ gắn liền với lợi ích kinh tế, đặc biệt là với những khu chợ truyền thống có nhiều khách du lịch như Bến Thành, Đồng Xuân, Đông Ba...

Ghé chợ Đông Ba mua mắm HuếGhé chợ Đông Ba mua mắm Huế

TTO - Không biết tự bao giờ mắm Huế đã trở thành món ăn gần gũi với người dân cố đô và khách du lịch. Những thẩu mắm nhỏ xinh, bình dị chinh phục hầu hết khách phương xa và ai cũng cố mang về cho người thân như món quà đặc sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên