20/10/2023 15:41 GMT+7

Loạt khách sạn đất vàng thua lỗ, có nơi phải tính bán để trả nợ trái phiếu

Nhiều khách sạn tọa lạc tại khu đất được ví như “vàng”, "kim cương" nhưng có số phận long đong khi chủ sở hữu khó khăn, thua lỗ. Có khách sạn 5 sao “xịn” bậc nhất Hà Nội còn bị tính toán bán làm tài sản trả nợ trái phiếu.

Bông Sen lên kế hoạch bán hơn 63,4 triệu cổ phần Daeha (chủ quản khách sạn Daewoo Hà Nội) - Ảnh: KS Daewoo

Bông Sen lên kế hoạch bán hơn 63,4 triệu cổ phần Daeha (chủ quản khách sạn Daewoo Hà Nội) - Ảnh: KS Daewoo

Trong báo cáo gửi HNX, Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 âm 370 tỉ đồng.

Khách sạn đất vàng vẫn thua lỗ triền miên 

Mạch thua lỗ công ty này kéo dài nhiều năm nay, như năm 2021 lỗ 785 tỉ đồng, 2022 lỗ 783 tỉ đồng. Cái khó kéo dài khiến Thiên Phúc âm 902 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.

Thiên Phúc là chủ sở hữu khách sạn Novotel Saigon Centre. Trên website, khách sạn này được giới thiệu có vị trí thuận tiện tại quận 3 (TP.HCM), cách trung tâm thành phố vài phút đi bộ.

Tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Bông Sen - chủ loạt khách sạn có tiếng ở TP.HCM - cũng khó không kém. Báo cáo thông tin tài chính nửa đầu năm 2023 cho thấy Bông Sen lỗ 280 tỉ đồng, gấp 3,4 lần so với mức lỗ cùng kỳ. Năm 2021 và 2022, Bông Sen lỗ lần lượt 185 tỉ đồng và 442 tỉ đồng.

Trên website, Bông Sen giới thiệu là doanh nghiệp thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), sau đó chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2005.

Bông Sen sở hữu chuỗi khách sạn đắc địa ở TP.HCM, gồm: Bông Sen Saigon (117-123 Đồng Khởi), Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng)… cùng chuỗi nhà hàng ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ…

Bông Sen được giới truyền thông nhắc đến nhiều hơn gần đây khi nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Trả lời cổ đông, lãnh đạo Bông Sen cho biết công ty phát hành 4.800 tỉ đồng trái phiếu. Hiện cơ quan điều tra đang làm việc về vấn đề này.

Cũng bởi vậy, hồi tháng 8-2023, Bông Sen đã tổ chức một đại hội bất thường, lấy ý kiến cổ đông phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu.

Theo nghị quyết đại hội, danh sách các loại tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu của Bông Sen có khách sạn Palace và Bông Sen 2. Ngoài ra, có cả 63,4 triệu cổ phần Công ty Daeha thuộc sở hữu của Công ty Hợp Thành 1 (Bông Sen có sở hữu cổ phần chi phối tại công ty này).

Daewoo có thể đổi chủ, nhiều khách sạn khác đã sang tay

Theo tìm hiểu, Công ty Daeha chính là chủ sở hữu khách sạn Daewoo Hà Nội với vị trí đắc địa tại đường Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội. Công ty Hợp Thành 1 nắm cổ phần lớn tại Daeha.

Người đại diện pháp luật Hợp Thành 1 là bà Võ Ngọc Xuân. Bà Xuân từng giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị Bông Sen và hiện vẫn có vai trò tại công ty này.

Tại biên bản nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường 2023, ban lãnh đạo Bông Sen khẳng định với cổ đông, công ty chỉ thanh lý tài sản sau khi có kết luận và phương án xử lý của cơ quan điều tra Bộ Công an. Do Bông Sen không được phép thực hiện việc thay đổi dịch chuyển tài sản.

Điều này đồng nghĩa với việc chuyển nhượng cổ phần chủ sở hữu khách sạn Daewoo mới chỉ được phía Bông Sen phê duyệt chủ trương, dự kiến thực hiện.

Về quá trình phát triển, khách sạn Daewoo Hà Nội ra đời từ hợp tác giữa Công ty cổ phần Hanel và Daewoo (Hàn Quốc). Trong đó, Hanel nắm giữ 30% vốn, còn lại là Daewoo. Trong đó, Hanel góp bằng quyền sử dụng đất, đối tác góp tiền.

Sau đó vì khó khăn, Daewoo đã chuyển nhượng toàn bộ 70% số vốn tại khách sạn. Khá ly kỳ, Hanel đã giành quyền mua toàn bộ số vốn nêu trên. Nhưng từ đó đến nay, trên báo cáo tài chính của Hanel chỉ thể hiện khoản đầu tư vào Daeha với 30% vốn.

Điều đó giải thích không lâu sau khi mua, Hanel đã chuyển nhượng toàn bộ 70% vốn cho công ty khác. Một trong các chủ nhân mới của Daeha là Công ty Hợp Thành 1. Và chủ sở hữu thực sự đứng sau chính là Bông Sen.

Trong khi khách sạn Daewoo đứng trước khả năng đổi chủ thì nhiều khách sạn khác đã được bán thành công khi chủ sở hữu khó khăn.

Thông tin từ Jones Lang Lasalle (JLL), tập đoàn này đã tư vấn thành công việc bán 3 khách sạn nổi bật ở Đông Nam Á. Trong danh sách này, có hai khách sạn ở TP.HCM là Ibis Saigon South và Capri by Fraser.

Bên bán là Strategic Hospitality Holdings Limited - công ty con của Tập đoàn Thái Lan SHREIT. Tổng giá trị của thương vụ cả 3 khách sạn được tiết lộ là 106,1 triệu USD.

Hai khách sạn được giới thiệu mang thương hiệu quốc tế duy nhất nằm trong khoảng cách đi bộ đến các văn phòng do các công ty đa quốc gia thuê và Trung tâm triển lãm và hội nghị Sài Gòn - cơ sở triển lãm lớn nhất của TP.

Vừa qua, hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng đã nhất trí việc thanh lý khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ. Đây là khách sạn tiêu chuẩn bốn sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, nằm ngay quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, hoạt động từ cuối năm 2005, công suất 117 phòng.

Khách Tây thưa vắng, nhiều khách sạn ở TP.HCM đóng cửa, rao bánKhách Tây thưa vắng, nhiều khách sạn ở TP.HCM đóng cửa, rao bán

Không chỉ các hàng quán 'tháo chạy', nhiều khách sạn ở TP.HCM cũng gặp khó, hiện phải ngưng hoạt động, đóng cửa hoặc rao bán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên