07/08/2021 08:10 GMT+7

Lớp học đầu đời trong đại dịch

TS HỒ THIỆU HÙNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
TS HỒ THIỆU HÙNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

TTO - Chưa tới một tháng nữa là đến ngày khai giảng năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Theo truyền thống, đây là ngày rất trọng đại trong đời học sinh.

Lớp học đầu đời trong đại dịch - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) năm học 2020-2021 - Ảnh: Như Hùng

Nhưng ngày này năm nay sẽ ra sao? Cha mẹ có an tâm dẫn đứa trẻ đến nơi tập trung hàng ngàn trẻ nhỏ hiếu động đang háo hức chờ nhập học không? 

Câu trả lời là "có" nếu đại dịch bị đẩy lùi hoàn toàn, là "không" nếu đại dịch chưa lui. Khi đó liệu lớp 1 sẽ bị lùi năm học? Lùi đến bao giờ? Trong khi học sinh các lớp lớn hơn có thể ít nhiều học trực tuyến thì học sinh lớp 1 chưa biết chữ, chưa biết đọc không lẽ sẽ ở nhà chơi suốt? Ai mà đành tâm để học sinh lớp 1 - lớp học đầu đời - bị thất học.

Quan trọng nhất là biết đọc, viết

Nhiều người nghĩ rằng học trực tuyến là bất khả thi với lớp 1. Trẻ chưa biết mặt con chữ, chưa biết cầm viết, ráp vần thì làm sao sử dụng các thiết bị điện tử tinh vi làm học cụ mà học trực tuyến? Mà trẻ 6 tuổi làm sao tự học với học cụ đó được? 

Hằng năm phải sắm sửa áo quần, cặp, sách, tập, bút đã khiến nhiều gia đình phải chật vật, nay còn sắm máy tính cho con vào học lớp 1 thì làm sao xoay xở nổi? Hay đành cho con nghỉ học? Không thể để tình trạng này xảy ra.

Vẫn có lối thoát nếu ta thay đổi nhận thức và cách làm. Học lớp 1 thì quan trọng nhất là biết đọc, biết viết. Quan niệm truyền thống khiến nhiều người cho rằng phải có cô giáo hướng dẫn, cầm tay cho mỗi học sinh dùng bút mà tô, luyện viết nên từng con chữ, con số; rằng trẻ có viết chữ thì mới nhớ mặt chữ, có nhớ mặt chữ thì mới ráp vần, có ráp vần được thì mới đọc được từng từ, rồi nên câu, nên bài. 

Nếu chuyển qua học trực tuyến, cô một nơi, trò một nẻo, trò lại chỉ quen chơi thì làm sao cô quản được học sinh, nói gì cầm tay trò mà giúp luyện chữ.

Vậy sao ta không lợi dụng tính ham chơi của học sinh lớp 1 mà "dụ" trẻ chịu học trực tuyến? Trẻ nào tuổi đó mà không ham trò chơi điện tử? Vậy thì cô dặn "con nào học xong bài, được xác nhận "thuộc" bài thì sẽ được thưởng chơi game", càng thuộc nhiều, thuộc mau càng được chơi nhiều, chơi lâu. 

Cần lưu ý là học cụ không cài phần mềm chơi game riêng mà phải đi kèm sau mỗi nội dung học. Trẻ vượt qua được một nội dung thì được thưởng một cái "chìa khóa" để chơi game đi kèm. Điều này khiến trẻ không thể bỏ học mà chơi game được, ham chơi game mới thì phải có chìa khóa mới.

Ứng dụng có nhiều hoạt hình sinh động

Như vậy trẻ học trực tuyến phải có máy tính sao? Không cần trang bị tới mức đó, chỉ cần máy tính bảng - máy cũ cũng được - hoặc điện thoại thông minh, đủ khả năng chứa một vài ứng dụng tập đọc, tập viết cho trẻ lớp 1 do các nhà giáo kết hợp với các chuyên viên làm phần mềm cùng nhau thiết kế là được. 

Ứng dụng này có nhiều hoạt hình sinh động giúp học sinh nhận mặt con chữ, chạm vào con chữ, ráp vần, đọc câu... Cần dồn sức chế ngay phần mềm này cho năm học mới. Khi đó học cụ mới này sẽ đủ sức mê hoặc các bé.

Một lợi thế khác của việc học đọc và viết qua học cụ điện tử là học trò lớp 1 không phải dành nhiều thời gian tập cầm bút nắn nót nên con chữ mà chỉ cần chạm vào phím là có ngay con chữ. Vậy là nhờ công nghệ thông tin mà một khâu khó khăn, tốn rất nhiều thời gian là luyện chữ đã được rút ngắn, gần như bỏ qua. Học trò trăm bé như một sẽ đều "viết" đẹp tăm tắp cùng một tuồng và khổ chữ do nhà giáo quy định. 

Lướt qua khâu tập viết, trò sẽ có nhiều thời gian cho khâu tập đọc, khâu quan trọng hơn nhiều. Kết quả là học sinh sẽ nhanh biết "viết", mau biết đọc hơn, chỉ có điều sau này lớn lên thì chữ viết tay sẽ xấu. Nhưng lợi nhiều hơn hại là không cần bàn cãi.

Một trở ngại cần vượt qua nữa là ai sẽ chỉ cho học trò lớp 1 cách dùng máy tính bảng hay điện thoại thông minh? Thực tế cho thấy bất cứ người nào biết chữ nếu sở hữu các máy này đều sớm biết cách sử dụng, thấp nhất là ở mức nhắn tin và đều có thể bày vẽ điều này lại cho người khác. 

Một người anh, người chị học lớp 3, lớp 4 dễ dàng chỉ cho đứa em học lớp 1 sử dụng các tính năng mở/tắt máy, gõ/xóa chữ, chơi game. Một máy dùng cho nhóm vài ba trẻ cùng xóm là được, bé đã biết chỉ cho bé chưa biết...

Đổi mới dạy và học

Điều nữa không thể bỏ qua, đó là các nhà quản lý xã hội, quản lý giáo dục và chuyên gia tiểu học cùng thầy cô giáo phải đồng lòng đổi mới cách dạy và học của trẻ tiểu học nói chung và trẻ lớp 1 nói riêng cho phù hợp với tình hình đại dịch. Khó khăn sẽ còn nhiều nhưng không thể chịu bó tay. Để trẻ 6 tuổi không được đến trường là điều bất đắc dĩ, còn để trẻ 6 tuổi thất học là cái tội của người lớn.

Tuyển sinh lớp 1 năm học tới: Áp lực với tuổi Tuyển sinh lớp 1 năm học tới: Áp lực với tuổi 'dê vàng'

TTO - 'Lớp 1 năm nay theo tôi biết không phải chỉ dê vàng mà phụ huynh nói là dê kim cương, nghĩa là rất đặc biệt' - cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TP.HCM), nói.

TS HỒ THIỆU HÙNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên