14/12/2006 04:51 GMT+7

Lớp học trên đảo xa

VIẾT ĐOÀN
VIẾT ĐOÀN

TT - Có lẽ không nơi nào ở VN mà cái chữ lại được gieo trồng công phu như tại điểm Trường Cỏ Ống, thuộc Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điểm trường có hai phòng học, ba lớp, hai cô giáo và tám học trò.

4WcestfA.jpgPhóng to
Lớp ghép 3C và 4D của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan có sáu em, toàn trường có... tám em - Ảnh: Viết Đoàn
TT - Có lẽ không nơi nào ở VN mà cái chữ lại được gieo trồng công phu như tại điểm Trường Cỏ Ống, thuộc Trường tiểu học Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điểm trường có hai phòng học, ba lớp, hai cô giáo và tám học trò.

Lớp học “Sĩ số: 2. Vắng: 0”

Từ trung tâm huyện đảo, men theo vách núi với nhiều con dốc khúc khuỷu mà một bên là vách cao, một bên là vực sâu, chúng tôi tìm đến điểm Trường Cỏ Ống. Đây là con đường quen thuộc của hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thúy Loan và Lê Thị Lâm Tuyền mỗi ngày đến với các học trò nhỏ của mình.

Chúng tôi đến nơi lúc 10g. Giữa mênh mông núi đồi và biển cả, hai phòng học trông lẻ loi, nhỏ xíu. Những tiếng đánh vần ê a non nớt vọng ra và lọt thỏm trong một góc đảo vắng. Tôi bước vào lớp 1D. Có khách bất ngờ đến thăm, cả cô lẫn trò ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên hơn vẫn là... khách: lần đầu tiên tôi thấy một lớp học chỉ có một cô giáo và hai học trò. Lớp có ba bộ bàn ghế đôi thì hết hai bộ để trống. Trên góc bảng đen tươm tất dòng chữ nắn nót: “Thứ tư, ngày 29-11-2006. Lớp 1D. Sĩ số: 2. Vắng: 0”.

Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Lâm Tuyền bối rối nhưng cũng rất vui và khoe: “Còn khó khăn lắm nhưng được một điều là các em tiếp thu tốt, nhận biết mặt chữ nhanh lắm. Mới chỉ hơn hai tháng mà đã biết hết mặt chữ cái và tập đánh vần được rồi”. Phòng học kế bên là lớp ghép 3C và 4D do cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan làm chủ nhiệm cũng chỉ có sáu học sinh. Chiếc bảng đen được cô Loan kẻ làm đôi. Một bên đang học chính tả và phía bên kia đang học toán.

Thầy Đỗ Văn Sơn, hiệu trưởng Trường Cao Văn Ngọc, cho biết: giáo viên tại điểm Trường Cỏ Ống được thay nhau luân phiên về dạy ở đây theo chu kỳ mỗi năm một lần. Năm nay, hai cô giáo Loan và Tuyền đều tình nguyện về dạy ở Cỏ Ống. Hằng ngày hai cô phải vượt qua quãng đường vất vả đến trường và buổi chiều khi tan học các cô lại trở về nhà ở trung tâm huyện. Tuy vậy, điều này không làm các cô bận tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan, người đã nhiều lần “xoay tua” ở Cỏ Ống, tâm sự: “Chúng tôi sợ nhất là mùa mưa. Mùa mưa ở Côn Đảo dữ dội lắm, có đợt kéo dài cả tuần. Lúc đó lo nhất là học sinh không đến trường được. Để không bị mất tiết học của các em, chúng tôi luôn phải đến từng nhà đón”.

Huyện Côn Đảo có ba trường học gồm cấp I, II và III với gần 1.100 học sinh. Trong đó Trường tiểu học Cao Văn Ngọc có 369 em, học ở 14 lớp (kể cả ba lớp tại điểm Trường Cỏ Ống). Năm học 2005-2006, toàn Côn Đảo có mười học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Chỉ mong các em đến trường

Lớp 1D có hai em nhưng hồi đầu năm còn “bi đát” hơn, đến nỗi tưởng chừng không mở được. Thầy Sơn kể: “Lớp có hai em là Phạm Phương Hạnh và Đào Duy Quý. Nhưng khi vào học, Hạnh được gia đình chuyển em về trường chính học. Như vậy, chỉ còn một học sinh thì không thể lập lớp học được và em Quý sẽ không thể đến trường. Cuối cùng tôi phải đến năn nỉ gia đình để em Hạnh ở lại để Quý cùng được học”. Quý thuộc diện gia đình khó khăn, thế là không những không phải đóng góp bất cứ khoản gì mà em còn được trường cấp cho một học bổng 200.000 đồng, coi như làm chi phí mua sắm sách vở, quần áo mới để nhập học.

Điểm Trường Cỏ Ống được thành lập ngay sau ngày giải phóng. Ban đầu, nhà trường phải nhờ dân trong khu vực dựng nhà tranh vách đất làm lớp học. Mãi đến năm 1995 đồn Công an biên phòng Cỏ Ống rút đi, nhà trường được sắp xếp cho hai phòng học. Năm 2005, Vườn quốc gia Côn Đảo xây dựng trụ sở mới nhường lại thêm hai phòng nữa. Thời điểm đông nhất điểm trường có năm lớp với 45 em theo học. Thầy Đỗ Văn Sơn cho biết: “Số lượng học sinh ở Cỏ Ống đang trong tình trạng giảm dần. Lý do chính là các em trong độ tuổi tới trường ngày một ít và số em khác được cha mẹ cho về học ở trường chính”. Mặt khác, dân số trên đảo luôn trong tình trạng di cư nên các em phải theo bố mẹ, thay đổi trường lớp.

Để động viên giáo viên về dạy tại điểm Trường Cỏ Ống, ngoài tiền lương và phụ cấp hằng tháng, nhà trường còn bao cấp chi phí đi lại, điện nước, chỗ ở… Thầy cô đứng lớp ghép được nhận thêm 50% lương chính. Theo thầy Sơn, để duy trì được điểm trường, hằng tháng phải chi phí hơn 10 triệu đồng cho mấy cô trò. “Tính ra con chữ ở đây đắt nhất nước. Dù vậy thầy cô ở trường vẫn mong mỏi nhất là các em phải được đến trường” - thầy Sơn nói.

VIẾT ĐOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên