19/07/2016 00:01 GMT+7

Lừa xuất khẩu lao động lại hoành hành

QUANG PHƯƠNG (quangphuong@tuoitre.com.vn)
QUANG PHƯƠNG (quangphuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Hàng chục người lao động (NLĐ) vừa đưa đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phản ảnh chuyện đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng lại sập bẫy lừa nên tan cửa nát nhà, lâm vào nợ nần chồng chất.

Vay mươn tiền cho con đi XKLĐ nhưng bị lừa nên bà Nguyễn Thị Kim Phượng hàng ngày đi phụ hồ để kiếm tiền trả nợ - Ảnh: Q.PHƯƠNG
Vay mươn tiền cho con đi XKLĐ nhưng bị lừa nên bà Nguyễn Thị Kim Phượng hàng ngày đi phụ hồ để kiếm tiền trả nợ - Ảnh: Q.PHƯƠNG

Lùa đàn vịt chạy đồng trên những thửa ruộng vừa mới gặt tại Nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ), chàng trai nước da đen sạm ngậm ngùi: “Tài sản của gia đình tôi giờ chỉ còn 500 con vịt chạy đồng này thôi. Nhà cửa bị người ta siết nợ hết rồi. Đăng ký đi XKLĐ nhưng bị lừa giờ tôi phải chăn vịt để kiếm tiền trả nợ”.

Tan nát giấc mơ đổi đời

Tâm sự chua chát đó là của Huỳnh Văn Trưởng Em, 20 tuổi, quê Thoại Sơn, An Giang. Nhà nghèo, Trưởng Em chọn con đường đi XKLĐ với mong muốn đổi đời. Không có tiền đóng phí, gia đình Trưởng Em đã thế chấp căn nhà cấp bốn cùng 3 công đất lấy 70 triệu đồng.

Tháng 6-2015, Trưởng Em lên Sài Gòn tìm đến văn phòng đại diện Công ty CP Atlantic ở Củ Chi đóng cho nơi này tổng cộng gần 70 triệu đồng tiền học tiếng Nhật, ký túc xá và phí xuất cảnh.

Trưởng Em được đưa đến Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản, Q.Thủ Đức, thuộc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom để học. Học xong, Trưởng Em không thấy trung tâm có động thái gì để đưa học viên đi Nhật làm việc.

Sau đó, Trưởng Em cùng các học viên khác kéo nhau đi đòi tiền nhưng... vô vọng. Giám đốc văn phòng đại diện Atlantic Nguyễn Việt Vương, giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản Lương Công Quảng đã bặt vô âm tín (hiện công ty này đã đóng cửa - PV).

Ở tuổi 33, không có nghề nghiệp ổn định nên chị Nguyễn Thị Tuyết Thu ở Q.3 (TP.HCM) chọn con đường đi XKLĐ để gầy dựng tương lai. Chị đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, cũng đóng cho văn phòng đại diện Công ty CP Atlantic. Phát hiện trung tâm lừa đảo và dừng hoạt động, chị gõ cửa khắp nơi để nhờ can thiệp đòi quyền lợi nhưng không có kết quả.

“Bị lừa mất tiền, giờ hằng ngày tôi phải đi làm bán thời gian để có tiền trả lãi ngân hàng hơn 2 triệu đồng/tháng. Tôi sắp hết tuổi đi XKLĐ. Tôi thành con nợ rồi!” - chị Thu nói.

Gia đình Võ Văn Mùi (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) có cha bệnh cột sống, em nhỏ còn đi học, mẹ đi phụ hồ. Thế chấp căn nhà lấy 50 triệu đồng, vay thêm bên ngoài 30 triệu đồng nữa, Mùi đóng tiền cho Atlantic.

Ngược về Long Hồ, chúng tôi tìm đến công trường nơi bà Nguyễn Thị Kim Phượng (43 tuổi, mẹ Mùi) làm phụ hồ. Bà than thở: “Khổ lắm chú ơi! Cứ tưởng nó được đi Nhật, nào ngờ đổ nợ, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến 100 triệu đồng rồi”.

Trước đó, hàng loạt công ty lừa XKLĐ đã xảy ra như Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (Q.Tân Bình, TP.HCM) lừa khoảng 100 học viên. Mỗi người đã đóng cho công ty này từ 1.500-3.000 USD, đến nay quyền lợi của nhiều học viên vẫn chưa được giải quyết.

Tháng 4-2016, một vụ lừa XKLĐ chấn động xảy ra tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Đơn vị lừa NLĐ là văn phòng Công ty cổ phần phát triển quốc tế IDC tại Trảng Bàng do bà Trương Kim Tuyến (quê Tây Ninh) làm đại diện.

Hiện Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ bà Tuyến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức XKLĐ và du học nước ngoài. Tính đến thời điểm bị bắt, bà Tuyến đã lừa đảo 75 trường hợp đến nộp hồ sơ XKLĐ, du học, chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng.

Làm gì khi bị lừa XKLĐ?

Đại diện các công ty XKLĐ (có phép) cho biết các công ty XKLĐ uy tín tư vấn rất rõ ràng lộ trình phỏng vấn và các khoản chi phí. Thông thường NLĐ chỉ đóng một khoản tiền nhỏ (khoảng 10 triệu đồng) gọi là tiền giữ chân tham gia phỏng vấn, phần còn lại khi chuẩn bị xuất cảnh mới đóng.

“Đối với những lao động đã lỡ nộp tiền cho các công ty không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, chúng tôi khuyên NLĐ làm đơn gửi cơ quan công an phường/xã nơi công ty đó đặt trụ sở, kèm theo toàn bộ các giấy tờ chứng minh hành vi vi phạm của công ty đó (giấy biên nhận và bất kỳ loại hợp đồng liên quan nào có đóng dấu của công ty và chữ ký của NLĐ) để cơ quan công an vào cuộc điều tra và xử lý

Ông TỐNG HẢI NAM (phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Giám đốc một công ty XKLĐ chuyên xuất sang thị trường Nhật cho biết thêm đối với thị trường Nhật Bản, các nghiệp đoàn Nhật Bản thường đến Việt Nam tuyển chọn lao động trực tiếp, khi tu nghiệp sinh trúng tuyển, nghiệp đoàn và xí nghiệp tiếp nhận luôn và thông báo thời gian dự kiến xuất cảnh cho tu nghiệp sinh biết và tập trung học tập.

“Vì vậy khi NLĐ đăng ký đi Nhật mà chưa được phỏng vấn hoặc không được phỏng vấn, không được thông báo thời gian xuất cảnh và ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng thì không nên đóng tiền cho các công ty môi giới” - vị giám đốc này khuyên.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết khi nhận được đơn thư khiếu nại của NLĐ về việc các công ty không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tiến hành tuyển chọn, thu tiền của NLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước đều cung cấp thông tin và chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan tới cơ quan công an và chính quyền địa phương để điều tra, xử lý các vi phạm theo đúng quy định.

Trong khi đó, giám đốc một công ty XKLĐ khác tại TP.HCM khuyên khi NLĐ phát hiện bị lừa XKLĐ thì nên liên lạc với lãnh đạo có thẩm quyền cao nhất của công ty để yêu cầu giải quyết, hoàn trả số tiền đã đóng cho công ty. Nếu không được thì NLĐ liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước nhờ cục can thiệp.

NLĐ cũng nên báo với Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi công ty đó trú đóng và báo với công an địa phương để họ nắm được dấu hiệu lừa đảo của đơn vị này và có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề để đưa công ty đó ra khởi tố vì hành vi lừa đảo. Tóm lại nếu ba cơ quan nêu trên phối hợp giải quyết thì quyền lợi NLĐ sẽ được đảm bảo.

Để biết doanh nghiệp nào được phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ nên đến các cơ quan chính thống để tìm hiểu thông tin như Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, hoặc tham khảo danh sách các công ty được phép XKLĐ, thị trường lao động các nước tại trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn, hoặc trang web: www.hotrolaodongngoainuoc.org.

Cầu cứu Bí thư Thăng

Các học viên bị lừa XKLĐ tại Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản đã làm đơn cầu cứu gửi đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng xin cứu xét vì nhiều người trong số họ đang sống trong tình trạng quẫn bách.

Trong đơn có khoảng 40 học viên phản ảnh đã nộp hồ sơ xin tư vấn làm thủ tục XKLĐ tại văn phòng phía Nam Công ty cổ phần Atlantic. Mỗi người đã đóng cho đơn vị này khoảng 70 triệu đồng.

Giám đốc văn phòng này là ông Nguyễn Việt Vương đã ký biên bản thỏa thuận “cam kết nếu vì bất kỳ một lý do khách quan nào mà bên A không thể đưa bên B đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản thì bên A phải thanh toán lại đầy đủ số tiền cọc cho bên B”. Tuy nhiên, khóa học kết thúc hơn một năm mà họ vẫn chờ đợi trong vô vọng.

QUANG PHƯƠNG (quangphuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên