18/06/2013 18:01 GMT+7

Luật đất đai (sửa đổi): Bỏ quy hoạch cấp xã sẽ khó cho dân

 XUÂN LONG thực hiện
 XUÂN LONG thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khải - nguyên vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) - khẳng định dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã sẽ khiến cả cơ quan quản lý và người dân cùng gặp khó khăn.

Đề nghị trưng mua quyền sử dụng đất của dânTránh lợi dụng quy định để thu hồi đất

BpAxnrWw.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Khải - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo ông Khải, khó khăn đầu tiên với người dân là thiếu thông tin về quy hoạch sử dụng đất đối với thửa đất của gia đình. Ông Khải nói thêm:

- Tôi đồng ý cái gốc của việc giao đất, thu hồi đất phải theo quy hoạch. Vấn đề tôi quan tâm chính là chất lượng quy hoạch. Đây là khâu yếu đang diễn ra. Để có chỗ dựa trong thu hồi đất, giao đất, quy hoạch phải chuẩn, nhưng thực tế các quy hoạch thời gian qua có vấn đề. Nói đúng là việc điều chỉnh quy hoạch làm tùy tiện khiến quá trình thực thi lủng củng, có khi quy hoạch vừa công bố đã điều chỉnh, mà điều chỉnh đôi khi vì lợi ích riêng.

Riêng việc xóa bỏ quy hoạch cấp xã, quy định như dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) khiến nhiều ý kiến băn khoăn lắm. Cả Chi hội Khoa học đất (gồm những nhà khoa học và người làm công tác quản lý về lĩnh vực đất đai - PV) đều không đồng tình với dự thảo là bỏ quy hoạch cấp xã.

Luật từ trước tới nay quy định quy hoạch sử dụng đất được làm ở 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đương nhiên trong thời gian qua cả 4 cấp thực hiện chưa tốt. Chi hội Khoa học đất cho rằng trong quy hoạch sử dụng đất 4 cấp, cấp trung ương, tỉnh, huyện chủ yếu phân bố các loại đất, còn quy hoạch có hiệu quả và thiết thực nhất là quy hoạch cấp xã.

* Ý ông là việc bỏ quy hoạch cấp xã là một bước lùi trong làm luật?

"Cá nhân tôi cho rằng có thể áp dụng giải pháp không phải xã nào cũng làm quy hoạch, mà tập trung vào những xã có biến động, những xã ở vùng giáp ranh, những xã nằm trong khu vực tương lai sẽ đô thị hóa, còn những xã ở vùng núi ít biến động thì chưa cần làm".

Ông Nguyễn Khải - nguyên vụ trưởng Vụ Đất đai

- Bỏ là rất dở, nói thụt lùi cũng đúng. Đặc biệt là lý do bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã rất khó thuyết phục. Chúng tôi đã đặt vấn đề này với ban soạn thảo Luật đất đai (sửa đổi) và được trả lời ở cấp xã nhiều quá không làm được. Nếu vì vậy mà bỏ quy hoạch cấp xã chẳng khác nào chuyện học sinh trình độ thấp quá mà hạ thấp giáo trình. Lý do nữa được đưa ra là cấp xã không đủ năng lực làm quy hoạch.

Tôi nói thật là lãnh đạo xã đâu có trực tiếp làm, tất cả các quy hoạch sử dụng đất ở cả cấp huyện, cấp tỉnh đều thuê tư vấn làm chứ đâu có tự làm được. Còn vì lý do kinh phí, cá nhân tôi cho rằng nếu bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã, cả cơ quan quản lý và người dân đều gặp khó khăn, đều bất lợi trong quản lý, sử dụng đất.

Ví như chỉ dừng quy hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, khi hỏi 3,8 triệu ha đất lúa cần bảo vệ nằm ở đâu làm sao mà chỉ đích xác được. Nhưng có quy hoạch cấp xã, còn đủ 3,8 triệu ha hay hao hụt là rõ ra ngay.

* Vậy theo ông, người dân sẽ gặp bất lợi gì khi không có quy hoạch sử dụng đất cấp xã?

- Tôi cho rằng quy hoạch cấp xã mới gắn trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì vậy quy hoạch cần phải tập trung làm chính là cấp xã, còn quy hoạch cấp trung ương, tỉnh, huyện chủ yếu chỉ là phân bố đất đai. Bất lợi ở chỗ người dân xem quy hoạch cấp huyện đâu có hiểu hết, nó rộng quá nên dân cũng không biết đất nhà mình ở đâu, mai sau quy hoạch vào cái gì, muốn biết lại phải nhờ, thế thì đâu còn gọi là công khai để người dân giám sát.

Còn nếu quy hoạch cấp xã được làm có chất lượng, làm xong công khai để dân biết rõ thửa đất nhà mình trong 5-10 năm nữa sẽ là cái gì. Họ nhìn là biết, nếu đất trong vùng quy hoạch làm dự án thì cũng là bước đánh động trong 5-10 năm tới đất đó sẽ bị thu hồi. Làm tốt khâu này cũng là giải quyết một phần tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong thu hồi đất hiện nay.

Tương tự quy hoạch luôn có 2 kỳ, mỗi kỳ 5 năm, như vậy là người dân có tâm thế chủ động về thông tin thu hồi đất nếu vướng vào quy hoạch, đâu có “té ngửa” khi quyết định thu hồi đất được ban hành mới biết như hiện nay.

* Có ý kiến nói nếu làm quy hoạch sử đụng đất cấp xã trên diện rộng sẽ rất tốn kém, theo ông, cần có giải pháp nào để người dân vẫn nắm được thông tin về quy hoạch mà không tốn phí ngân sách?

- Thứ nhất, từ trước tới nay Luật đất đai vẫn quy định quy hoạch sử dụng đất được thực hiện ở 4 cấp, vì vậy tôi và Chi hội Khoa học đất đều kiến nghị phải giữ quy hoạch cấp xã. Cá nhân tôi cho rằng có thể áp dụng giải pháp không phải xã nào cũng làm quy hoạch, mà tập trung vào những xã có biến động, những xã ở vùng giáp ranh, những xã nằm trong khu vực tương lai sẽ đô thị hóa, còn những xã ở vùng núi ít biến động thì chưa cần làm.

Làm được quy hoạch cấp xã chỉ có lợi cho dân, có thể Nhà nước tốn phí cho khoảng 1/3 số xã làm quy hoạch nhưng lợi thì rất lớn, vì đó là tiền đề rõ ràng, công khai về pháp lý cho người dân nắm bắt chính xác tương lai đất nhà mình giữ nguyên hay được quy hoạch vào mục đích khác.

Còn với cơ quan quản lý, nếu quy hoạch này được làm có chất lượng thì tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” cũng giảm, như vậy thì có tốn phí nhưng hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về quản lý và an sinh là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển:

Lồng quy hoạch cấp xã trong quy hoạch cấp huyện

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hiện nay chỉ là lồng ghép quy hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Quy hoạch cấp huyện chúng ta cũng phải làm từ xã lên huyện. Còn tách riêng quy hoạch sử dụng đất cấp xã sẽ phải làm thêm 11.000 quy hoạch ở các xã, về thời gian và nhân lực sẽ không đảm bảo.

Mặt khác cũng có những xã không có biến động nhiều trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nên nếu làm cả 11.000 xã thì rất khó khăn. Do vậy, lần này dự thảo luật đề xuất gộp quy hoạch cấp xã vào quy hoạch cấp huyện để làm. Về chất lượng quy hoạch vẫn phải đảm bảo, những khu vực, những xã có biến động vẫn phải có bản đồ để kiểm soát.

 XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên