07/02/2024 09:44 GMT+7

Lý giải giá USD ‘tự do’ tăng cao cận Tết, có lúc vượt 25.000 đồng

Theo chuyên gia ngân hàng, tỉ giá thường có xu hướng "nóng" hơn vào giai đoạn cận Tết, do nhu cầu về ngoại tệ tăng cao.

Tỉ giá được dự báo sẽ ổn định trong năm 2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tỉ giá được dự báo sẽ ổn định trong năm 2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS-TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), cho biết tỉ giá thường có xu hướng tăng cao hơn cuối năm, do nhu cầu về ngoại tệ tăng cao. 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ giúp ổn định tỉ giá trong thời gian tới.

Tỉ giá có những yếu tố hỗ trợ nào?

Cuối 2023, tỉ giá được kiểm soát ổn định. Nhưng tháng đầu năm 2024, cận Tết nguyên đán, tỉ giá có xu hướng tăng lại, đặc biệt là USD thị trường tự do, có lúc vượt 25.000 đồng. Theo ông, vì sao?

- Tỉ giá có xu hướng tăng trở lại, từ mức 23.866 đồng ngày 30-12-2023 lên mức 24.023 đồng ngày 30-1-2024, tiến gần đỉnh tháng 11 năm ngoái.

Tỉ giá tăng chủ yếu bởi đồng USD tăng giá khi được hỗ trợ bởi tăng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, cũng như sự kỳ vọng nhà đầu tư trước thay đổi trong chính sách ngân hàng trung ương năm 2024.

Sự chênh lệch giữa lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ cũng là yếu tố tác động đến hoạt động đầu cơ giữa hai thị trường, tạo sức ép lên tỉ giá.

Ông Trần Việt Dũng - Ảnh: NVCC

Ông Trần Việt Dũng - Ảnh: NVCC

Tính mùa vụ cũng là một trong những lý giải. Giá USD (đặc biệt là thị trường tự do) thường có xu hướng tăng nhẹ vào giai đoạn cận Tết, do nhu cầu về ngoại tệ tăng cao.

Vậy nếu cả năm 2024, tỉ giá có chịu nhiều áp lực, thưa ông?

- Ngoài các thách thức nêu trên, còn có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ giúp ổn định tỉ giá trong thời gian tới.

Năm 2023 chứng kiến mức tăng mạnh về kiều hối ước đạt 16 tỉ USD, tăng 32% so với 2022. FDI tăng kỷ lục đạt 37 tỉ USD, giải ngân ước đạt 23 tỉ USD.

Tấm đệm dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức trên 100 tỉ đồng. NHNN trong những năm qua đã rất linh hoạt trong điều hành tỉ giá. Do vậy tỉ giá cả năm nay có thể sẽ biến động nhưng biên độ hẹp.

Nợ xấu sẽ tăng cao hơn khi Thông tư 02 hết hiệu lực?

Nhìn rộng hơn, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024 sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

- Thứ nhất, khả năng tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn cần phải chú ý.

Dù tăng mạnh vào tháng cuối năm 2023 nhưng triển vọng 2024 tương đối khó khăn. Chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế đang yếu.

Cần có nhiều cơ chế hơn nữa trong việc kích cầu, nhưng đồng thời cần đảm bảo hướng dòng vốn này tới các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, hệ thống ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng. Thống kê từ 29 NHTM niêm yết, tỉ lệ nợ xấu quý 4-2023 tăng lên mức 3,64%, so với mức 2,24% quý 3-2023.

Tỉ lệ nợ xấu trong năm 2024 dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn, khi Thông tư 02-2023 hết hiệu lực khiến các khoản nợ được tái cơ cấu trong thời gian trước đó trở lại đúng nhóm nợ.

Trong khi nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng thì tỉ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu) ở hầu hết các nhà băng sụt giảm, do lợi nhuận không đạt kế hoạch.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, vốn là nguồn tài sản đảm bảo của phần lớn của khoản nợ chưa cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Điều này khiến cho dư địa để xử lý nợ xấu của các NHTM trong năm 2024 bị thu hẹp đáng kể.

Thứ ba, về điều hành lãi suất. Mặc dù chính sách tiền tệ năm 2024 dự báo tiếp tục nới lỏng, song NHNN vẫn sẽ rất thận trọng trong việc điều chỉnh thêm lãi suất.

Theo ông bao giờ sẽ tăng lãi suất trở lại?

Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều do cần phải tính đến áp lực tỉ giá. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn có thể xuống thấp hơn, giúp tiết giảm chi phí vốn và gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp.

Nếu có tăng lãi suất, tôi cho rằng sẽ diễn ra vào quý 4 khi có nhiều tín hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế hơn. Tất nhiên vấn đề về điều chỉnh lãi suất sẽ phải cân bằng giữa nhiều mục tiêu, chứ không chỉ dựa vào tăng trưởng tín dụng.

Vì sao giá USD ‘chợ đen’ lệch pha?

Theo chuyên gia Chứng khoán KBSV, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉ giá thị trường ‘chợ đen’ diễn biến tương đồng với tỉ giá liên ngân hàng. Mức chênh lệch giảm đáng kể khi khoảng các giá vàng trong nước - quốc tế thu hẹp xuống quanh 10 triệu đồng/ lượng khiến nhu cầu nhập lậu vàng giảm.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng cao trong giai đoạn cuối năm tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới (có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng) kích thích nhu cầu. Điều này khiến tỉ giá chợ đen “lệch pha” với tỉ giá liên ngân hàng.

Trước tình hình đó, ngày 28-12, NHNN đã nhanh chóng có công điện yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng. Giá vàng ngay trong ngày hôm đó giảm từ 3,5 – 5 triệu đồng/lượng. Tỉ giá chợ đen đóng cửa tại 24.770 đồng/USD (tăng 4,2%).
Bà Trương Hoàng Diệp Hương - trưởng nhóm Nghiên cứu các định chế tài chính, Viện nghiên cứu ngân hàng:

Nửa đầu năm 2023, tỉ giá USD/VND dao động trong vùng ổn định. Bước sang quý 3-2023, thị trường chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của tỉ giá. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc ngược pha trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ liên tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt 2 năm vừa qua để kiểm soát lạm phát thì NHNN lại có xu hướng nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất VND-USD âm, kết hợp với việc chỉ số DXY liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây dẫn tới áp lực tỉ giá liên tục gia tăng.

Để đối phó với tình trạng này, NHNN đã điều hành linh hoạt hoạt động mua bán tín phiếu qua hình thức đấu thầu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống cũng như hút bớt thanh khoản ở thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỉ giá.
Giá vàng quay đầu giảm mạnh, ‘nóng’ giá USD thị trường tự doGiá vàng quay đầu giảm mạnh, ‘nóng’ giá USD thị trường tự do

Trong khi giá vàng đi xuống, tỉ giá trên thị trường tự do vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt, vượt mốc 25.000 đồng/USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên