14/01/2022 09:30 GMT+7

M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư đầy hứa hẹn

TRẦN DƯƠNG
TRẦN DƯƠNG

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, thúc đẩy tiềm năng cho M&A lĩnh vực công nghệ số trở thành mảng đầu tư đầy hứa hẹn.

M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022"

Sáng 11-1, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022" tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin - truyền thông; Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư; các chuyên gia kinh kế, cùng đại diện các ngân hàng, tập đoàn kinh tế.

Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, cùng với xu hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, một làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã xuất hiện và được dự báo sẽ còn dâng cao trong những năm tới.

Theo báo cáo của KPMG, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng các thương vụ M&A đã tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch của các thương vụ này đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ có mức tăng trưởng nóng trong khoảng 6 năm gần đây. Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết trước năm 2015 chưa có hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ. Từ giai đoạn 2015-2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như: Công ty cổ phần VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tiki; Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.

Đặc biệt, giai đoạn 2019-2021 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group , FPT mua lại nền tảng quản trị DN Base... Tháng 9-2021, KKR công bố thông tin trở thành nhà đầu tư chính trong vòng đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet cùng sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan - Kasikornbank (KBank).

Cũng theo ông Tuyên, công nghệ số Việt Nam là lĩnh vực có tiềm năng lớn, có khả năng bùng nổ các hoạt động M&A so với các lĩnh vực khác trong tương lai gần. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, sẽ là tiềm năng cho M&A. M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn. Đồng thời, hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Thương mại điện tử đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất. Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới. Tiêu biểu như thương vụ rót 300 triệu USD vào VNPay của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Softbank Vision Fund; thương vụ 100 triệu USD đổ vào Momo từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus; thương vụ VinID tiến hành thâu tóm nền tảng MonPay.

M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư đầy hứa hẹn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Công nghệ Nova Tech - cho biết với NovaGroup chuyển đổi số là chiến lược sống còn của doanh nghiệp. Quy mô nhân sự của Tập đoàn lên tới 40.000 người trong năm 2022, dự kiến tới năm 2025 lên tới 100.000 người. NovaGroup liên tục mở rộng lĩnh vực hoạt động, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ khách hàng. Bởi vậy từ nhiều năm qua doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự. Bên cạnh quản trị trong nội bộ doanh nghiệp, chuyển đổi số còn là công cụ để doanh nghiệp tiếp cận, chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ và quan trọng hơn cả là phương tiện kết nối để doanh nghiệp vươn ra toàn cầu.

Trong đợt dịch bùng phát từ giữa năm 2021, NovaGroup vẫn vận hành trơn tru nhờ quy trình chuyển đổi số sớm được kích hoạt. Với công nghệ số, khoảng cách vật lý không phải là rào cản trong công việc. Công nghệ số giúp doanh nghiệp vận hành và phát triển theo một cách mới, trong một không gian mới.

Để nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, Nova Tech lấy chiến lược M&A làm trọng tâm. Nova Tech tìm kiếm các doanh nghiệp công nghệ thông tin có khả năng hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, doanh nghiệp thực hiện những ý tưởng công nghệ sáng tạo và thực tế; doanh nghiệp có sự phát triển, định hình rõ ràng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có tiềm năng về kinh doanh để phát triển vững mạnh và lớn mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm để Nova Tech có thể tiến dài và nhanh. Bằng cách phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đảm bảo giá trị cốt lõi Hiệu quả - Chính trực - Chuyên nghiệp, Nova Tech sẽ nhanh chóng trở thành Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.

M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư đầy hứa hẹn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech (thành viên của NovaGroup)

TRẦN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên