12/07/2019 18:06 GMT+7

'Ma men' và nỗi đau sau những vụ tai nạn giao thông

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Mỗi năm, hàng ngàn vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là bia, rượu. Vụ tai nạn qua đi, nhưng nỗi đau mất mát còn mãi đối với gia đình, xã hội. Nhiều “ma men” ngậm ngùi tiếc nuối cũng đã muộn màng…

Ma men và nỗi đau sau những vụ tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Hiện trường một vụ tai nạn do tài xế container say rượu gây ra trên quốc lộ 1, tỉnh Long An - Ảnh: TTO

Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã gieo những "án tử" không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình.

Nhiều người buổi sáng ra khỏi nhà với bao dự định còn ấp ủ, nhưng rồi họ mãi mãi không quay về nhà được nữa.

Những "án tử" không hẹn trước 

Chúng tôi tháp tùng Ban An toàn giao thông TP.HCM đến thăm và hỗ trợ gia đình bà N.T.R. tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Cách đây ít lâu, chồng bà R. bị xe container tông khi đang trên đường đi làm về. Vụ tai nạn khiến ông N.V.H. mất mạng, nguyên nhân được xác định là do tài xế đã uống rượu bia, lái xe trong trạng thái không tỉnh táo. 

Ma men và nỗi đau sau những vụ tai nạn giao thông - Ảnh 2.

Ban An toàn giao thông TP.HCM trao nhà tình thương cho gia đình bị tai nạn giao thông - Ảnh: T.D

Lãnh đạo địa phương cho biết cả chục năm qua, bà R. đau ốm liên miên, một mình ông H. gồng gánh lo cho vợ, các con. Giờ đây, khi các con đã trưởng thành và có gia đình riêng thì ông H. lại mất vì tai nạn, để lại bà R. đã 71 tuổi và không còn đủ khả năng lao động.

Từ ngày ông H. mất, bà R. thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ dột nát, chi phí sinh hoạt mỗi ngày dựa vào vài trăm ngàn tiền hỗ trợ của địa phương. Con cái bà thì ở quá xa và đều thuộc diện khó khăn nên cũng không đỡ đần bà R. được gì. 

"Tụi nó cũng khổ lắm, đứa thì làm phụ hồ, đứa thì mua ve chai. Nó lo cho con nó còn không nổi sao lo được cho mẹ già", bà R. nói. 

Chúng tôi hỏi về ông H., bà R vội lấy bức hình hai vợ chồng bà chụp chung hồi ông còn sống ra khoe. "Hồi còn sống, ổng cưng tui lắm!", nói rồi, bà lấy tay vuốt vuốt tấm hình, nước mắt tràn ra. 

Bà R. nghẹn ngào: "Ổng hiền lắm, làm bảo vệ trên khu công nghiệp kiếm tiền nuôi tui. Bữa đó, ổng dắt xe đạp ra đi làm còn hẹn tối về sớm ăn cơm, vậy mà ổng không về nữa. Chiều đó, tui chờ quài không nghe tiếng xe ổng cót két như mọi khi. Trong dạ bồn chồn, tui ra cửa ngồi ngóng. Đâu chừng 7 giờ tối, người ta tới báo là ổng bị xe tải đụng, nghe nói tài xế say rượu. Vậy là ổng cứ thế mà đi...".

May mắn hơn ông H., chị N.T.N.N. (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) sống sót sau một vụ tai nạn nhưng bị tàn phế, đôi chân mãi mãi không còn đứng dậy được. Trước khi bị tai nạn, chị N. là một công nhân dệt may có một mái ấm nhỏ hạnh phúc với chồng và đứa con trai nhỏ 3 tuổi. 

Năm 2016, chị đang đi làm về trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) thì bị một xe tải chạy ào qua, kéo luôn chị đi một quãng đường dài. Lúc đó tầm 17h30, đường rất đông người qua lại nên chị được đưa đi cấp cứu kịp thời. Dù giữ được mạng sống, nhưng chị phải sống cảnh tàn tật và không còn khả năng lao động nữa.

Trớ trêu hơn, ít lâu sau, chồng chị H. cũng bỏ nhà đi để lại chị và con nhỏ.

"Đối với một người mới tròn 30 tuổi như tôi thì tàn phế còn hơn một án tử. Hai năm liền sau tai nạn, tôi rơi vào trầm cảm, mặc cảm không dám tiếp xúc với bất kỳ ai. Bi kịch dồn bi kịch. Lắm lúc, tôi chỉ muốn tự tử chết đi, chứ không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ thêm ngày nào nữa", chị nói. 

Nhờ sự động viên, yêu thương của cha mẹ, chị N. đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Giờ đây, chị N. may gia công tại nhà và nuôi con nhỏ. Nhắc đến vụ tai nạn, chị N. không còn thù hận người tài xế kia nữa, mà chị chỉ giận anh ta. Người lái xe tải tông vào chị đã lái xe trong lúc say xỉn. Anh ta không tông vào chị thì chắc cũng sẽ tông vào người khác.

Sự hối hận muộn màng

"Sau vụ tai nạn, người tài xế kia nhiều lần liên hệ xin gặp tôi và gia đình tôi để xin lỗi. Ngồi đối diện người đã gây tai nạn cho mình, tôi chỉ hỏi anh ta "Vì sao uống rượu rồi còn lái xe ra đường để gieo tai họa cho người khác? Anh có tưởng tượng đó là người thân của anh thì anh sẽ ra sao không?". Anh ta chỉ biết cuối đầu, trong mắt ánh lên sự ân hận muộn màng", chị N. kể lại. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh V. - một tài xế container từng gây ra tai nạn giao thông do đã uống rượu bia trên Xa lộ Hà Nội (quận 2) - nói chỉ vì một phút ham vui mà anh đã cướp đi sinh mạng một cụ già 70 tuổi. Hình ảnh cụ già nằm trước bánh xe tải của anh đã ám ảnh anh suốt 5 năm nay. 

Mặc dù đã chủ động bán hết của cải trong nhà để bồi thường cho gia đình nạn nhân 200 triệu, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật, anh V. vẫn ray rứt khôn nguôi. Mấy năm qua, anh không còn dám động tới một giọt bia, rượu nào nữa. Anh cũng vận động, cảnh báo nhiều tài xế khác khi nhìn thấy họ uống rượu bia để có thể góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.

Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia - cho hay thời gian gần đây có tới 65-70% các vụ tai nạn mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy tỉ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 40%.

Để khắc phục những vấn nạn do rượu bia gây ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên toàn quốc.

Theo ông Hùng, đừng đợi đến lúc bị pháp luật chế tài, mỗi người dân khi ra đường cần có ý thức tuân thủ pháp luật, tạo dựng thói quen giao thông văn minh để vừa bảo vệ an toàn tính mạng chính mình, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Hãy tham gia chương trình "Chuyến xe văn minh" do Tuổi Trẻ phối hợp các sở ngành TP.HCM phát động với sự đồng hành của Grab để cùng nhau nâng cao ý thức cộng đồng và lan tỏa những hành vi đẹp khi tham gia giao thông, giảm thiểu những câu chuyện buồn và những hậu quả không mong muốn như các trường hợp ở trên.

Không những thế, bạn còn có thể chung tay trao tặng nón bảo hiểm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn qua 2 hình thức đơn giản sau:

• Cách 1: Lan tỏa câu chuyện việc tốt:

1. Nhấn thích hoặc chia sẻ các bài viết về "Chuyến xe văn minh".

2. Thay đổi khung chương trình "Chuyến xe văn minh" cho ảnh đại diện.

3. Đồng ý tham gia lan tỏa câu chuyện việc tốt.

• Cách 2: Gởi bài viết/hình ảnh/video về câu chuyện văn minh giao thông mà bạn chứng kiến:

1. Truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn và gửi bài/hình ảnh/video theo hướng dẫn.

2. Tham gia từ Facebook cá nhân: đăng tải câu chuyện/ảnh chụp /video mà mình chứng kiến và quan sát được lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai và gắn kèm hashtag #chuyenxevanminh.

3. Gửi đến email của chương trình tại địa chỉ chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn

Đặc biệt, khi tham gia chương trình theo cách 2, bạn sẽ có cơ hội được nhận quà tặng hằng tuần có giá trị 1 triệu đồng. Xem thêm thông tin tại http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn

Báo Tuổi Trẻ cùng các sở ngành khởi hành Báo Tuổi Trẻ cùng các sở ngành khởi hành 'Chuyến xe văn minh'

TTO - Sáng 25-5, tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với với các sở ngành TP.HCM phát động chương trình “Chuyến xe văn minh” kêu gọi cộng đồng xây dựng hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông trên đường phố.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên