18/07/2016 06:00 GMT+7

Đường thông thoáng thì xe máy nào đua lên vỉa hè

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Nhiều ý kiến bất bình xung quanh chuyện xe máy phóng lên vỉa hè để đi. Tại sao TP.HCM luôn xảy ra việc này, do ý thức kém hay do không có đường để đi?

Đá granit lót trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Hữu Khoa

Vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều người phản đối cho rằng việc chạy xe máy lên vỉa hè không những nguy hiểm cho người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị mà còn thể hiện ý thức kém và góp phần làm hư vỉa hè.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng nếu xe máy có đường để chạy thì không ai đi lên vỉa hè làm gì.

Vỉa hè đâu thiết kế dành cho xe máy

Nhiều người vẫn cho rằng việc đi xe máy lên vỉa hè để tránh kẹt xe là thiếu văn hóa và vi phạm luật giao thông.

Một số ý kiến cho rằng vỉa hè không thiết kế dành riêng cho xe máy, gạch lát vỉa hè chỉ chịu tải trọng của người đi bộ, không chịu nổi cảnh xe chạy “ầm ầm”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng văn hóa chạy xe lên vỉa hè là vô cùng xấu nhưng việc vỉa hè hỏng thì cần phải xem lại quá trình thi công và vật tư chứ không thể chỉ trách do xe máy.

Một bạn đọc bức xúc: “Nhiều lần tôi nhìn thấy xe máy không thèm chờ đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Du và Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà vô tư phi lên vỉa hè dành cho người đi bộ, trong đó có rất nhiều khách du lịch. Đúng là xấu hổ với người nước ngoài, thiếu văn hóa trên đường phố”.

Chưa có biện pháp hạn chế hiệu quả

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Theo ông Xuân Mai, việc người dân chạy xe lên vỉa hè gây mất an toàn cho cả người đi bộ lẫn người đi xe.

“Nước ta chưa có hình thức nào hiệu quả để hạn chế việc người dân tự do thoải mái chạy xe lên vỉa hè, chỉ đặt biển cấm, giáo dục tuyên truyền thì chưa đủ mà còn cần xử phạt nặng.

Ngoài ra, một hình thức hạn chế tôi thấy được áp dụng rất hay ở các nước trên thế giới và tại một số con đường ở TP.HCM (như đường Lê Duẩn) là trồng những cột thép dọc vỉa hè để chặn xe máy” - PGS.TS Phạm Xuân Mai nói.

Cột thép chặn dòng xe lên vỉa hè - Ảnh Journey in Life.

Cột thép chặn dòng xe lên vỉa hè - Ảnh Journey in Life

Điều này cũng tác động đến tâm lý của người đi xe vì khi vỉa hè cao thì việc chạy xe lên xuống sẽ cảm thấy không an toàn.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đinh Vinh Mẫn (Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - ĐH Việt Đức), nhiều vỉa hè được thiết kế cao với mục tiêu là ngăn không cho xe chạy lên.

KTS Trương Nam Thuận - Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, chỉ ra một thực tế rằng các vỉa hè ở TP.HCM thực chất không dành cho người đi bộ, thứ nhất là vì quá nhỏ, thứ hai là bị chiếm dụng bởi các công trình nhà phố và thương mại.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người đi bộ mà còn ảnh hưởng đến cả lưu lượng giao thông của xe hai bánh.

“Chưa thể so sánh việc phát triển đô thị của chúng ta với các nước khác, vì họ đã có hệ thống quy hoạch khá bài bản. Tuy nhiên, để tiếp ứng sự phát triển của những đô thị trên thế giới thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải thiết kế lại hệ thống vỉa hè dành riêng cho người đi bộ” - KTS Trương Nam Thuận nói.

Phải giải quyết tình trạng quy hoạch giao thông chưa hợp lý

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM), xét về ý thức tham gia giao thông và mỹ quan đô thị, việc người chạy xe máy lên vỉa hè là phạm luật và rất phản cảm.

Chưa kể đến những nguy hiểm có thể xảy ra với người đi bộ, tình trạng hỗn loạn trong giờ cao điểm trên đường phố và những nguy hại đối với cơ sở hạ tầng của các vỉa hè.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng thực tế kẹt xe ngày càng nghiêm trọng của thành phố là nguyên nhân chính dẫn đến việc này.

“Tôi đã từng chứng kiến trong giờ cao điểm, khi xảy ra kẹt xe kéo dài, chính cảnh sát giao thông đã phải hướng dẫn người dân chạy xe máy lên vỉa hè để giải phóng nhanh điểm kẹt xe.

Không phủ nhận rằng đi xe máy trên vỉa hè là sai luật vì chức năng của vỉa hè không dành cho xe máy, nhưng trong những tình huống cụ thể như kẹt xe, việc linh hoạt cho xe máy di chuyển trên vỉa hè có thể là cần thiết để giải tỏa vấn nạn kẹt xe kéo dài diễn ra hằng ngày trong thành phố của chúng ta” - TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.

Mặt khác, tỉ lệ người đi bộ ở TP rất ít so với người đi xe máy (6 triệu xe máy/10 triệu dân - trung bình 2 người/1 xe máy).

Để giải quyết căn bản vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, chính yếu vẫn là giải quyết được mật độ lưu thông của xe máy trên mặt đường.

Ở nước ngoài, người đi bộ được ưu tiên số một nhưng ở VN, điều này thật sự rất khó.

Khó bởi ý thức người dân chưa cao chỉ là một phần, phần trọng yếu vẫn là điều kiện lưu thông quá hạn chế và luật giao thông chưa được thực hiện nghiêm minh.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên

Đồng tình với ý kiến trên, KTS Trương Nam Thuận nêu lên một thực tế là hệ thống giao thông ở VN, đặc biệt là TP.HCM, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện hữu.

Tuy nhiên theo ông Trương Nam Thuận, về lâu dài cũng cần có những biện pháp hạn chế để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Không thể giải quyết phần ngọn của vấn đề khi phần gốc vẫn còn bỏ ngỏ. 

Vấn đề nằm ở việc quy hoạch hệ thống đường dành riêng cho xe hai bánh, làm sao để phần đường dành cho xe hai bánh không bị lấn chiếm bởi xe bốn bánh và những phương tiện cơ giới khác.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> KTS Trương Nam Thuận:

>> TS Nguyễn Hữu Nguyên: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục