07/01/2020 21:56 GMT+7

Máy đo chất lượng không khí đặt ngay trường học giúp thay đổi nhận thức học sinh

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Đây là chia sẻ của cô Đinh Thị Thiên Ân - hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa - tại tọa đàm về ô nhiễm không khí sau gần 3 tháng lắp đặt máy đo chất lượng không khí ở trường, diễn ra ngày 7-1 tại Trung tâm Hoa Kỳ.

Máy đo chất lượng không khí đặt ngay trường học giúp thay đổi nhận thức học sinh - Ảnh 1.

Từ trái sang: người dẫn chương trình, cô Đinh Thị Thiên Ân - hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa, ông Phan Trung Minh Tuệ - điều phối viên chương trình, Tổ chức CHANGE và bà Marianne Oehlers, trưởng văn phòng hợp tác Chương trình UNICEF Việt Nam - Ảnh: HỒNG VÂN

Theo cô Ân, sau khi lắp máy đo chất lượng không khí, đến nay các thầy cô giáo và học sinh của Trường THCS Thanh Đa đã đọc được các chỉ số CO2, bụi siêu mịn PM2,5, độ ẩm.

Trong sự bất ngờ của nhiều người, vốn tin tưởng bán đảo Thanh Đa trong lành hơn các nơi khác trong thành phố, nhưng chỉ số của máy cho thấy ô nhiễm không khí nơi đây thường xuyên cao hơn chỉ số tại các trạm đo khác. Từ 6-8h và 11-13h là ô nhiễm có thể lên đến mức đỏ (từ 151-200: mức không lành mạnh), các khoảng thời gian khác chỉ số ô nhiễm thấp hơn.

Từ đây, nhận thức của học sinh thay đổi rõ rệt, các em quan tâm đến phân loại rác, bỏ rác đúng chỗ, hạn chế xả rác, duy trì mảng xanh của nhà trường. Học sinh cũng chủ động mang khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

"Tôi thấy những hành động này rất dễ thương, các em trưởng thành và biết quan tâm đến mọi người và môi trường khi có hiểu biết tốt hơn về ô nhiễm không khí", cô Ân cho biết.

10 máy đo chất lượng không khí (do Lãnh sự quán Mỹ tặng) và 3 cặp cảm biến chất lượng không khí (do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tặng) được đặt tại các quận huyện 2, 3, 7, 9, Bình Thạnh, Hóc Môn, Phú Nhuận, Gò Vấp ở các trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, bảo trợ trẻ và Trường đại học RMIT ở TP.HCM.

Việc lắp đặt 13 trạm đo chất lượng không khí nhằm tăng số lượng trạm đo chất lượng không khí, cung cấp thêm thông tin/chỉ số đầu vào về chất lượng không khí trong bối cảnh TP.HCM còn thiếu các chỉ số về chất lượng không khí, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, nâng cao nhận thức của trẻ em, thanh niên, giáo viên và phụ huynh về ô nhiễm không khí, khuyến khích sự tham gia của trẻ trong việc giải quyết những thách thức ở đô thị.

Các máy đo chất lượng không khí ngoài trời được mua của Hãng Air Visual, đơn vị có ứng dụng cung cấp thông tin về chất lượng không khí phổ biến hàng đầu thế giới.

Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, theo bà Marianne Oehlers - trưởng văn phòng hợp tác Chương trình UNICEF Việt Nam, người dân và chính quyền địa phương có giải pháp thích nghi hoặc cải thiện tình hình.

"Chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực. UNICEF sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở mức độ cộng đồng, với các đối tác là các cấp chính quyền, các sở ban ngành như giáo dục - đào tạo, giao thông, các tổ chức khác nhau để nâng cao nhận thức của người trẻ và hi vọng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực về tổng thể trong tương lai".

Phải có hành động cấp bách với ô nhiễm không khí Phải có hành động cấp bách với ô nhiễm không khí

TTO - Khi những đợt ô nhiễm không khí xảy ra với tần suất dày hơn về số đợt, dài hơn về số ngày, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn về cấp độ, lại thêm những câu hỏi chính quyền, cơ quan quản lý đã có những hành động gì mang tính cấp bách để ứng phó?

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên