10/12/2021 10:00 GMT+7

MB cùng doanh nghiệp và cộng đồng phục hồi kinh tế, đời sống xã hội

V.C
V.C

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã và đang thực hiện những giải pháp thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp và cộng đồng vượt qua những khó khăn do đại dịch, từng bước phục hồi kinh tế, đời sống xã hội.

MB cùng doanh nghiệp và cộng đồng phục hồi kinh tế, đời sống xã hội - Ảnh 1.

Ngân hàng chủ động giảm lãi suất vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do COVID-19

Hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất vay

Đại dịch đã có những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong suốt 2 năm 2020-2021. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Mức lãi suất được đánh giá là thấp nhất kể từ nhiều năm trở lại đây.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ ngày 23-1-2020, thời điểm bắt đầu xảy ra dịch COVID-19, đến cuối tháng 9-2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã cắt giảm để hỗ trợ khách hàng khoảng 27 nghìn tỉ đồng. Các ngân hàng đã cho 800 nghìn khách hàng vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch trên 5,2 triệu tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng.

Là 1 trong 16 ngân hàng TMCP đồng thuận giảm lãi suất theo Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, MB dự toán giảm 1.000 tỉ đồng tiền lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của COVID-19 và thực hiện gia hạn nợ gốc để giúp khách hàng có thêm trợ lực đi qua khó khăn từ tháng 7 đến cuối năm.

Theo đó, đến cuối tháng 8-2021, MB đã giảm 700 tỉ đồng tiền lãi. Số tiền còn lại sẽ được tiếp tục giảm cho đến hết năm. Đối với lãi suất hỗ trợ khách hàng, ngân hàng cũng giảm từ 0,5-1,5 tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. 

Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỉ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân được hưởng chính sách giảm. Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ mới cũng được giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mức lại suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với biểu lãi suất thông thường trước đây.

Những động thái kịp thời của ngành ngân hàng nói chung và MB nói riêng là những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để góp phần giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm trợ lực để phục hồi sau những biến động do đại dịch.

Góp phần lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái"

Không chỉ đồng hành cùng các khách hàng phục hồi tài chính sau dịch, MB còn đồng hành trong công tác thiện nguyện để hỗ trợ cộng đồng vượt qua những khó khăn, dần thích ứng với cuộc sống "bình thường mới". 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, ngân hàng này đã ủng hộ hơn 200 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch của Chính phủ, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu thiết bị y tế thiết yếu để chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID và ủng hộ cho nhiều địa phương trong cả nước trong công tác phòng chống dịch.

Song song đó, để góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong công tác thiện nguyện, tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ của xã hội đối với hoạt động từ thiện, nhất là trong bối cảnh COVID-19, MB đã phát triển giải pháp công nghệ tích hợp Thiện nguyện gồm 3 cấu phần: Tài khoản ngân hàng thiện nguyện, ứng dụng Thiện Nguyện và website https://thiennguyen.app.

MB cùng doanh nghiệp và cộng đồng phục hồi kinh tế, đời sống xã hội - Ảnh 2.

Được triển khai thí điểm từ 15-9-2021 đến nay, tài khoản thiện nguyện đã cung cấp tài khoản chuyên dùng cho 150 cá nhân vận động ủng hộ, các chủ nhiệm câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện trên toàn quốc

Cụ thể, các cá nhân, câu lạc bộ gây quỹ Thiện nguyện dễ dàng kêu gọi ủng hộ, cung cấp thông tin mà không cần sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân. Người gây quỹ dễ dàng mở "Tài khoản thiện nguyện" do ngân hàng phát hành miễn phí. 

Tài khoản gồm 4 số dễ nhớ, mở dễ dàng trên nền tảng trực tuyến; đặc biệt, được tích hợp tính năng tự động công khai, minh bạch số dư tài khoản và toàn bộ giao dịch theo thời gian thực tế. Người ủng hộ cũng có thể chủ động theo dõi mọi nguồn thu chi theo ngày, dưới dạng biểu đồ giao dịch của tài khoản gây quỹ.

Thành viên Ban điều hành - Giám đốc Khối ngân hàng số Vũ Thành Trung cho biết: "Với giải pháp thiện nguyện trên nền tảng số, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần củng cố lòng tin của cộng đồng về công tác thiện nguyện đồng thời sẽ lan tỏa hơn nữa tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Ngân hàng cũng đang nâng cấp thêm những tính năng mới để giải pháp càng thân thiện hơn với người dùng".

Tính đến nay, ứng dụng thiện nguyện cũng được cộng đồng ủng hộ với gần 3.000 tài khoản người dùng, với hơn 7.000 lượt ủng hộ trị giá trên 8 tỉ đồng cho gần 50 mục tiêu, chiến dịch được phát động hướng đến nhiều đối tượng thụ hưởng khác nhau.

Tài khoản và ứng dụng thiện nguyện đáp ứng đúng 100% qui định tại Nghị định 93 NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện có hiệu lực từ ngày 11.12.2021. Nghị định ghi rõ các cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lí toàn bộ tiền đóng góp.

Đăng kí mở tài khoản thiện nguyện và theo dõi các chiến dịch trên App Thiện Nguyện tại : http://onelink.to/37gnyt

V.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên