07/06/2020 09:35 GMT+7

Mẹ con dìu nhau đến cuối cuộc đời

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Hai mẹ con bằng tình yêu thương đã dìu nhau đi đến cuối cuộc đời. Mẹ 92 tuổi, ngày xưa làm quần quật nuôi con. Con giờ 69 tuổi, ngày ngày vẫn mưu sinh nuôi mẹ già.

Mẹ con dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 1.

Hai mẹ con cụ Lót quấn quýt bên nhau - Ảnh: MINH TÂM

Một ngày như mọi ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, bà Đặng Thị Hai (sống tại thành phố Cần Thơ) lui cui đun nước sôi pha sữa cho mẹ - cụ Trần Thị Lót uống. Sau đó, bà Hai đi chợ, rồi quay về với vài con cá sặc và vài con tôm lóng nhẹ tênh trên tay.

69 năm mẹ con hủ hỉ có nhau, vui buồn gì cũng kể cho nhau nghe. Giờ hai mẹ con đều ở cái tuổi không còn bao lâu nữa. Nên tôi lo là khi tôi có mệnh hệ gì, chỉ sợ con sống thui thủi, cô quạnh một mình.

Cụ Trần Thị Lót

Mẹ - con như khúc ruột không rời

Một lát, bà lại bươn bả cầm giỏ đi hái rau dại trong vườn người thân cách nhà khoảng 3km. "Mỗi ngày dì đều đến đây hái rau để chiều đem ra chợ bán kiếm khoảng 50.000 đồng/ngày. Hai mẹ con ăn uống chẳng là bao, nên với số tiền đó gói ghém sống cũng đủ. May nhờ em họ thương tình cho hái rau này, chứ già rồi không thể đi gặt lúa thuê như hồi còn trẻ" - bà Hai chia sẻ.

Hái đến gần 10h, bà vội về nhà. Dù đã thấm mệt, trán nhễ nhại mồ hôi, lưng như còng thêm xuống, bà vẫn tất tả vào bếp nấu cơm trưa bởi sợ mẹ đói. 

Cá sặc với tôm lóng kho sệt. Phần bà ăn chay nên gọn lỏn: rau muống luộc, xoài hái trong vườn chấm nước tương. Nấu xong, bà dọn lên bàn, vài cái chén nhỏ, bên mặn của mẹ, bên chay của bà. 

Trong khi ăn, bà luôn tay rẽ xương gắp cá, bỏ vào chén cho mẹ, bởi mắt cụ mờ nếu không rẽ thức ăn cho cụ thì cụ sẽ mắc xương. 

Cụ Lót nói: "Tôi chỉ thích cá sặc, cá lòng tong nên con chiều theo để tui ăn ngon miệng, chứ ăn cá lóc, cá trê thì ít xương hơn nhiều".

Sau khi cụ Lót ngủ trưa thức dậy, bà lại ngồi giã trầu cho mẹ ăn. Rồi hai mẹ con rủ rỉ rù rì chuyện xưa nay. Khoảng 15h30, bà đẩy xe chở rau đã hái hồi sáng đi bán. 

Bà tâm sự hổng biết sao, mặc dù buôn bán mấy chục năm trời nhưng mỗi lần bỏ mẹ ở nhà một mình đi bán là hàng dọc những rủi ro xuất hiện trong đầu bà: sợ cụ buồn một mình đi ra sân, đôi mắt mờ, đôi chân lại yếu ớt, đi đứng lỡ vấp té; sợ cụ thấy con đi bán lâu quá chưa về rồi lo lắng lên huyết áp. Và bà cứ phập phồng lo đến hết buổi chợ chiều.

Về đến nhà, y như bà dự đoán, cụ Lót ngồi trước thềm hướng cái nhìn khắc khoải, chờ đợi, lo lắng về phía cửa. Nghe tiếng con, cụ nói bằng giọng mừng rỡ: "Hai đấy à! Nãy giờ mẹ hơi lo, xe cộ đầy đường, trong khi con lớn tuổi rồi, đi đứng, tránh né chậm chạp". Nghe vậy, mắt người con ngập đầy nước.

Mẹ con dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 3.

“Mỗi ngày mẹ con chúng ta sống với nhau là mỗi ngày hạnh phúc” - bà Hai nói - Ảnh: MINH TÂM

"Mỗi ngày sống với nhau là mỗi ngày hạnh phúc"

Cụ Lót lập gia đình năm 24 tuổi, nhưng tình duyên không tròn khiến cụ và chồng chia tay. Từ đó, cụ vất vả gồng gánh nuôi con. Thấy cụ hiền lành, siêng năng nên không ít người ngỏ lời dạm hỏi, nhưng cụ đều lắc đầu từ chối bởi sợ cảnh con bị cha dượng ngược đãi.

Phần bà Hai từ nhỏ đã biết giúp mẹ trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. 12 tuổi, bà lẽo đẽo theo mẹ mót lúa, rồi đi cấy thuê. Nhịp sống của hai mẹ con chầm chậm trôi đi trong vất vả nhưng ấm áp. 

Rồi khi con dần lớn lên cũng là lúc mẹ già đi, con thay mẹ trở thành trụ cột gia đình, làm đủ việc: đi đào hang bắt cua, bắt ốc, hái rau bán nuôi hai mẹ con. 

Nhiều chàng trai thấy bà Hai giỏi giang, hiếu thảo lại xinh đẹp nên cậy mai mối đến hỏi cưới, nhưng bà từ chối bởi sợ có gia đình sẽ vướng bận chuyện chồng con, chăm sóc mẹ không chu đáo.

Bằng tình yêu, mẹ con họ dìu nhau qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Và ở buổi tàn niên, khi hai mái đầu bạc trắng như nhau, tình mẹ con càng đậm sâu yêu thương quấn quýt như lời tâm sự của cụ Lót: "69 năm mẹ con hủ hỉ có nhau, chuyện vui buồn gì cũng kể cho nhau nghe. 

Giờ hai mẹ con đều ở cái tuổi không còn bao lâu nữa. Nên tôi lo khi tôi có mệnh hệ gì, chỉ sợ con sống thui thủi, cô quạnh một mình".

Bà Hai nắm chặt bàn tay gầy guộc của mẹ, trấn an: "Cuộc sống vô thường, không sao biết được, giờ mỗi ngày mẹ con chúng ta sống với nhau là mỗi ngày hạnh phúc. Mình cứ quý cái hạnh phúc thực tại đi, để sau này mẹ con mình không ai hối hận".

Nghe vậy, cụ Lót cười khiến khuôn mặt đầy nếp nhăn giãn ra viên mãn, cũng là để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

​Cụ già mưu sinh nuôi mẹ ​Cụ già mưu sinh nuôi mẹ

TT - Bà Nguyễn Thị Tâm quê ở Nghệ An, tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn nuôi mẹ già gần trăm tuổi ở quê.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên