Mô hình bí thư kiêm chủ tịch

ĐÀ TRANG 12/06/2004 22:06 GMT+7

TTCN - Cải cách hành chính, công tác cán bộ luôn là đề tài nung nấu người đại biểu Quốc hội (QH) - Bí thư Tỉnh ủy Long An Lê Thanh Long. Bên hành lang QH, ông đã dành cho TTCN một cuộc trao đổi thú vị.

Phóng to
TTCN - Cải cách hành chính, công tác cán bộ luôn là đề tài nung nấu người đại biểu Quốc hội (QH) - Bí thư Tỉnh ủy Long An Lê Thanh Long. Bên hành lang QH, ông đã dành cho TTCN một cuộc trao đổi thú vị.

- Kết quả cải cách hành chính đã có được một bước tiến bộ nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém. Công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, sơ hở. Chúng ta phải tìm cho được nguyên nhân để khắc phục, chứ gần đây tôi thấy có một điều lạ là cái gì không quản lý được thì... cấm. Giao thông ùn tắc - cấm đăng ký xe máy (mỗi người chỉ được một xe), rồi định cấm xe ngoại tỉnh vào thành phố. Hay chuyện đề nghị cấm kinh doanh karaoke, dù nó là loại hình giải trí, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của người dân. Vấn đề ở chỗ, cấm không phải là biện pháp tốt nhất.

* Ông muốn nói biện pháp cấm chính là biểu hiện của sự bất lực trong công tác quản lý nhà nước?

- Đúng! Khâu quản lý kém xuất phát từ chất lượng đội ngũ cán bộ. Ở các nước, những vị trí dân cử có thể thay đổi nhưng cán bộ, chuyên viên các cơ quan nhà nước thì phải chuyên nghiệp, có nghề và được đào tạo bài bản. Còn ở ta các chức danh quản lý nhà nước như trưởng ấp, chủ tịch, phó chủ tịch xã, huyện, tỉnh... chưa được coi là một nghề. Tôi cho rằng bây giờ phải thay đổi.

* Thay đổi thế nào, thưa ông?

- Chúng ta phải xem các chức danh quản lý nhà nước là một nghề. Mà đã là nghề thì phải có trường chuyên đào tạo. Cán bộ nhà nước ngoài cái tâm, phẩm chất, đạo đức, còn phải rành nghề mới quản lý tốt được. Giống như nghề y không thể không qua đào tạo mà khám chữa bệnh cho người, như nghề lái xe cũng mất sáu tháng đào tạo mới được cầm lái...

Ở chế độ Sài Gòn trước đây, các trưởng ấp được đưa đi Vũng Tàu đào tạo ba tháng, các xã trưởng được đào tạo cả năm. Còn quận trưởng thì: học sinh học xong tú tài đôi (tương đương THPT hiện nay) thi đỗ vô đại học quốc gia hành chính để được đào tạo năm năm, mới được bổ nhiệm. Các khóa này chủ yếu đào tạo về kỹ năng quản lý hành chính, về thủ tục hành chính, luật pháp... Các chức danh này được đào tạo chính qui, đàng hoàng, ra trường biết việc mình phải làm ngay.

* Theo ông, do các chức danh quản lý hiện nay không được đào tạo cho nên không làm tốt được công việc Nhà nước giao phó?

- Đúng là đội ngũ cán bộ của ta không được đào tạo căn cơ nên khi xem xét bổ nhiệm chọn không đúng người hoặc chọn đúng người mà không đúng việc. Có người làm bí thư được nhưng không làm chủ tịch được vì không rành nghề, nhưng do kẹt nhân sự quá nên đành “đưa sang” trong khi đây là hai vị trí có nhiệm vụ khác nhau và hệ thống dọc khác nhau. Chế độ Sài Gòn ngày trước đào tạo phó là phó, trưởng là trưởng. Quận trưởng lên làm tỉnh trưởng chứ không thể quận phó lên làm quận trưởng được. Còn mình làm phó chủ tịch rồi, qua một nhiệm kỳ thấy không ai hơn thế là đưa lên làm chủ tịch.

* Nhưng nếu “phó là phó, trưởng là trưởng” và “trưởng lên trưởng” thì có khó khăn gì trong công tác luân chuyển cán bộ?

-Không. Luân chuyển cán bộ theo hướng anh làm trưởng một nơi ba năm, năm năm thì chuyển sang làm trưởng ở chỗ khác. Nghĩa là theo hệ thống. Còn anh phó muốn lên trưởng thì phải qua lớp đào tạo trưởng.

* Ông đã từng rơi vào tình cảnh bố trí nhân sự theo cảm tính?

- Muốn bổ nhiệm cán bộ, tập thể phải bàn. Nhưng kẹt là chúng ta không có những người được đào tạo cơ bản, thành ra khi bàn cứ thấy người nào có tinh thần trách nhiệm, có trình độ thì đưa lên. Tất nhiên có trường hợp thành công nhưng cũng có trường hợp không thành công. Ví dụ một người tốt nghiệp ngành sư phạm đang làm phó giám đốc sở giáo dục & đào tạo, khi cần có thể chuyển anh ta lên làm phó chủ tịch UBND phụ trách khối văn xã. Thế nhưng khối này lại gồm nhiều ngành, đâu chỉ có giáo dục, vì vậy người ấy không hoàn thành nhiệm vụ.

* TP.HCM đang thí điểm thi tuyển các chức danh cán bộ công chức các sở- ban - ngành, quận - huyện. Ông đánh giá sao về cách làm này?

- Đây là mô hình hay. Chúng tôi đang quan tâm theo dõi. Nếu sau một thời gian thấy TP.HCM đạt kết quả tốt, Long An sẽ học tập kinh nghiệm.

* Ông đã nói “địa phương bây giờ nhiều lãnh đạo quá”. “Nhiều” ở đây được hiểu như thế nào?

-Thực tế đang đòi hỏi chính quyền các cấp phải quản lý theo pháp luật và xử lý công việc thật nhanh. Nhưng cơ cấu tổ chức của bộ máy mình còn nhiều tầng nấc quá. Bí thư chỉ nắm tình hình chung thôi, còn điều hành là ông chủ tịch. Ở địa phương, ở cơ sở, vướng mắc bao giờ cũng xuất phát từ những vấn đề cụ thể chứ không phải vướng ở quan điểm, tư tưởng. Do chỉ nắm cái chung, bí thư mà đứng ra xử lý cụ thể sẽ dễ có những cái sai. Nếu không khéo lại thành chuyện nhúng quá sâu vào công việc của chủ tịch. Nhưng nếu không tham gia xử lý những chuyện cụ thể, không khéo anh lại buông lỏng. Ranh giới chỗ này rất mong manh.

Cho nên tôi muốn ở cấp xã bây giờ bí thư kiêm luôn chủ tịch: trước sau một người, vừa nắm chủ trương, vừa ra kế hoạch, triển khai thực hiện luôn. Như vậy công việc nhanh hơn, đỡ qua nhiều tầng nhiều nấc và tập trung vào một đầu mối. Ở huyện và tỉnh cũng có thể như vậy.

* Nhưng ở các địa phương hiện nay, mô hình bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân đang phổ biến. Nếu theo phương án ông vừa nói, một người sẽ nắm luôn cả cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan giám sát, nghĩa là “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

- Không phải. Theo ý tôi, bí thư kiêm chủ tịch UBND, một phó bí thư vừa làm công tác Đảng vừa làm chủ tịch HĐND và một phó bí thư nữa làm phó chủ tịch UBND thường trực. Rồi các thường vụ sẽ nắm các ngành quan trọng. Khi họp ủy ban cũng là họp thường vụ, bớt đi các cuộc họp không cần thiết. Bộ máy như thế sẽ gọn, chặt chẽ, xử lý công việc mau lẹ.

*Ông từng phát biểu tại nghị trường rằng “việc giao một người làm thì nhanh, nhiều người thì lâu”. Đó có phải là nguyên nhân chính đưa ông đến ý tưởng xây dựng mô hình này?

- Một nhiệm vụ chỉ nên giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm rạch ròi. Như thế người được giao việc sẽ làm nhanh, làm tốt hơn. Còn nhiều cơ quan quá sẽ chồng chéo.

Kinh nghiệm của địa phương cho thấy cứ có một công việc là lại bàn tới bàn lui. Chẳng hạn tôi (bí thư) có một ý định gì đó thì phải bàn với ông chủ tịch, xong bàn trong thường vụ (tỉnh ủy). Thường vụ xong rồi đưa ra hội đồng (nhân dân). Hội đồng bàn xong mới sang ủy ban thực hiện. Như vậy mất rất nhiều thời gian, có khi tiến độ xử lý công việc không theo kịp thực tiễn trong khi ở địa phương xảy ra biết bao nhiêu việc đòi hỏi phải giải quyết, xử lý sớm.

Đó là chưa kể một chuyện: từ ý định của bí thư khi họp tỉnh ủy đến lúc chủ tịch triển khai có khi lại không khớp nhau. Chỗ này cũng chính là nguyên nhân làm cho nhiều nơi nội bộ lủng củng.

* Liệu mô hình “bí thư kiêm chủ tịch” có làm nảy sinh hiện tượng “siêu quyền lực”?

- Dù bí thư kiêm chủ tịch thì vẫn còn có thường vụ, hội đồng nhân dân giám sát. Tuy nhiên muốn thực hiện thì trước mắt phải thí điểm chứ chưa nên áp dụng rộng rãi.

* Tỉnh Long An đã đủ điều kiện để thí điểm?

- Nếu trung ương cho phép thì Long An sẵn sàng thí điểm.

* Việc thí điểm có làm xáo trộn hệ thống, cơ cấu vốn đang ổn định?

- Làm thử dần dần sẽ đảm bảo được tính ổn định. Hiện Long An cũng đang thí điểm bí thư kiêm chủ tịch ở một vài xã để rút kinh nghiệm; nếu ổn sẽ xin ý kiến làm tiếp.

* Sau một thời gian làm thử, hiệu quả đã được bộc lộ?

- Hiệu quả rõ ràng ở chỗ: công việc được giải quyết nhanh hơn.

* Ông có tính tới khả năng đề nghị thí điểm rộng hơn và nâng lên cấp huyện?

- Chúng tôi chưa đúc kết. Bây giờ vẫn đang trong thời gian làm thử, tiếp tục theo dõi. Long An đã có hẳn một nghiên cứu khoa học về mô hình bí thư kiêm chủ tịch. Sau khi nghiệm thu đề tài này, chúng tôi mới làm thử một vài xã để xem hiệu quả thế nào. Nếu thành công, có lẽ sẽ nhân ra diện rộng ở cấp xã trước.

* Thưa ông, trong bối cảnh các chức danh quản lý chưa được đào tạo, mô hình bí thư kiêm chủ tịch có thích hợp?

- Chúng tôi chưa dám kết luận có thích hợp hay không bởi hiện nay mới chỉ trong giai đoạn thí điểm. Long An cũng đang thí điểm hai lớp đào tạo nghề bí thư và nghề chủ tịch.

* Đào tạo cho cấp nào?

- Cấp xã. Chúng tôi chọn những đảng viên trẻ, có năng lực vào học lớp chủ tịch (sáu tháng). Học xong đưa về làm thư ký ủy ban thử thách vài năm, chứng tỏ được sẽ bố trí làm chủ tịch. Các cán bộ trẻ được đào tạo bí thư xã cũng theo cách tương tự và đấy là hướng công tác tổ chức nhân sự lâu dài. Nếu chương trình đào tạo này cho kết quả tốt, sẽ trở thành giáo trình chính thức của trường Đảng tỉnh để đào tạo nghiệp vụ cho bí thư, chủ tịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận