TS. BS Đỗ Minh Hùng - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Quận 2, TP.HCM) luôn tự nhận là mình 'hên' qua cả nghìn ca mổ, đặc biệt là hàng loạt những ca phẫu thuật 'xương xẩu'.



‘Mỗi ca mổ mới vẫn là một cuộc chiến mới’ - Ảnh 1.

BS Hùng chia sẻ

‘Mỗi ca mổ mới vẫn là một cuộc chiến mới’ - Ảnh 2.

Mở đầu câu chuyện, BS Đỗ Minh Hùng tiết lộ: "Ngày xưa, tôi không hề ước mơ trở thành BS, mà chỉ thích thi vào Kỹ sư hóa của ĐH Bách khoa Nhưng tôi rất thần tượng một BS ngoại khoa ở gần nhà và má tôi cũng bệnh tùm lum nên năm 1988 tôi thi ngành y và "hên" đậu".

Tuy không chủ đích vào ngành y, nhưng như anh tự nhận "đã bước vào thì đam mê khủng khiếp" và nguyện "sống chết gì cũng theo ngoại khoa". Từ năm 2, anh xin theo các đàn anh và "ăn dầm nằm dề" trong phòng mổ của các bệnh viện lớn với quyết tâm trở thành BS phẫu thuật giỏi. 

Khi ra trường, anh về công tác tại BV Bình Dân và đã trở thành một trong những BS ngoại khoa xuất sắc ở nơi đây. 

Anh cũng là một trong những người rất đam mê tiếp cận với kỹ thuật mổ nội soi ở BV này, rồi trở thành BS "khắc tinh" của những khối u. 

Anh trải qua từ những ca phẫu thuật đơn giản như cắt ruột thừa đến cắt túi mật, đại tràng hay những ca "siêu phẫu" như phẫu thuật ung thư thực quản… kéo dài 8-10g.


‘Mỗi ca mổ mới vẫn là một cuộc chiến mới’ - Ảnh 4.

BS Hùng tâm sự

PGS.TS.BS Nguyễn Cao Cương- Khoa Gan mật BV Bình Dân chia sẻ: "BS Đỗ Minh Hùng là người nghĩ ra nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật ung thư thực quản rất có ý nghĩa với bệnh nhân trong điều trị ung thư".

Một đồng nghiệp của BS Đỗ Minh Hùng tại khoa Ngoại tiêu hóa - BV Bình Dân thì luôn nhớ về Hùng như một BS rất nhiệt tình, ham học hỏi và luôn nhẹ nhàng với bệnh nhân. 

"Hùng luôn tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật mổ này, dụng cụ phẫu thuật kia để mang đến sự đa dạng trong phẫu thuật. Đặc biệt, điều này rất có giá trị với bệnh nhân - là có cuộc mổ nhẹ nhàng hơn, ít tốn kém hơn và điều trị hiệu quả hơn. 

Và kỹ thuật mổ ung thư thực quản gây mê một nòng, ít xâm lấn của BS Hùng là một minh chứng: nạo hạch dễ hơn, lấy được hạch nhiều hơn, qua đó điều trị ung thư cũng tốt hơn, khả quan hơn.


Bác sĩ Hùng trong chuyến tập huấn về chuyên môn tại bệnh viện DIGNITY HEALTH INTERNATIONAL - MỸ

"Trước đây, mổ ung thư thực quản chỉ có tư thế nằm nghiêng. Riêng BV Chợ Rẫy thì đã áp dụng mổ nằm nghiêng - sấp, với gây mê nội phế quản. Tôi thấy tư thế phẫu thuật này có lợi cho cả phẫu thuật viên và bệnh nhân. Vì nằm nghiêng phổi không xẹp hết, phải gây mê nội phế quản, nếu có ứ đọng dịch sẽ rớt vô phẫu trường gây khó khăn, nguy hiểm cho cuộc mổ. Còn nằm sấp phổi xẹp hết, sẽ tạo phẫu trường rộng, giúp BS dễ thao tác, qua đó giúp việc nạo vét hạch dễ dàng, triệt để hơn và ít bị biến chứng hơn. 

Khi làm một kỹ thuật mới, đầu tiên tôi luôn nhớ đến câu "thuyền lớn thì sóng lớn". Nhưng tôi tin kỹ thuật mổ tốt, có lợi cho bệnh nhân và mình đã chuẩn bị, dự trù mọi việc thì sẽ không có "sóng lớn". Sau đó, tôi được chấp thuận cho làm và khi làm là anh em chúng tôi, bác sĩ gây mê hồi sức và chính tôi đều để sẵn đầu lên bàn rồi, nếu có gì là bị "trảm" ngay. Tôi cho bệnh nhân nằm sấp hẳn, đặc biệt chỉ gây mê nội khí quản một nòng và "hên"- ca mổ thành công trọn vẹn" - BS Hùng nhớ lại.


‘Mỗi ca mổ mới vẫn là một cuộc chiến mới’ - Ảnh 6.

25 năm theo nghề, cũng là ngần ấy thời gian TS.BS Đỗ Minh Hùng miệt mài ở phòng mổ. Anh không sao nhớ nổi số ca mổ, số bệnh nhân được mình cứu sống từ khi làm Bác sĩ điều trị đến Phó khoa, Điều hành khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân; Trưởng khoa Ngoại tổng quát - Lồng ngực - Mạch máu bệnh viện FV và giờ đây là Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH - thậm chí có những người được trở về từ "quỷ môn quan". 

Ông thổ lộ: "Dù có mổ cả trăm, ngàn ca, Nhưng với tôi, trước mỗi bệnh nhân, mỗi ca mổ mới, vẫn là một cuộc chiến mới, mà tôi phải nghiên cứu kĩ và làm hết sức mình".  

Sự tỉ mỉ, chỉn chu đã ăn sâu vào máu của vị BS phẫu thuật nổi tiếng này, và xuất phát điểm của nó là đến từ mong muốn của chính anh: mang đến điều tốt nhất cho bệnh nhân.


Anh N.V.T (53 tuổi, ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang khỏe mạnh, tự dưng người bị mệt kéo dài, anh đi khám thì được kết luận ung thư thực quản đã di căn. Anh bị sốc, chỉ nghĩ đến cái chết. Cả gia đình anh trở nên hoảng loạn, nghĩ tử thần đã chực chờ.  Vợ anh đưa chồng vào tìm gặp BS Hùng qua lời chỉ dẫn của người hàng xóm đã được BS Hùng cứu sống.

Chị L. - vợ anh T. kể: "BS Hùng cho biết bệnh của chồng tôi đã ở giai đoạn trễ, đã di căn hạch. Nhưng Bác cũng nói may mắn chưa xâm lấn, nên cơ hội phẫu thuật thành công lên đến 99%".

Một tuần sau, anh T. lên bàn mổ. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ. BS Hùng và ê kíp như đang chiến đấu với tử thần. 

Có người đàn anh, vốn cũng là người thầy của anh từng nói: "Phẫu thuật một ca khó giống như việc đi vào chỗ chết để tìm lại sự sống", và ca của anh T. là đặc biệt khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là nạo hạch vùng trung thất - nơi tập trung nhiều mạch máu lớn và dây thần kinh, lại gần tim nên rủi ro cao hơn. 

Vậy mà từng bước một, BS Hùng đã phẫu thuật  nạo bỏ hết các hạch, cắt bỏ thực quản, nối dạ dày lên vùng cổ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ngã ngực với tư thế nằm sấp, mê nội khí quản một nòng, phẫu thuật nội soi hoàn toàn bằng ngã bụng tạo hình ống dạ dày để nối lên thực quản cổ và nạo hạch theo hướng dẫn điều trị của Hội Ung thư thực quản Nhật Bản - và từ kỹ thuật "nằm sấp thần thánh" của chính anh trước đây.

Cuối cùng, BS Hùng và ê kíp đã đưa anh T. từ cửa tử trở về cuộc sống nhiều niềm vui. Mới đây, anh T. lại đi tái khám, khối u đã được kiểm soát hoàn toàn.

‘Mỗi ca mổ mới vẫn là một cuộc chiến mới’ - Ảnh 8.


Bảo Khánh
Anh Tuấn

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên