08/08/2017 11:00 GMT+7

​Môi giới bất động sản - nghề có vòng đời ngắn tại Việt Nam

THÚY AN
THÚY AN

Theo đánh giá của các chuyên gia nhân sự, môi giới bất động sản là nghề có vòng đời ngắn tại Việt Nam.

Vòng đời của các môi giới tại Việt Nam thường ngắn, không nhiều người xác định gắn bó lâu dài với nghề

Việc nhân sự của ngành liên tục biến động sẽ tác động trực tiếp đến sự lành mạnh và tính chuyên nghiệp của thị trường bất động sản.

Đằng sau các đợt tuyển dụng ồ ạt

Chỉ trong vòng nửa năm, một sàn giao dịch bất động sản tại Thanh Xuân (Hà Nội) có 8 đợt tuyển môi giới với số lượng tuyển mỗi đợt lên tới 50 nhân viên. Một sàn khác tại Cầu Giấy cũng tổ chức tuyển liên tục từ đầu năm với số lượng tuyển mỗi lần từ 100-150 nhân viên. Thực tế trên cũng diễn ra tại nhiều đơn vị khác. Điều này cho thấy sự sôi động của thị trường bất động sản và sức hút của nghề môi giới.

Tuy nhiên, trưởng phòng nhân sự một công ty bất động sản tại Nam Từ Liêm cho biết: “Ngoài nguyên nhân là sự sôi động của thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh của nhiều công ty và sức hút của nghề thì việc tuyển dụng nhiều còn có nguyên nhân ở sự đào thải và trẻ hóa nhân lực mạnh mẽ của ngành”. Vị trưởng phòng cũng tiết lộ, sau tầm 3 đến 6 tháng, trong số 50 nhân viên tuyển được, chỉ còn khoảng 1/3 gắn bó với nghề. Số 1/3 ít ỏi đó cũng rơi rụng dần theo thời gian. Và sau tầm 2 năm, chỉ còn khoảng 3-5 nhân sự “trụ” lại với nghề. Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, cuộc “tháo chạy” diễn ra mạnh ở các môi giới có tuổi đời từ 22-27.

Anh Phạm Ngọc Thanh, Trưởng phòng kinh doanh New Starland chia sẻ về “sự đến và đi” chóng vánh của nhân sự ngành này: “Có những bạn bỏ việc khi đang tham gia khóa đào tạo của công ty. Nguyên nhân là sau các buổi đào tạo, các bạn đó mới nhận ra để theo nghề cũng lắm gian nan, chứ không đơn giản như suy nghĩ mặc định từ trước. Có bạn bỏ nghề sau vài ngày làm việc, khi gọi nhiều cuộc điện thoại cho kháchnhưng không có kết quả. Có bạn bỏ nghề sau tháng đầu tiên không chốt được hợp đồng…”

Vòng đời của các môi giới tại Việt Nam thường ngắn, không nhiều người xác định gắn bó lâu dài với nghề. Ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch Cengroup cũng xác nhận điều này trong một Expert Talk về nghề môi giới do Batdongsan.com.vn tổ chức: “Số lượng người theo nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam rất đông. Nhưng số người gắn với nghề không cao. Thực tế này trái ngược với những quốc gia có nghề môi giới bất động sản phát triển”.

Nhìn nhận về thực tại này, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng Công ty cổ phần Top CV Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn tuyển dụng cho các công ty, tập đoàn chia sẻ: “Việc nhân sự của một ngành nghề liên tục biến động sẽ gây nên sự lãng phí cho chính doanh nghiệp về thời gian và chi phí. Điều này trực tiếp tác động đến guồng quay hoạt động của doanh nghiệp. Với nghề môi giới, thực tế này còn tác động đến sự chuyên nghiệp, lành mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam".

Yếu tố kiên trì, quyết liệt, ham học hỏi để hoàn thiện kỹ năng và kiến thức là quan trọng nhất với nghề môi giới

Hướng đến các hoạt động thực chất

Không khó để nhận ra, môi giới bất động sản là ngành không chỉ tuyển nhiều mà điều kiện tuyển cũng không khắt khe. Phần lớn các sàn/công ty không đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn. Điều kiện tham gia nghề dễ dàng cho thấy chất lượng nhân sự của ngành này chưa được chú trọng.

Ở góc độ tuyển dụng, chị Trần Thùy Linh, Trưởng phòng đào tạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Asia Properties, cho rằng chất lượng nhân sự ngành môi giới chưa cao là do Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo bài bản về ngành bất động sản, ngoại trừ Đại học Kinh tế Quốc dân có một khoa về bất động sản nhưng mới chỉ dừng ở mức độ kiến thức ngành cơ bản nhất.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Ngôi sao Toàn cầu cho biết: “Trên cả nước hiện nay có khoảng hơn 100.000 nhà môi giới bất động sản. Tuy nhiên, hầu hết các môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được đào tạo bài bản, thiếu thông tin.”

Việc không được đào tạo bài bản, đồng nghĩa với sự yếu kém về kiến thức và kỹ năng khiến nhiều môi giới “hụt hơi” khi phải đi đường dài. Đây được coi là nguyên nhân chính và sâu xa dẫn đến sự biến động mạnh về nhân sự của ngành. Chị Linh nhấn mạnh: “Đối với nhân viên kinh doanh bất động sản, để có thể thành công trong nghề, yếu tố về kiên trì, quyết liệt, ham học hỏi để hoàn thiện kỹ năng và kiến thức là quan trọng nhất”.

Bên cạnh đó, chia sẻ về các cuộc “tháo chạy” của nhân sự môi giới trong độ tuổi từ 22-27, anh Phạm Ngọc Thanh, Trưởng phòng kinh doanh New Starland cho biết ngoài vấn đề không được đào tạo bài bản thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ “bỏ nghề” nằm ở chỗ định hướng nghề nghiệp của cá nhân. “Như tôi quan sát, rất nhiều bạn trẻ chọn nghề môi giới không căn cứ vào các giá trị của bản thân. Họ không hiểu hoặc quên mất mình là ai, tố chất và khả năng của mình phù hợp với điều gì. Họ đến với nghề môi giới do “nôn nóng” với lợi nhuận và tâm lý chạy theo đám đông. Vì thế, họ không kiên trì và dễ dàng bỏ cuộc khi không đạt được mục đích”.

Trước thực trạng trên, từ năm 2016, Hội môi giới Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tập trung vào “chất” của người làm môi giới. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết hội đã và đang tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghề môi giới.

Gần đây, Batdongsan.com.vn cũng tổ chức nhiều Expert Talk - chuỗi chương trình đào tạo chuyên nghiệp dành cho các nhà môi giới bất động sản. Các buổi đào tạo (phần lớn là miễn phí) với mục đích hỗ trợ thông tin, kiến thức nhằm góp phần thúc đẩy nghề môi giới tại Việt Nam phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn.

THÚY AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên