21/12/2019 12:34 GMT+7

Mới về Việt Nam 3 ngày, kỹ sư Cua thấy tràn lan gạo ST25 'dỏm', sang tới Mỹ

TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC  - KHẮC TÂM
TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - KHẮC TÂM

TTO - Chỉ ba ngày sau khi nhận giải gạo ngon nhất thế giới trở về, 'cha đẻ' gạo ST25 đã thấy gạo ST25 giả bán tràn lan trên mạng, ngay cả ở Mỹ cũng có gạo ST25 giả.

Mới về Việt Nam 3 ngày, kỹ sư Cua thấy tràn lan gạo ST25 dỏm, sang tới Mỹ - Ảnh 1.

Bảo vệ giống lúa ST, bảo vệ gạo ngon nhất thế giới chính là phát triển ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng- Ảnh: CHÍ QUỐC

Nếu cơ quan chức năng không tích cực ngăn chặn tình trạng làm giả, nhái thương hiệu gạo ST25 đang tràn lan hiện nay, Việt Nam sẽ mất thương hiệu gạo ngon nhất thế giới. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đánh mất cơ hội quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo ngành nông nghiệp đã khuyến cáo như vậy tại buổi tọa đàm “Bảo vệ và phát triển gạo ngon nhất thế giới”, do UBND tỉnh Sóc Trăng và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 20-12. 

Cũng theo các đại biểu, giống lúa chất lượng cao mới là khởi đầu, cần có quy trình canh tác đạt chuẩn, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và kế hoạch quảng bá, tiếp thị mới xây dựng thành công thương hiệu gạo và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Lúa ST25 không chỉ thuộc về anh Cua (kỹ sư Hồ Quang Cua) hay Sóc Trăng nữa mà thuộc về VN, Nhà nước phải bảo vệ giống lúa này.

GS Võ Tòng Xuân

Đừng để mất gạo ngon nhất thế giới

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25 - cho biết chỉ ba ngày sau khi nhận giải gạo ngon nhất thế giới ở Philippines trở về, ông rất thất vọng khi thấy gạo ST25 giả được bán tràn lan trên mạng. Người ta lấy gạo nơi khác, đóng bao và bán dưới tên gạo ST25, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ cũng có bao gạo ST25 giả.

"Mất hàng chục năm với bao nhiêu công sức và tiền của mới ra một giống gạo chất lượng nhưng bị làm giả sau vài ngày thì sẽ triệt tiêu mọi động lực nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học" - ông Cua chia sẻ. 

Không chỉ có gạo giả mà lúa giống cũng bị làm giả, làm nhái. Trước ST25, giống lúa ST24 của ông Cua cũng cho ra loại gạo ngon nhất tại Việt Nam trong cuộc thi năm 2019 và đạt hạng 3 gạo ngon thế giới năm 2017. Thế nhưng, số giống ST24 đạt tiêu chuẩn phải tháo kho vì không tiêu thụ được. Giá thành sản xuất lên đến trên 12.000 đồng/kg mà thương lái chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg, còn bắt chở xuống tận ghe.

"Lúa giống ST bị xâm phạm bản quyền, bán hàng giả, lấy lúa lương thực làm lúa giống để bán nhưng các cơ quan chức năng không dám bắt hay xử lý, chưa kể những trường hợp còn tiếp tay cho vi phạm" - ông Cua nói.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nếu tình hình làm giả cứ tiếp tục mà không có sự ngăn chặn hay quản lý, năm sau Việt Nam sẽ mất gạo ngon nhất thế giới, dân mua phải gạo giả về ăn sẽ chê rồi sẽ mất niềm tin. Do đó, ông Xuân đề nghị cần có quy định bán hay vận chuyển ST25 phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không chứng minh được giấy tờ thì tịch thu hàng hóa để bảo vệ hàng đúng chất lượng.

"Tôi đi Thái Lan về mới thấy Việt Nam mình buông lỏng rất nhiều chuyện, từ phân, thuốc giả lộng hành làm hại nông dân, bảo vệ nông dân không được. Nay đến gạo giả làm hại doanh nghiệp và hại người tiêu dùng, làm tổn hại tên tuổi đất nước Việt Nam mình. Bộ NN&PTNT, trung ương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không thể để doanh nghiệp phải đi lo bảo vệ thương hiệu, giống lúa của mình, Nhà nước phải vào cuộc" - GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS Xuân, Thái Lan đã xây dựng được thương hiệu và uy tín gạo quốc gia, đến nay chỉ có mấy giống lúa để xuất khẩu. Nhưng khách nước ngoài yên tâm "nhắm mắt mà mua" vì chắc chắn chất lượng đã được các cơ quan Thái Lan quản lý chặt chẽ rồi.

Gạo đặc sản của Thái do Bộ Thương mại Thái Lan quản lý, có một hệ thống để kiểm định nguồn gốc, chất lượng gạo Hom Mali xuất khẩu. "Thậm chí Thái Lan còn giải mã bộ gen của các giống lúa này để đưa vào hệ thống nhận diện gạo trước khi đóng bao xuất khẩu, không qua được khâu kiểm soát này thì không được bán" - ông Xuân nói.

“Với việc đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới vào tháng 11-2019 cùng những đặc tính vượt trội, loại gạo ST25 được Sóc Trăng đề nghị đưa vào danh sách thương hiệu quốc gia VN để bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu gạo VN.

Ông Phan Văn Sáu (bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng)

Mới về Việt Nam 3 ngày, kỹ sư Cua thấy tràn lan gạo ST25 dỏm, sang tới Mỹ - Ảnh 4.

Theo các chuyên gia, bảo vệ giống lúa ST cũng chính là bảo vệ ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phải bảo hộ sở hữu trí tuệ gạo ST25

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Phan Văn Sáu - bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương này, nhất là lực lượng quản lý thị trường, thực hiện ngay các biện pháp chống gian lận thương mại về lúa gạo, tập trung ngăn chặn và xử lý tình trạng gạo ST25 giả xuất hiện tràn lan. 

"Tôi có người quen bán gạo, đặt mua gạo ST25 của anh Cua nhưng không có, vậy mà thị trường nhan nhản thì vô lý quá, phải ngăn chặn ngay tình trạng gian lận này" - ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, nếu không mạnh tay với gạo ST25 giả, sản phẩm gạo này cũng sẽ rơi vào tình huống tương tự như nhiều sản phẩm chủ lực của ĐBSCL - đó là chất lượng bị mai một, niềm tin của người tiêu dùng bị mất và xuất khẩu cũng suy giảm. 

"Phải quy hoạch vùng trồng, vùng nào sản xuất lúa giống, vùng nào sản xuất lúa gạo thương phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và có kiểm soát để tránh thừa cung, tăng dịch bệnh. Tiến tới bảo hộ sở hữu trí tuệ ST25" - ông Sáu nói.

Ông Lê Văn Hiểu - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết địa phương này có diện tích canh tác lúa trên 350.000ha với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 50% diện tích với các giống lúa ST là niềm tự hào của địa phương. 

Với chất lượng thơm ngon và đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, ST25 là cơ hội cho gạo chất lượng cao của Sóc Trăng và Việt Nam trong thời gian tới trong phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu.

"Các giống lúa ST cần được nhân rộng ra các vùng có điều kiện phù hợp không chỉ ở Sóc Trăng mà các tỉnh thành khác, không chỉ cho tiêu thụ trong nước mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu với giá trị cao" - ông Hiểu khẳng định. 

Đồng thời cho biết điều bức xúc nhất hiện nay là đang có nhiều loại lúa gạo ST không rõ nguồn gốc trên thị trường làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng giống lúa, gạo chuẩn. Do đó, cần truyền thông bảo vệ loại gạo ngon nhất thế giới vì nền sản xuất gạo sạch, công bằng và phát triển.

Theo ông Lê Quốc Cường - giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, tình trạng làm nhái, làm giả các giống lúa chất lượng cao đã xảy ra từ lâu. Điển hình là lúa Nàng Thơm Chợ Đào với diện tích trồng phù hợp có vài trăm hecta nhưng trên thị trường bày bán tràn lan gạo "Nàng Thơm Chợ Đào", dùng thương hiệu gạo nổi tiếng để lừa người tiêu dùng.

"Việc quản lý giống còn nhiều sơ sót. Cần tuyên truyền giáo dục các cơ sở sản xuất kinh doanh giống nâng cao nhận thức, trách nhiệm. Vận dụng các luật vào công tác quản lý giống chặt chẽ hơn. 

Các giống đã công nhận rồi cần phải có vùng trồng, vùng nguyên liệu rõ ràng, cấp mã số vùng trồng để gạo sản xuất ra có cơ quan quản lý chất lượng đảm bảo truy xuất nguồn gốc" - ông Cường đề xuất.

Mới về Việt Nam 3 ngày, kỹ sư Cua thấy tràn lan gạo ST25 dỏm, sang tới Mỹ - Ảnh 5.

Gạo ST25 chính gốc được bán tại cửa hàng gạo Phương Nam trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trồng lúa phải ngặt nghèo như sản xuất tivi

Ông Trương Thế Quốc - tổng giám đốc Công ty CP Trương Việt - cho biết để phát triển các giống lúa tốt như ST25 một cách bền vững, phải có sự tham gia của các doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị. 

Giống lúa chất lượng cao mới là khởi đầu, cần có quy trình canh tác đạt chuẩn, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và kế hoạch quảng bá, tiếp thị mới xây dựng thành công thương hiệu gạo và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, sự kiện ST25 vừa qua đã chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có thể làm được gạo ngon nhất thế giới, xóa bỏ quan niệm chỉ có lúa mùa dài ngày mới tạo ra gạo ngon. Việt Nam có thể sản xuất theo đơn đặt hàng của thế giới và xây dựng thương hiệu gạo. 

"Không lý gì mà doanh nghiệp không tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam khi nông dân đã làm ra lúa tốt, nhà khoa học làm ra giống chất lượng cao, nhà quản lý tham gia tích cực" - ông Thòn nói.

Cũng theo ông Thòn, nếu các khâu đều vào cuộc, chỉ trong tương lai gần Việt Nam sẽ có thương hiệu gạo quốc gia được biết đến trên thế giới. Còn hiện tại, để giải quyết tình trạng làm giả từ lúa giống đến gạo, phải có đơn vị giám sát chất lượng giống, các đơn vị sản xuất giống xác nhận phải mua giống nguyên chủng từ đơn vị có bản quyền.

"Ai sản xuất phải có đăng ký và có điều kiện. Tất cả các công ty sản xuất gạo có thương hiệu phải có vùng sản xuất lúa, truy xuất được nguồn gốc và công bố được chất lượng" - ông Thòn đề xuất.

Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết đến nay Việt Nam đã có hệ thống văn bản quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, trong đó có giống lúa, như pháp lệnh giống cây trồng, và xử phạt vi phạm... Nhưng vẫn có những người lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm ăn gian dối, nhất là trong bối cảnh chính quyền cấp huyện chưa quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng.

Cũng theo ông Tùng, một trong những lý do khó quản lý giống lúa là ĐBSCL có đến 4,2 triệu ha đất canh tác lúa, cần tới 700.000-800.000 tấn lúa giống mỗi năm. Trong khi đó, các công ty mới cung cấp 200.000 tấn giống xác nhận. Gần 40% các giống lúa ở ĐBSCL là từ hệ thống sản xuất giống nông hộ nên dẫn tới việc mua bán và quản lý trên thị trường rất khó khăn và phức tạp.

"Bộ NN&PTNT đang rà soát tất cả các văn bản pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp, hoặc đề xuất lên Chính phủ chỉnh sửa bổ sung cho hoàn thiện hơn trong thời gian tới. Đề nghị các doanh nghiệp cùng tham gia để xây dựng hệ thống quản lý sản xuất và kinh doanh gạo, để mỗi khâu trong chuỗi phải được kiểm tra và xác nhận đúng giống lúa" - ông Tùng nói. 

Ông cũng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ đặc cách công nhận giống ST25 là giống lúa chính thức ngay trong tháng 12 này.

Ông Lê Thanh Tùng (cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):

Đặc cách công nhận giống lúa ST25

Để ra một giống lúa mới, tác giả nghiên cứu 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Từ khi khảo nghiệm tới sản xuất thử đối với giống lúa được công nhận nhanh nhất cũng 2 năm tới 2 năm rưỡi. Qua quá trình khảo nghiệm, nếu xác định giống có nhiều đặc tính tốt, có thể đặc cách với hai điều kiện: một là, giống này có năng suất cao hơn giống tương đương; hai là, giống được công nhận sản xuất thử 2 vụ thì 1 vụ thôi sẽ được đặc cách.

Về khảo nghiệm của giống ST25, theo quy định là đủ. Tương tự, về bảo hộ quyền tác giả và các thứ khác như tính đồng nhất, tính ổn định... của giống ST25, các cơ quan chuyên môn đã làm đủ. Và theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, chúng tôi sẽ đặc cách công nhận giống này.

Cho đến nay, các hồ sơ thủ tục đã làm xong, chắc chắn trong tháng 12 này sẽ công nhận giống lúa ST25.

Ông Trương Thế Quốc (tổng giám đốc Công ty CP Trương Việt):

Có giống tốt, cần canh tác tốt, quản lý tốt

Trên đường xuống Sóc Trăng vào ngày 19-12, tôi có ghé ngang Vĩnh Long - nơi đang tổ chức hội chợ nông nghiệp - và chứng kiến một chuyện lạ. Đó là gian hàng của anh Hồ Quang Cua tại hội chợ này hoạt động theo mô hình thời... bao cấp: gạo bán theo ký và mỗi người chỉ mua được 5kg.

Tuy nhiên, có rất nhiều bà con, khách hàng sẵn sàng chờ 2 tiếng đồng hồ để mua 5kg gạo ST25. Từ câu chuyện này thấy rằng nhu cầu được ăn ngon, được sử dụng thương hiệu tốt của thị trường trong nước với 95 triệu dân tốt thế nào, chưa cần nói tới xuất khẩu. Nếu chúng ta xây dựng thương hiệu gạo ngon, bảo vệ và phát triển được thương hiệu này thì không lo gì không tiêu thụ được.

Công ty chúng tôi triển khai nhiều điểm sản xuất bằng phân hữu cơ trên giống ST24 gần 4 năm tại Vĩnh Long. Cách làm chúng tôi là khép kín từ đầu vào tới đầu ra, từ canh tác, giám sát tới thu mua. Trong đó, đầu ra chúng tôi kết hợp với Co.op, Trung An, hầu như không đủ để bán.

Tại nhiều hội nghị, chúng ta đều nghe câu chuyện giá lúa, giá nông sản thấp. Theo tôi, muốn đầu ra tốt thì đầu vào phải tốt. Chúng ta chăm lo từ đầu vào, có giống tốt rồi cần nghĩ tới canh tác tốt, quy trình sản xuất tốt, quản lý tốt.

Ông Lương Minh Quyết (giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng):

Cần đoàn kết như tinh thần... SEA Games

Có ai đặt câu hỏi vì sao 60 năm rồi bóng đá Việt Nam mới vô địch SEA Games? Đó là do hội tụ nhiều yếu tố như chúng ta có huấn luyện viên có tâm và có tầm, chất lượng cầu thủ tốt và đoàn kết quyết đấu. Đối với lúa gạo cũng vậy, cần đoàn kết như tinh thần... SEA Games.

Cái hạn chế của chúng ta là cạnh tranh rất dữ, không ai nhường ai. Cần loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có giao Sóc Trăng quy hoạch vùng sản xuất giống, chúng tôi đã có dự định quy hoạch khoảng 100.000ha ở một số huyện, sau đó sẽ nhân rộng ra.

Đặc cách công nhận giống lúa ST25 vừa đạt giải Đặc cách công nhận giống lúa ST25 vừa đạt giải 'gạo ngon nhất thế giới'

TTO - Giống lúa ST25 vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới sẽ được công nhận ngay trong tháng 12.

TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên