TTCT - Người dân TP.HCM biết đến sân Hoa Lư như chiếc nôi từng cho ra đời nhiều danh thủ bóng đá như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại, Đỗ Văn Khải, Trần Minh Chiến... Ngoài ra, nơi đây còn là địa điểm rèn luyện sức khỏe của người dân trong khu vực.

Phóng to
Sân Hoa Lư là “sân nhà” của các học viên năng khiếu bóng đá TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Ngày 6-9 bắt đầu bằng cơn mưa dai dẳng và rả rích đến rạng sáng. Nhưng từ 4g30 đã xuất hiện bóng dáng những người đầu tiên đến tập dưỡng sinh tại CLB Hoa Lư, trong đó có ông Trần Văn Thành, 73 tuổi, ngụ đường Đinh Tiên Hoàng. “Nhờ có CLB Hoa Lư mà tôi giữ được sức khỏe tốt trong nhiều năm nay” - ông nói.

Tập luyện tấp nập

“Theo tôi, việc cần làm không phải bán sân mà là phải cải tạo sân cho tốt để phục vụ người dân”

Trời càng về sáng, những bước chân càng dồn dập hơn và không gian trở nên chật hơn bởi lượng người tập đông hơn. Nhìn từ khán đài, không khí tập luyện thật sôi động, từng nhóm thanh niên đang quần nhau bên trụ bóng rổ ở hai đầu sân, số ít chạy bộ cùng những cô gái trên đường piste, nhẹ nhàng tránh những người lớn tuổi đang vừa đi bộ vừa bàn chuyện rôm rả. Và không ít người bàn về thông tin sân Hoa Lư sắp bị đem bán.

Ông Nguyễn Thành Chơn (83 tuổi, ngụ đường Đinh Tiên Hoàng) đang bước đi chậm rãi. Khi được hỏi nếu như CLB Hoa Lư bị bán đi thì ông sẽ tập ở đâu, ông Chơn chia sẻ: “Tôi là cán bộ nhà nước về hưu, hơn chục năm nay gần như ngày nào tôi cũng đến CLB Hoa Lư tập dưỡng sinh vào sáng sớm, từ khi sân còn rất cũ kỹ. Việc tập luyện ở đây đã trở thành thói quen của tôi nên cứ 4g30 là tôi thức và bước khỏi nhà đến đây. Nếu mai này CLB Hoa Lư không còn nữa, tôi cũng không biết phải tập luyện ở đâu bởi tôi không còn chạy xe được nữa”.

Cũng câu hỏi này, chúng tôi lại nhận được câu trả lời khá bức xúc của ông Đức Nghĩa (60 tuổi, ngụ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ông Nghĩa cho biết: “Ở nước ngoài mỗi cao ốc hầu như đều có không gian để mọi người thư giãn, tập luyện thể thao. Ở nước mình sân tập thể thao đã rất hiếm, vậy mà còn đòi bán thì thật không thể hiểu được. Nếu không tính đến thế hệ già chúng tôi cũng phải nghĩ đến lớp con cháu chúng ta sau này sẽ chơi thể thao ở đâu chứ. Ngoài việc là nơi tập luyện thể thao, CLB Hoa Lư còn giúp chúng ta bớt cảm giác ngột ngạt của khu đô thị ngày càng chật chội. Theo tôi, việc cần làm không phải bán sân mà là phải cải tạo sân cho tốt để phục vụ người dân”.

Từ 7g15, lượng khách tập thể dục trên sân giảm dần, trả lại không gian yên tĩnh cho sân. Nhưng chẳng bao lâu các VĐV trẻ của Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM đã có mặt khởi động, chuẩn bị một ngày tập luyện mới từ 8g.

Nằm cạnh sân bóng là tòa nhà ba tầng trên diện tích khoảng 800m2 cũng trong khuôn viên CLB Hoa Lư. Tòa nhà này được xây phục vụ SEA Games 2003 và đến nay vẫn còn khá mới để phục vụ các môn như khiêu vũ thể thao, thể dục thẩm mỹ, aerobic, bóng bàn... cho các đội năng khiếu, dự tuyển của TP.HCM. Mỗi ngày tòa nhà này hoạt động nhộn nhịp từ 5g và đón nhận không dưới 300 lượt khách tập vãng lai các môn trên với học phí 200.000-250.000 đồng/tháng. Đây cũng là trụ sở của Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Liên đoàn Judo Việt Nam và là nơi đóng quân của tuyển bóng bàn, khiêu vũ thể thao và bắn cung của TP.HCM.

Buổi chiều, chúng tôi quay lại rất sớm để chứng kiến buổi tập của các đội bóng đá trẻ thuộc Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM. Bên ngoài sân cỏ, đội điền kinh vẫn miệt mài với giáo án của mình. Không khí tập luyện thật hăng say như thể ngày mai là ngày thi đấu quan trọng.

Sau 16g, giới sinh viên học sinh, công nhân, viên chức... cũng góp mặt tập luyện thể thao sau một ngày làm việc vất vả. Có lúc trên sân có hơn 1.000 người. Thanh niên thích tập những môn năng động như chạy bộ, đá bóng và chia nhau chơi bóng rổ ở hai đầu sân, trong khi người lớn tuổi thích vừa đi vừa chuyện trò.

Đến 18g, đường piste gần như không còn một chỗ trống khi các lớp võ thuật vovinam, taekwondo, aikido, karatedo rồi cả bóng rổ bắt đầu phục vụ nhu cầu rèn luyện thân thể của các em học sinh đến gần 21g. Học phí khá mềm, chỉ dao động 150.000-200.000 đồng/tháng nên thu hút nhiều người.

Phóng to
Người dân TP.HCM tập luyện hằng ngày trên sân Hoa Lư - Ảnh: Tấn Phúc

Thu đủ bù chi

Tuy công năng chính là phục vụ việc tập luyện của học sinh Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM, nhưng CLB Hoa Lư vẫn đang làm kinh tế khá hiệu quả.

Trao đổi với TTCT, ông Lê Hữu Tường, chủ nhiệm CLB Hoa Lư, nói: “Dù phải dành trọn giờ hành chính để phục vụ trường nghiệp vụ, nhưng chúng tôi vẫn khai thác CLB Hoa Lư khá hiệu quả và mỗi năm nộp lại cho trường khoản tiền lớn. Nguồn thu này đến từ việc mở những lớp dạy thể thao cho học sinh các trường phổ thông, đại học trong quận 1, cho thuê sân tổ chức các sự kiện... Nói chung, chúng tôi hoàn toàn có thể kiếm ra tiền để nuôi sống mình nếu được là đơn vị sự nghiệp có thu”.

Ngoài yếu tố kinh tế, CLB Hoa Lư còn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành thể thao TP.HCM. Ông Tường băn khoăn: “Từ khi có thông tin CLB Hoa Lư sẽ bị bán, rất nhiều người đã tìm tôi hỏi có phải thật vậy không. Ngoài phục vụ chính việc dạy thể thao của Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM, CLB Hoa Lư còn là nơi tập luyện của hơn 2.000 lượt người dân mỗi ngày. Nếu bán đi thì học viên trường nghiệp vụ sẽ tập ở đâu? Tôi nghĩ CLB Hoa Lư là trung tâm thể thao mang ý nghĩa truyền thống và đang hoạt động hiệu quả nên cần được cải tạo, nâng cấp để phục vụ người dân chứ không nên bán”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận