24/10/2019 10:15 GMT+7

Một thông tin được nói ra: 'Các bộ ngành 'thỏa hiệp' phân chia quyền quản lý'

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đã thẳng thắn nói ra sự thật từ thực tế này.

Một thông tin được nói ra: Các bộ ngành thỏa hiệp phân chia quyền quản lý - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) trình bày các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh - Ảnh: T.V.N

Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam dù tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, xếp thứ 67, nhưng môi trường kinh doanh vẫn tồn tại nhiều rào cản; không ít bộ, ngành còn 'thỏa hiệp' phân chia quyền quản lý.

Thông tin trên được bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM), đưa ra tại hội thảo "Năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và những thách thức đối với doanh nghiệp", do CIEM, Australian Ad và Aus4Reform phối hợp tổ chức ngày 24-10.

Theo bà Thảo, việc Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới đã thể hiện nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ.

Trong đó, rõ nhất về cải cách môi trường kinh doanh là việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, thay đổi phương thức quản lý chuyên ngành trong một số lĩnh vực, áp dụng giao dịch điện tử trong thực hiện các thủ tục hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách thanh-kiểm tra…

Tuy nhiên bà Thảo cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, trong đó điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại chính.

Xu hướng khá rõ là các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Thứ đến là quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Hay thanh - kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp. Cùng một quy định chính sách, nhưng cách thức thực thi khác nhau. Tình trạng tùy tiện áp dụng pháp luật, và phần "thua" luôn thuộc về doanh nghiệp vẫn phổ biến.

Cũng theo bà Thảo, có một số bộ, ngành đã “lợi dụng” yêu cầu về minh bạch và chế độ quản lý đối với các mặt hàng để mở rộng thêm đối tượng quản lý, mà thực chất đây chính là xu hướng mở rộng hoặc thay đổi đổi cách thức thực thi các rào cản kinh doanh.

Không ngại ngần chỉ rõ bộ ngành có "bệnh" thành tích nặng nhất là Bộ Công thương, bà Thảo cho biết khi công bố danh mục các mặt hàng (kèm mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, trong đó có hàng trăm mặt hàng sắt thép, dệt may được liệt kê trong danh mục.

Tuy nhiên, nội dung trong quyết định công bố danh mục của bộ chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan, mà chuyển sang…sau thông quan.

"Có hay không bệnh thành tích với số liệu báo cáo là hàng trăm mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ, nếu không muốn nói là có sự thỏa hiệp phân chia quyền quản lý giữa các bộ ngành?", bà Thảo nêu quan điểm.

Một bộ khác cũng được bà Thảo "điểm mặt" là Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Rà soát của CIEM cho thấy trước đây bộ này không thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành thì Bộ Lao động thương binh xã hội dường như “khai thác” cơ hội này để ban hành quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa.

"Điều này là phản cải cách và đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ", bà Thảo khẳng định.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam qua xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới được ghi nhận tăng 3,5 điểm và 10 bậc, từ hạng 77 lên hạng 67 trong năm 2019, một trong những nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất toàn cầu.

Trong đó, chỉ số trụ cột tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất là "ứng dụng công nghệ thông tin" với mức tăng 54 hạng, tương ứng 25,7 điểm, tiếp đến là độ mở "thị trường sản phẩm", tăng 23 hạng và 1,9 điểm và thứ ba là "mức độ năng động trong kinh doanh" tăng 12 hạng với 2,8 điểm.

Ngược lại, ba chỉ số giảm hạng lần lượt là y tế (giảm 3), hạ tầng (giảm 2) và hệ thống tài chính (giảm 1), trong khi các chỉ số quan trọng khác như "ổn định kinh tế vĩ mô" giữ nguyên hạng 64, hoặc chỉ tăng nhẹ 3 hạng cho chỉ số "quy mô thị trường", "thể chế" chỉ tăng 5 hạng (xếp thứ 89), hay "thị trường lao động" tăng 7 hạng (xếp thứ 83).

Thủ tướng nhắc 3 lần, bộ ngành mới có kế hoạch hành động về CPTPP Thủ tướng nhắc 3 lần, bộ ngành mới có kế hoạch hành động về CPTPP

TTO - Không những chậm trễ trong ban hành kế hoạch hành động triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các bộ ngành và địa phương còn xây dựng kế hoạch rất chung chung.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên