21/06/2011 08:28 GMT+7

Mua nhà hơn 30 năm vẫn bị đòi lại?

CHI MAI
CHI MAI

TT - Căn nhà đã được mua bán từ hơn 30 năm trước, người mua đã cư ngụ hợp pháp suốt từ đó đến nay. Thế nhưng, bản án phúc thẩm cuối cùng lại tuyên buộc người mua phải trả lại nhà (?!).

zOF1y44y.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Phan Đăng Diên và căn nhà bị đòi lại - Ảnh: Nhất Hùng

Căn nhà tranh chấp nói trên ở đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có diện tích đất hơn 63m2. Theo ông Phan Đăng Diên, ông mua nhà của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Lan và bà Lê Thị Vỹ, trả tiền nhà làm hai lần (năm 1977 và năm 1979), mỗi lần 500 đồng. Hai bên có viết một giấy chuyển nhượng chung đề ngày 27-9-1977, có cả ông Lan và bà Vỹ cùng ký tên.

Năm 1995 ông Lan chết, năm 2003 bà Vỹ khởi kiện đòi nhà. Theo bà Vỹ, vợ chồng bà cho gia đình ông Diên thuê nhà trên để ở (lúc đó là gara xe). Mấy năm đầu gia đình ông Diên trả tiền thuê đầy đủ nhưng sau đó không trả nữa. Không có việc vợ chồng bà bán nhà cho ông Diên, bà không biết giấy chuyển nhượng nhà đất mà ông Diên đưa ra, cũng không ký tên vào giấy này.

3 lần giám định, 3 kết quả khác nhau

Khi xử sơ thẩm (lần thứ nhất) năm 2004, TAND TP Đà Lạt đã tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu do xác định căn nhà là tài sản chung của vợ chồng bà Vỹ - ông Lan mà chỉ có một mình ông Lan ký tên mua bán (theo kết quả giám định của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, chữ ký trong giấy mua bán không phải của bà Vỹ). Mặt khác, đây là mua bán giấy tay nên không phù hợp quy định.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, khi giao dịch vô hiệu thì các bên phải trả cho nhau những gì đã nhận. Chính vì vậy, tòa tuyên ông Diên phải trả lại nhà cho bà Vỹ và bà Vỹ trả lại cho ông Diên khoản tiền mua nhà, được định giá là 195 triệu đồng. Các bên cùng kháng cáo.

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng (tháng 4-2005) công nhận có việc ông Lan tự ý ký giấy bán nhà cho ông Diên mà không có ý kiến của bà Vỹ. Tòa phúc thẩm nhận định không có căn cứ về việc ông Lan đã nhận đủ tiền bán nhà, vì thế tuyên buộc ông Diên phải trả lại căn nhà cho bà Vỹ, ghi nhận bà Vỹ “tự nguyện hỗ trợ” cho ông Diên 100 triệu đồng.

Quá bức xúc trước bản án của TAND tỉnh Lâm Đồng, gia đình ông Diên tiếp tục gửi khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm.

Tháng 2-2006, TAND tối cao ra kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm lại vụ án, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Theo TAND tối cao, việc thu thập mẫu chữ ký của bà Vỹ để làm cơ sở giám định là chưa phù hợp vì chữ ký mẫu thu thập ở thời điểm quá xa với thời gian ký trên giấy mua bán. TAND tối cao giao vụ việc về cấp sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. Xử sơ thẩm (lần thứ hai), TAND TP Đà Lạt vẫn xác định giao dịch này là vô hiệu. Bản án tiếp tục bị kháng cáo.

Khi xử phúc thẩm lại, gia đình ông Diên đã đề nghị tòa thu thập thêm mẫu chữ ký của ông Lan, bà Vỹ để gửi đi giám định lại, trong đó có mẫu chữ ký của hai ông bà vào thời điểm làm chứng minh nhân dân năm 1978. Theo kết luận giám định ngày 27-6-2008 của phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng thì các chữ ký trên giấy bán nhà chính là của ông Lan và bà Vỹ.

Không đồng ý, bà Vỹ đã đề nghị giám định lại. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an sau đó xác nhận chữ ký ông Lan là đúng. Còn về chữ ký bà Vỹ, kết luận cho rằng các mẫu chữ ký “có đặc điểm giống nhau” nhưng do quá ít mẫu chữ ký để đối chiếu nên “không đủ cơ sở kết luận”.

Tháng 4-2009, TAND tỉnh Lâm Đồng đã căn cứ kết luận giám định cuối cùng này của Bộ Công an để tuyên việc mua bán nhà là vô hiệu. Tuy nhiên, cách giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu của TAND tỉnh Lâm Đồng thật khác người: tòa tuyên ông Diên phải trả lại nhà cho bà Vỹ, bà Vỹ cùng các đồng thừa kế của ông Lan trả lại cho ông Diên nửa trị giá căn nhà (vì cho rằng ông Lan chỉ có quyền định đoạt nửa trị giá căn nhà là tài sản chung vợ chồng).

Theo kết quả định giá tại thời điểm xét xử, căn nhà trị giá 415 triệu đồng nên ông Diên chỉ được nhận lại số tiền hơn 207 triệu đồng.

Theo gia đình ông Diên, bản án phúc thẩm trên là không có căn cứ, gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông khi không xem xét đến nhiều chứng cứ khác do UBND phường, những người hàng xóm xung quanh, tổ dân phố xác nhận về việc mua bán nhà.

Cần thiết phải kháng nghị giám đốc thẩm

Có thể thấy phán quyết của TAND tỉnh Lâm Đồng trong vụ án này đã không dựa trên căn cứ pháp luật đầy đủ. Trong vụ án này, kết luận của các cơ quan giám định về chữ ký của bà Vỹ mâu thuẫn nhau. Kết luận của hội đồng giám định trong lần giám định cuối cùng cũng chỉ là “không đủ cơ sở kết luận”.

Trong trường hợp này, để việc xét xử khách quan và toàn diện, TAND tỉnh Lâm Đồng cần thu thập thêm chữ ký (hoặc yêu cầu phía bà Vỹ cung cấp thêm mẫu chữ ký) để tiến hành trưng cầu giám định lại trước khi ra phán quyết cuối cùng.

Ngoài ra, theo nhiều tài liệu trong hồ sơ vụ án (như lời khai của những người làm chứng, các văn bản về kê khai nhà đất, nộp thuế nhà đất hằng năm...), có thể thấy việc mua bán nhà giữa ông Phan Đăng Diên và vợ chồng ông Lan, bà Vỹ đã hoàn thành vào thời điểm năm 1979 (các bên đã giao nhận tiền, bên mua đã nhận nhà xong và cư ngụ từ đó đến nay).

Trong trường hợp này, tòa án cần áp dụng nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991, công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên