11/01/2024 20:09 GMT+7

Muốn địa phương phát triển nhưng làm nhiều sẽ có hạn chế, mong biết sớm để chấn chỉnh

Đó là chia sẻ được đưa ra tại hội nghị sơ kết 10 năm giữa Kiểm toán Nhà nước với thường trực HĐND, UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết luôn sẵn sàng lắng nghe, phối hợp với các bên trong công tác kiểm toán, đào tạo, nâng cao kiến thức tài chính... Ngoài ra nỗ lực thúc đẩy việc ban hành các cơ chế phù hợp tình hình thực tế - Ảnh: BÔNG MAI

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết luôn sẵn sàng lắng nghe, phối hợp với các bên trong công tác kiểm toán, đào tạo, nâng cao kiến thức tài chính... Ngoài ra nỗ lực thúc đẩy việc ban hành các cơ chế phù hợp tình hình thực tế - Ảnh: BÔNG MAI

Tại hội nghị diễn ra vào chiều nay 11-1, bà Hà Thị Mỹ Dung - phó tổng Kiểm toán Nhà nước - chia sẻ những năm qua việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị kể trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác mỗi bên, tác động tích cực đến hoạt động quản lý trong vấn đề lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, quản lý tài sản công… 

"Nhiều lúc muốn nói hết nhưng khó có ai chia sẻ"

Báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp, ông Trần Khánh Hòa - kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực IV - cho biết hằng năm các đơn vị đã phối hợp trong xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán... 

Đặc biệt, trong năm 2023 KTNN khu vực IV đã phối hợp UBND tỉnh/thành phố để rà soát, tổ chức thực hiện các kết luận và các kiến nghị về việc xử lý tài chính còn tồn đọng từ nhiều niên độ trước, góp phần tránh thất thoát 12.403 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Võ Văn Minh nhận định việc phối hợp với Kiểm toán Nhà nước đã giúp nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Tỉnh nỗ lực phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác giám sát, điều hành.

Ông Nguyễn Văn Út - chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho hay qua hơn 10 năm thực hiện, quy chế đã giúp các địa phương có cách nhìn và đánh giá lãnh đạo điều hành quản lý nhà nước, cụ thể hóa các nghị định pháp luật ở góc độ rất thực tế, sát với cơ sở.

Theo ông Út, pháp luật quy định rõ, nhưng lúc triển khai vấp nhiều, nhiều lúc muốn nói hết nhưng khó có ai chia sẻ, vì vậy rất trân trọng sự lắng nghe và hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua. 

Thông qua kiểm toán chuyên đề, địa phương có thể nhìn sâu hơn, phát triển kinh tế xã hội trong các lĩnh vực đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng…

"Kiểm toán vào chỉ ra những góc khuất pháp luật, giúp tỉnh điều chỉnh kịp thời, hạn chế thấp nhất sai sót", lãnh đạo UBND tỉnh Long An nói. 

Theo ông, ai cũng muốn địa phương phát triển, nhưng làm càng nhiều sẽ càng bộc lộ các hạn chế, do đó mong muốn được biết sớm để chấn chỉnh, vì "để thời gian dài thì càng nguy hiểm".

TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tây Ninh cùng ký quy chế phối hợp công tác với Kiểm toán Nhà nước - Ảnh: BÔNG MAI

TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tây Ninh cùng ký quy chế phối hợp công tác với Kiểm toán Nhà nước - Ảnh: BÔNG MAI

Kiểm toán tinh gọn, không chồng chéo phiền hà, đảm bảo chất lượng

Trong khi đó, ông Phạm Thành Kiên - phó chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng các hoạt động kiểm toán có vai trò quan trọng, giúp TP nâng cao tính công khai và minh bạch, nâng chất hoạt động giám sát về ngân sách, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội.

Tiếp ý, ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chia sẻ từ năm 2003 đến nay, phía TP đón nhận gần 100 báo cáo về kết luận, kiểm toán ngân sách địa phương… hằng năm, giúp quá trình quản lý ngân sách ngày càng minh bạch, rõ ràng, đúng quy định pháp luật. TP cũng khắc phục, thu hồi cho ngân sách nhà nước những khoản chi chưa đúng, thậm chí sai.

Dịp này, phía TP.HCM cũng kiến nghị được cởi bỏ những cơ chế chính sách không phù hợp với tình hình thực tế. 

Chẳng hạn, TP không thực hiện được một số kiến nghị của kiểm toán, trong trường hợp đơn vị liên quan đến kiến nghị đã bị giải thể, cá nhân nghỉ việc, một số người bị chuyển sang cơ quan điều tra và chờ xử lý…

Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các địa phương, ông Ngô Văn Tuấn - tổng Kiểm toán Nhà nước - cho biết năm 2023 hoạt động kiểm toán hoàn thành khá toàn diện công việc. 

Công tác kiểm toán được thực hiện "với tinh thần gọn nhưng chất lượng". Theo đó, triển khai 129 nhiệm vụ (giảm 49 nhiệm vụ so với năm liền trước), đồng thời giảm số lượng đoàn kiểm toán.

Kết thúc năm 2023, đơn vị đã phát hành 173 báo cáo, kiến nghị tăng thu hơn 4.000 tỉ đồng và giảm chi gần 8.000 tỉ đồng, chuyển 299 hồ sơ báo cáo kiểm toán cho cơ quan thanh tra và điều tra... 

Thời gian qua, đơn vị cũng tự có những bài học cho riêng mình, để tham gia rất tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội.

Ông Tuấn chia sẻ thời gian tới sẽ có đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về vấn đề kiểm toán, đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Phó thủ tướng giao Hà Nội sử dụng kiểm toán để xử lý dự án đô thị nam đường vành đai 3Phó thủ tướng giao Hà Nội sử dụng kiểm toán để xử lý dự án đô thị nam đường vành đai 3

UBND TP Hà Nội cần sử dụng kiểm toán để đảm bảo khách quan, minh bạch trong thực hiện thanh toán hợp đồng BT với nhà đầu tư Bitexco.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên