21/10/2019 09:33 GMT+7

Mỹ rời Syria, Hàn lại lo

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới tại Hawaii từ ngày 23-10 về việc chia sẻ chi phí để duy trì 28.500 quân thuộc các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Diễn biến ở Syria đã được đưa ra làm gương ở Hàn Quốc.

Mỹ rời Syria, Hàn lại lo - Ảnh 1.

Các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc từng bị Tổng thống Trump chê bai là tốn tiền vô ích - Ảnh: AFP

Việc rút quân, bỏ rơi người Kurd này rõ ràng là thông điệp gửi cho Hàn Quốc liên quan chuyện chia sẻ chi phí quân sự: có trung thành, có đồng minh trong quá khứ cũng không có nghĩa lý gì.

JEFFREY ROBERTSON (giáo sư chuyên về đối ngoại của Hàn Quốc ở ĐH Yonsei tại Seoul)

Nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc là Jeong Eun Bo và người đồng cấp Mỹ James Dehart sẽ gặp nhau tại Honolulu (Hawaii) trong hai ngày 23 và 24-10 bàn về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA). 

Vòng đàm phán gần nhất đã diễn ra tại Seoul hồi tháng trước. Nhưng với ông Jeong, đây là lần đầu tiên vị quan chức tài chính kỳ cựu này giữ vai trò trưởng đoàn của Hàn Quốc.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ chia sẻ phần chi phí quốc phòng ở mức hợp lý, trên lập trường tổ chức các cuộc tham vấn chặt chẽ với phía Mỹ. Hội đồng An ninh quốc gia của Hàn Quốc cũng đã nhóm họp để xem lại các vấn đề liên quan đàm phán về chia sẻ chi phí.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo cam kết nỗ lực để đạt được một thỏa thuận "cùng thắng" trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ. 

Phát biểu trước Quốc hội, ông Jeong Kyeong Doo thuyết phục rằng cần xem xét vấn đề chi phí quân sự trong một khuôn khổ rộng rãi hơn của liên minh Hàn-Mỹ, ám chỉ việc đóng góp của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đối với hòa bình - an ninh trên bán đảo Triều Tiên và sự hỗ trợ của Washington dành cho chính sách đối ngoại của Seoul. 

Liên quan đến việc Mỹ yêu cầu Hàn Quốc trả 5 tỉ USD cho chi phí duy trì binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Jeong nhấn mạnh rằng con số chính xác vẫn chưa được quyết định.

Hồi tháng trước, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc đối thoại về SMA để xác định Seoul sẽ trả bao nhiêu cho chi phí đồn trú khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Theo SMA năm nay, ký hồi tháng 2 và sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới, Seoul đã nhất trí trả 1.040 tỉ won (879 triệu USD), tức tăng 8,2% so với mức 960 tỉ won của năm trước. Mỹ từng yêu cầu Hàn Quốc phải tăng khoản đóng góp lên 1,2 tỉ USD.

Việc yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho chi phí quốc phòng chung là chủ đề ưa thích của ông Trump trước và sau bầu cử tổng thống 2016. Từ khi lên nhậm chức, ông biến nó thành một trong những chủ trương quyết liệt để tỏ rõ quyết tâm thực thi lời hứa với cử tri. Ông làm điều đó không chỉ với Hàn, mà cả với Nhật và NATO. 

Lập luận của ông rất "nước Mỹ trên hết": người Mỹ không rảnh đâu để mất cả sinh mạng binh sĩ lẫn tiền bạc đi bảo vệ an ninh cho nước khác, bất chấp những cảnh báo đó là giải pháp bảo vệ an ninh từ vòng ngoài, từ xa cho nước Mỹ...

Ông Trump từng tuyên bố Mỹ "đã chi bộn tiền" để trợ giúp Hàn Quốc và các đồng minh khác mà không nhận lại được nhiều. Phát biểu với báo giới ngày 4-9 vừa qua, Tổng thống Trump nêu rõ Washington đã trợ giúp quốc phòng cho các đồng minh ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, hay một số nước khác như Philippines. Tuy nhiên, ông cho rằng những hành động này của Mỹ chưa được đánh giá thỏa đáng.

Để thực thi ý định của mình tại Hàn Quốc, người ta thấy ông Trump cũng nỗ lực tìm hướng phi hạt nhân hóa lâu dài cho bán đảo Triều Tiên, giảm đi mối lo đe dọa quân sự, tức giảm đi các biện pháp hỗ trợ quân sự cho Hàn. 

Bên cạnh đó, người ta cũng thấy tổng thống Hàn quyết liệt đi theo con đường tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York trong tháng rồi, Tổng thống Moon Jae In cũng đã nêu ý tưởng biến khu phi quân sự DMZ giữa hai miền thành khu hòa bình quốc tế.

Tuy nhiên, tờ Chosun Ilbo - nhật báo lớn nhất của Hàn Quốc - mới đây thậm chí có bài xã luận cảnh báo Seoul nên xem gương "Mỹ phản bội đồng minh người Kurd ở Syria". Tờ báo còn kết luận xanh rờn: "Lý do chính yếu của sự phản bội đó chỉ là tiền".

1.000 lính Mỹ ở Syria sẽ chuyển sang Iraq 1.000 lính Mỹ ở Syria sẽ chuyển sang Iraq

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 19-10 tuyên bố toàn bộ gần 1.000 lính Mỹ đang rút khỏi đông bắc Syria sẽ được điều động đến miền tây Iraq.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên