Ngã rẽ của trái phiếu doanh nghiệp

NAM MINH 16/10/2022 06:16 GMT+7

TTCT - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ suy thoái trên diện rộng sau giai đoạn tăng trưởng quá nóng.

Ngã rẽ của trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh: Harvard Business Review

Tiếp sau sự kiện Tân Hoàng Minh, các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới đây bị cáo buộc có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trong giai đoạn 2018-2019. Sự kiện này có thể kích hoạt tâm lý tháo chạy trên thị trường tài chính.

Nguy cơ mất khả năng thanh toán trên thị trường trái phiếu ngày một lớn dần. Mới đây, Công ty cổ phần VKC Holdings thông báo tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu vào ngày 9-9 cho các trái chủ của đợt chào bán quy mô 200 tỉ đồng thực hiện cuối năm 2021. 

Lý do được đưa ra là công ty phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu của ban lãnh đạo trước đây. Dù vậy, quyền lợi của trái chủ như thế nào thì VKC vẫn không đưa ra câu trả lời.

Kết thúc một chu kỳ bùng nổ

Kênh đầu tư cổ phiếu quá rủi ro, lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng không hấp dẫn là lý do thúc đẩy các định chế tài chính và nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội với kênh trái phiếu doanh nghiệp những năm gần đây. Một số doanh nghiệp cũng thấy phát hành trái phiếu là sản phẩm huy động vốn tiềm năng, lại không chịu thủ tục chặt chẽ như phương thức vay vốn thông thường.

Kết quả là giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu tăng trưởng khá nóng. 2021 là năm bùng nổ nhất với khối lượng phát hành trong nước lên tới hơn 658.000 tỉ đồng, tăng 42% so với năm trước (theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, VBMA). 

Tổng số đợt phát hành trên thị trường trong nước lên tới 1.033, quy mô trung bình của mỗi đợt là 636 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2020. Tính đến cuối năm ngoái, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 12% tổng dư nợ cả nền kinh tế.

Về chủ thể phát hành, nhóm ngân hàng thương mại chiếm tỉ trọng lớn nhất, với gần 40% khối lượng trái phiếu được phát hành, nhằm huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng cuối năm và tuân thủ các quy định theo Basel II. Đứng thứ hai là trái phiếu bất động sản, chiếm 35% tổng khối lượng phát hành.

Dù tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP mới ở mức 14,75% - còn thấp so với một số nước trong khu vực như Malaysia (56%), Singapore (38%) hay Thái Lan (25%). Những con số đó khiến nhiều người tin rằng tương lai của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hứa hẹn.

Nhưng sang 2022, thị trường bất ngờ "quay xe" khi Chính phủ bắt đầu các động thái siết chặt thị trường tài chính này. Các sự kiện như Tân Hoàng Minh càng khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng. 

Ghi nhận của Vndirect cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành quý 2-2022 chỉ đạt 111.814 tỉ đồng, giảm mạnh 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý gồm hai ngân hàng và một tập đoàn đa ngành. 

Đáng chú ý, tổng giá trị phát hành của ngành bất động sản giảm mạnh, chỉ 12.248 tỉ đồng trong quý 2, giảm 78,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro trập trùng

Mối quan hệ giữa trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản là điều được giới phân tích rất lưu tâm, nhất là nhìn vào bài học của Trung Quốc từ biến cố Evergrande gần đây. Làn sóng phát hành khá dễ dàng trong năm qua khiến thị trường trái phiếu đứng trước nguy cơ lớn. 

Khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ hay lợi nhuận mỏng vẫn phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu. Ngoài ra theo ghi nhận của VBMA, có khoảng 9% khối lượng trái phiếu phát hành năm 2021 không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu - một hình thức thế chấp rủi ro lớn xét theo biến động thị trường chứng khoán thời gian qua.

Trong cơ cấu người mua trái phiếu, có tới 62% nhà đầu tư sơ cấp là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, và được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, 3/4 trái phiếu lưu hành trên thị trường là của doanh nghiệp không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, ước tính của Hãng Fiingroup cho thấy chỉ riêng ngành bất động sản đã chiếm gần 41% tổng giá trị đáo hạn. Áp lực đáo hạn trái phiếu tính riêng trong quý 4-2022 lên tới 79,67 nghìn tỉ đồng và sẽ tăng mạnh lên 316,51 nghìn tỉ đồng vào năm 2023. Có thể thấy dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.

Vì vậy theo Fiingroup, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn cho các doanh nghiệp phải xoay xở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay. Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới còn khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang.

Có thể thấy bữa tiệc bùng nổ trái phiếu nhiều năm qua đã đứng trước khúc quanh suy thoái và kết thúc. Thị trường sẽ cần được cơ cấu lại với các quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cá nhân, từ đó hướng đến một chu kỳ phát triển lành mạnh và trật tự hơn. ■

Cần một thị trường chuyên nghiệp

Chính phủ cũng đã nhìn ra nguy cơ hiện hữu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi ban hành nghị định 65/2022 sửa đổi bổ sung nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ, hướng tới mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn phát hành trái phiếu và sàng lọc đối tượng được tham gia mua bán trái phiếu.

Với nhiều quy định mới, nghị định 65 được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành và khai thông dòng vốn từ kênh huy động này. Cụ thể, nghị định quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp ngoài nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỉ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liên tiếp. Điều này được cho sẽ ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Các đơn vị phát hành cũng được yêu cầu bổ sung hồ sơ chào bán và phương thức phát hành chặt chẽ hơn. Đặc biệt, nghị định 65 yêu cầu phải có xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp phát hành.

"Đây là quy định thích hợp và phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam, cũng như hướng tới hoạt động thị trường hiệu lực và hiệu quả. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho nhà đầu tư, mà cả nhà phát hành và thị trường nói chung", Hãng Fiingroup nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận