13/11/2021 09:01 GMT+7

Ngăn bùng dịch, giảm tử vong

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - TP.HCM là địa phương có số ca mắc và ca tử vong hằng ngày cao nhất nước. Làm sao để vừa ngăn bùng dịch, vừa giảm số ca tử vong đang là bài toán được đặt ra lúc này.

Ngăn bùng dịch, giảm tử vong - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: HOÀN LÊ

Nhưng bằng cách nào?

Phải đưa túi thuốc đến F0 nhanh nhất

Bên cạnh các trạm y tế lưu động, các đội phản ứng nhanh và chuẩn bị lực lượng dự bị chống dịch, vài ngày nay các hình thức chống dịch vốn có của đợt dịch thứ 4 lại được ngành y tế TP.HCM kích hoạt. Đó là kích hoạt mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho F0; thành lập đội phản ứng nhanh giám sát tình hình ở 22 địa phương khi phát sinh ổ dịch để hỗ trợ qua điện thoại và đổ quân xuống dập ổ dịch (nếu cần).

BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - cho rằng ngoài các biện pháp căn bản, để ngăn dịch thì người dân phải thực sự ý thức tuân thủ các biện pháp 5K một cách thuần thục, tự nhiên chứ không phải là thực hiện theo kiểu đối phó. "Điều quan trọng hàng đầu là phải bổ sung lực lượng cho y tế cơ sở nhằm cung ứng kịp thời thuốc kháng virus Molnupiravir đến các F0" - BS Vân Anh nói.

Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có yêu cầu tất cả F0 đang cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở cách ly phải được cấp phát túi thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Sở thành lập tổ tham mưu có nhiệm vụ cập nhật hằng ngày số lượng F0 của từng quận, huyện. Chỉ cần quận, huyện nào có số F0 tăng thì phải cập nhật, bổ sung ngay trạm y tế lưu động. 

Tất cả trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân, đặc biệt là tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà cho người F0; tiếp nhận danh sách người F0 từ các nơi chuyển đến hoặc người dân tự khai báo sau khi tự xét nghiệm có kết quả dương tính.

Tiêm hai mũi vẫn tử vong, tại sao?

Về lý do vẫn có những bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vắc xin COVID-19 tử vong, TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho rằng có trường hợp đã tiêm chủng nhưng thời gian sau tiêm mũi 2 chưa đủ 2 tuần tính đến thời điểm nhiễm bệnh.

Một đại diện Sở Y tế cho biết phân tích sơ bộ cho thấy đa số ca tử vong do bệnh lý nền, cao tuổi, chưa tiêm vắc xin chiếm trên 90%. Đặc biệt có một số bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi nhưng vẫn tử vong do tuổi quá cao và mang cùng lúc nhiều bệnh nền. 

Một nguyên nhân khiến các F0 tử vong là do không biết mình bị COVID-19, khi trở nặng chuyển đến bệnh viện mới biết mắc COVID-19, lúc ấy mọi can thiệp hầu như đã quá muộn.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, cho đến nay qua khảo sát chưa ghi nhận ca tử vong ở người mắc COVID-19 đã tiêm đầy đủ 2 mũi AstraZeneca, với vắc xin Pfizer có ghi nhận ít nhất 1 ca tử vong nhưng đây là trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền. Có một số trường hợp tử vong ở người đã tiêm vắc xin loại khác và đủ mũi.

Cần kịch bản mới

Theo báo cáo của CDC TP.HCM, trong ngày 11-11 số ca tử vong do COVID-19 ở TP.HCM là 38 ca, trong đó 34 trường hợp có bệnh nền. Nhóm nguy cơ cao tử vong do COVID-19 hiện nay là nhóm những người mắc bệnh nền, cao tuổi, đặc biệt là những người bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày và chưa tiêm vắc xin.

Không chỉ TP.HCM, số ca tử vong chung toàn quốc từ thời điểm nới giãn cách xã hội đến nay luôn ở mức 70 - 80 ca/ngày, tương đương những ngày cuối của 3 tháng giãn cách xã hội. Điều này cũng làm người dân lo lắng, trong khi tỉ lệ phủ vắc xin đã tăng cao.

Ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các địa phương đều đang xây dựng kịch bản để ứng phó trong tình hình mới. Như Hà Nội đã xây dựng kịch bản 40.000 ca mắc, trong đó có 32.000 nhẹ, không triệu chứng, 8.000 ca có biến chuyển nặng; TP.HCM có 4 kịch bản ứng phó… 

Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur nghiên cứu tải lượng virus ở người mắc đã tiêm chủng để có kế hoạch ứng phó trong khi tỉ lệ tiêm chủng đã tăng cao

Cần siết thì phải siết

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp Quốc hội vào sáng 12-11 về việc số ca F0 tại TP.HCM hiện nay có xu hướng tăng lên trong giai đoạn bình thường mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay việc F0 tăng nằm trong dự kiến vì khi mở cửa sẽ tăng giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn nên số F0 tăng lên.

"Tăng đến mức độ nào, phải tới mức hạn chế lại hoạt động chưa thì hiện có nơi ở mức 3, có nơi mức 2, có nơi mức 1, cái chung là đang ở mức 2, đang có chuyển biến ngày càng tăng ca nhiễm" - ông Mãi thông tin và khẳng định "nếu tới mức phải siết lại thì phải siết, còn hiện TP đang đánh giá hằng tuần".

Bộ Y tế tối 12-11 công bố có thêm 8.982 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ 200 của đợt dịch thứ 4 với tổng số ca lên 1.004.879.

24 giờ qua TP.HCM có 1.388 ca, tăng 203 ca so với hôm trước. Trong ngày ghi nhận 81 ca tử vong: tại TP.HCM 42, Bình Dương và Tiền Giang 5, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu đều 4...

* Đà Nẵng: phân bệnh, điều trị sớm

Mặc dù là địa phương có số ca mắc COVID khá cao trong đợt dịch trước nhưng tỉ lệ người tử vong ở Đà Nẵng chỉ ở mức tương đương 0,6%. Một trong những điểm mấu chốt được lãnh đạo Đà Nẵng xác định là việc phải sớm phát hiện các trường hợp mắc mới, tổ chức phân loại điều trị, tránh để xảy ra tình trạng quá tải.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng, vào thời điểm dịch căng thẳng tháng 8 vừa qua, dù tỉ lệ người được tiêm vắc xin chưa cao nhưng nhờ thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện F0 sớm nên đa số người bệnh điều trị ở tầng điều trị thứ nhất, thứ hai.

Sau khi khống chế dịch, Đà Nẵng vẫn tiếp tục xét nghiệm diện rộng. Trung bình mỗi tháng 1 lần sẽ lấy mẫu xét nghiệm với tỉ lệ 30% người đại diện hộ gia đình trong toàn thành phố và các nhóm nhiều nguy cơ.

TRƯỜNG TRUNG

* Hà Nội: lập trạm y tế lưu động khi dịch lây lan rộng cộng đồng

Tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp. Các ca mắc mới ghi nhận trong ngày thời gian gần đây đa số duy trì ở 3 con số, trong đó có nhiều trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội cho biết trước những diễn biến mới của dịch bệnh, TP có kế hoạch sẽ lập 508 trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, TP sẽ theo chiến lược dịch bùng phát mạnh ở đâu sẽ lập trạm y tế lưu động tại địa phương đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Chung - phó giám đốc Sở Y tế - cho biết căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch, các địa phương sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để thiết lập trạm y tế lưu động. Ông Chung nói thêm 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách. Các trạm y tế lưu động này sẽ hoạt động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.

PHẠM TUẤN

* Cần Thơ: củng cố trạm y tế lưu động

Cần Thơ thay đổi chiến lược chuyển hướng điều trị COVID-19 ngay từ cộng đồng bằng cách nâng cao năng lực y tế cơ sở. Chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 tại cộng đồng bằng test nhanh định kỳ tại các khu vực nguy cơ rất cao như: cơ sở y tế và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp…

Ngay khi phát hiện ca nghi ngờ mắc COVID-19 thì kích hoạt các đội phản ứng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, khoanh vùng và cách ly tại chỗ trước. Sau khi đội phản ứng nhanh lấy mẫu xét nghiệm sẽ gửi đầy đủ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.

Chiến lược mới là truy vết, khoanh vùng nhanh, cách ly tạm lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả nhanh (từ 12 - 24 giờ). Nguyên tắc chung là xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ nhưng phong tỏa diện hẹp, đúng trọng tâm và phải kiểm soát được hạn chế lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly phong tỏa.

T.LŨY

14a

Tiêm ngừa tại Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

* Bình Dương đưa trạm y tế lưu động đến tận nhà máy

Ông Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết các trạm y tế lưu động được duy trì liên tục tại cơ sở để hỗ trợ phát hiện, theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Hiện Bình Dương đã có 153 trạm y tế lưu động.

Về kinh nghiệm trước đây Bình Dương có tỉ lệ mắc COVID-19 cao gần giống TP.HCM nhưng tỉ lệ tử vong thấp, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho rằng nhờ tỉnh chủ động xét nghiệm diện rộng sớm, phát hiện và điều trị F0 ngay. Bình Dương không giấu số ca nhiễm F0 mà khi xét nghiệm ra kết quả bao nhiêu sẽ công bố bấy nhiêu, vì vậy tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 tại Bình Dương được đánh giá là con số thực tế.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, đặc thù của Bình Dương là dân số trẻ, đa số trong độ tuổi lao động nên sức đề kháng tốt. Hầu hết F0 tại Bình Dương là không có triệu chứng (chiếm trên 80%), có tỉ lệ khỏi bệnh cao, tỉ lệ tử vong thấp.

BÁ SƠN

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại; nhiều ca tử vong đã tiêm vắc xin Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại; nhiều ca tử vong đã tiêm vắc xin

TTO - TP.HCM đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả tình huống xấu là khi ca mắc tăng, dịch bùng phát trở lại, nếu khả năng thu dung điều trị vượt ngưỡng là giãn cách như trước đây. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên