23/05/2019 11:10 GMT+7

Ngân hàng ý tưởng cho sản phẩm quốc phòng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trong phòng trưng bày các sản phẩm quốc phòng của Nhà máy Z131 - một nhà máy đóng quân tại miền núi phía Bắc, có nhiều sản phẩm cải tiến kỹ thuật xuất sắc nhận được bằng khen của Chủ tịch nước, Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng...

Ngân hàng ý tưởng cho sản phẩm quốc phòng - Ảnh 1.

Mô hình “Mỗi tuần một ý tưởng” đã phát huy tối đa sức sáng tạo của tập thể Nhà máy Z131 - Ảnh: MY LĂNG

"Mỗi tuần một ý tưởng" là mô hình của Đoàn thanh niên Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng). Mô hình này đã chắp cánh cho nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, có những ý tưởng thành đề tài công trình cấp toàn quân.

Trong phòng trưng bày các sản phẩm quốc phòng của Nhà máy Z131 - một nhà máy đóng quân tại miền núi phía Bắc, có nhiều sản phẩm cải tiến kỹ thuật xuất sắc nhận được bằng khen của Chủ tịch nước, Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng...

“Đại đa số ý tưởng của đoàn viên thanh niên đều được triển khai trong thực tế. Bên mình đặt chỉ tiêu triển khai trong thực tế là yếu tố hàng đầu chứ không phải là ý tưởng viết trên giấy.

Bí thư Đoàn ĐÀO QUỐC HÙNG

"Ngân hàng" ý tưởng cho nhà máy

Đại úy chuyên nghiệp Đào Quốc Hùng - bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy Z131 - cho biết: "Đoàn cơ sở Nhà máy Z131 là một trong những tổ chức Đoàn đứng đầu về phong trào thanh niên, đặc biệt là về hoạt động sáng kiến của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. 

Trung bình mỗi năm có 2-3 công trình tham gia sáng tạo cấp toàn quân và khoảng 100-200 sáng kiến đóng góp cho cơ sở. Mô hình Mỗi tuần một ý tưởng đã được phổ biến nhân rộng trong toàn tổng cục".

Mô hình này được phát triển từ năm 2016. "Mỗi tuần, mỗi đoàn viên phải có một ý tưởng, chủ yếu tập trung vào đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hằng tuần, sau khi tổng hợp ý tưởng, đội khoa học kỹ thuật trẻ nhà máy sẽ lựa chọn ra bốn ý tưởng tốt nhất để thực hiện, triển khai trong hoạt động sản xuất. 

Các ý tưởng này sẽ được chủ nhân viết thành sáng kiến gửi lên hội đồng khoa học nhà máy xem xét, góp ý, hỗ trợ. Những ý tưởng chưa được triển khai thì để tham khảo" - đại úy chuyên nghiệp Đào Quốc Hùng cho hay.

Mỗi năm, Đoàn thanh niên Nhà máy Z131 có khoảng 150 đề tài sáng kiến được triển khai, được hội đồng xem xét phê duyệt công nhận. 

Ngoài ra, hằng năm Đoàn thanh niên Nhà máy Z131 còn chủ trì 2-3 công trình cấp tổng cục, 4-5 công trình cấp nhà máy. 

"Ở nhà máy mình, thanh niên chiếm 40% lực lượng trong đơn vị và chiếm đến 80% lực lượng công nhân, cán bộ các phòng ban kỹ thuật. Khi có mô hình này, nhận một nhiệm vụ nào đó, họ đều suy nghĩ có sáng kiến gì để làm ra được sản phẩm nhiều hơn, đưa ra cách làm mới để tăng năng suất hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm tốt hơn" - bí thư Đoàn Nhà máy Z131 cho hay.

Các ý tưởng của đoàn viên thanh niên Nhà máy Z131 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực: tiết kiệm thời gian sửa chữa, đảm bảo vệ sinh công nghiệp, đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường cảnh quan, giảm nguy cơ hỏng sản phẩm... 

"Mô hình này đã thúc đẩy sự sáng tạo của đoàn viên, mang lại nguồn ý tưởng rất lớn cho nhà máy. Nhà máy giờ như có hẳn một "ngân hàng" ý tưởng vậy. Có năm có đến 20 sáng kiến. Có nhiều đoàn viên, tiền thưởng sáng kiến cuối năm thậm chí còn cao hơn tiền lương!" - bí thư Đoàn Nhà máy Z131 cười, cho hay.

Anh chàng tiến sĩ ở Nga về

Hiện nay Nhà máy Z131 có 300 đoàn viên, trong đó có 2 tiến sĩ ở nước ngoài về, 10 thạc sĩ được đào tạo trong và ngoài nước, còn lại là kỹ sư và công nhân. 

Anh Đỗ Mạnh Dũng, 34 tuổi, nhân viên phân xưởng dụng cụ Xí nghiệp cơ khí, là một trong những công nhân có nhiều ý tưởng đã được triển khai. Từ đầu năm đến giờ, Dũng đã có bốn sáng kiến được thực hiện. Đỗ Mạnh Dũng đã được UBND tỉnh tặng bằng khen với sáng kiến về công nghệ đánh bóng một sản phẩm xuất khẩu đi Nhật. 

"Sản phẩm này khách hàng yêu cầu độ bóng và độ chính xác rất cao. Công nghệ đánh bóng bình thường chưa đạt được nhưng với phương pháp của Dũng đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng" - bí thư Đoàn Nhà máy Z131 Đào Quốc Hùng cho hay.

Một trong những gương mặt trẻ nổi bật về sáng kiến trong Nhà máy Z131 là thiếu tá Nguyễn Văn Nam - anh chàng tiến sĩ sinh năm 1985. Thiếu tá Nguyễn Văn Nam hiện là phó giám đốc Xí nghiệp cơ khí. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam về nhà máy năm 2016 sau gần 10 năm học ở Nga. Anh chàng tiến sĩ này gây ấn tượng với lãnh đạo nhà máy bởi nhiều ý tưởng xuất sắc khi thực hiện những nhiệm vụ tổng cục và Bộ Quốc phòng giao, trong đó có nhiệm vụ rất khó liên quan đến tên lửa X.

Đóng góp lớn nhất của thiếu tá Nguyễn Văn Nam là đưa ra thiết kế mới của trang bị công nghệ cho tên lửa X. Trước đó hàng chục năm, tiến độ thực hiện nhiệm vụ chế tạo trang bị công nghệ và bán thành phẩm của tên lửa X bị vướng mắc do yêu cầu về độ chính xác quá cao, nhưng thiết bị gia công hiện tại của Việt Nam lại không đảm bảo được.

Hiện thiếu tá Nguyễn Văn Nam bắt đầu chế tạo đầu nổ giả của tên lửa tầm thấp Y. Thật bất ngờ khi biết một ngày, anh chàng tiến sĩ được anh em gọi vui là “Nam ngố” này có đến vài ý tưởng để giải quyết công việc.

“Khi được giao việc mà khối lượng công việc lớn, mỗi ngày bắt buộc mình phải có rất nhiều ý tưởng để giải quyết” - thiếu tá Nguyễn Văn Nam nói.

Vượt qua mặc cảm, góp ý tưởng sáng tạo cho cộng đồng Vượt qua mặc cảm, góp ý tưởng sáng tạo cho cộng đồng

TTO - Có một cô bạn khiếm thị mặc cảm với bản thân, thu mình lại với thế giới bên ngoài. Tổ chức UNICEF đến trường nói về doanh nghiệp xã hội giúp cô loé lên ý tưởng giúp đỡ cộng đồng?

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên