Ngành đăng ký đất đai: sao chưa bỏ độc quyền?

TTCT - Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tiến tới xã hội hóa dịch vụ công về nhà, đất, tạo thế cạnh tranh để phục vụ người dân tốt hơn, giảm áp lực cho hệ thống văn phòng đăng ký đất đai.

Hiện chỉ có một nơi giải quyết đăng ký giao dịch nhà, đất. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện chỉ có một nơi giải quyết đăng ký giao dịch nhà, đất. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau hơn một tháng thu các loại phí đăng ký nhà, đất theo mức mới (tăng gấp mấy chục lần so với mức phí cũ), Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (VPĐK) hiện còn nợ ba tháng lương của cán bộ, nhân viên. 

Lãnh đạo VPĐK cho biết nguồn thu sụt giảm do thị trường đóng băng, giao dịch nhà, đất giảm nên đơn vị này không đủ tiền trả lương cho nhân viên. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP tạm ứng cấp ngân sách 20 tỉ đồng để trả lương nhưng chưa được chấp nhận.

Tại sao cùng sống nhờ vào giao dịch nhà, đất nhưng các tổ chức hành nghề công chứng vẫn trụ được trong khi VPĐK lại nợ lương khiến nhiều người đặt vấn đề về năng lực và cách tổ chức bộ máy của đơn vị này.

Thế đứng "nửa hành chính nửa dịch vụ" của VPĐK

Theo quy định, VPĐK là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do UBND cấp tỉnh thành lập.

Về mảng dịch vụ công, VPĐK thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, cấp giấy hồng đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trích lục bản đồ địa chính… 

Bên cạnh đó, VPĐK còn có những nhiệm vụ như tham mưu cho UBND như là một cơ quan chuyên môn. Cụ thể, các chi nhánh VPĐK tham mưu cho UBND cấp huyện cấp giấy hồng lần đầu và cấp đổi, cấp lại; tham mưu đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý. 

Các công việc như lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi giấy chứng nhận; tham mưu thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; chỉnh lý bản đồ địa chính; trích lục bản đồ địa chính… cũng được giao cho đơn vị sự nghiệp này.

Như vậy, VPĐK hiện nay đứng hai chân: một chân làm dịch vụ hành chính công, một chân làm tham mưu cho cơ quan hành chính. Ngặt nỗi, nhiều dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai thì đơn vị này không được phép làm như đo vẽ bản đồ hiện trạng nhà, đất, cung cấp thông tin về nhà, đất. Chính vì vậy, cơ chế tài chính cho đơn vị này cũng khó quy về một mối.

Một số địa phương, chi phí hoạt động của VPĐK hoàn toàn nhận từ ngân sách, có nơi tự chủ tài chính một phần có ngân sách hỗ trợ và tại TP.HCM thì VPĐK tự chủ tài chính hoàn toàn. Do tự chủ tài chính hoàn toàn mà vẫn phải làm nửa nhiệm vụ của cơ quan tham mưu nên mới có chuyện "việc nhiều nhưng không có tiền" và nợ lương nhân viên 3-4 tháng ở VPĐK TP.HCM.

Những nhiệm vụ cũng là vị trí pháp lý của VPĐK đã từng được tranh cãi, nâng lên đặt xuống nhiều lần với câu hỏi: đây là đơn vị tham mưu hay đơn vị thực hiện dịch vụ hành chính công?

Trước đây, từng có đề xuất đưa thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký biến động về một "đầu mối" sở tài nguyên và môi trường hoặc UBND cấp huyện để quy về một mối, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc này sẽ tạo áp lực cho cơ quan nhà nước, đi ngược xu hướng cải cách hành chính nên không chấp nhận.

Để người dân có quyền lựa chọn

Bộ Tài chính ban hành đơn giá thu phí mới đối với các dịch vụ do VPĐK thực hiện nhằm thu đúng thu đủ công sức và giá trị của dịch vụ mà đơn vị này cung cấp cho người dân (TP.HCM áp dụng từ 1-6-2023). Người dân kỳ vọng việc trả phí dịch vụ cao hơn sẽ nhận lại chất lượng dịch vụ tương xứng như quy luật thị trường.

Nhưng liệu có sự "sòng phẳng" hay không khi giá dịch vụ tăng nhưng người sử dụng dịch vụ lại không được quyền lựa chọn? Ở TP.HCM và nhiều địa phương khác, mỗi căn nhà, thửa đất chỉ có thể đến đăng ký giao dịch ở một cửa duy nhất là chi nhánh VPĐK trên địa bàn quận, huyện nơi căn nhà tọa lạc. 

Người dân chỉ có 1 cửa để giao dịch nhà, đất. Ảnh: D.N.HÀ

Người dân chỉ có 1 cửa để giao dịch nhà, đất. Ảnh: D.N.HÀ

Không chọn dịch vụ ở nơi đó, coi như chủ nhà hết đường giao dịch. Vậy nên cho dù tăng phí giao dịch thì động lực để cải thiện dịch vụ của các đơn vị thuộc VPĐK cũng không nhiều. 

Bằng chứng là nhiều người dân vẫn bị trễ hẹn giải quyết hồ sơ mà không được thông tin hoặc xin lỗi, hồ sơ bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, cán bộ giải thích và hướng dẫn không đến nơi đến chốn… Nếu như người dân có hơn một quyền lựa chọn, chất lượng phục vụ chắc chắn sẽ tốt hơn.

Việc để người dân có hơn một quyền lựa chọn, tức có ít nhất hai nơi để đăng ký giao dịch cho một căn nhà, thửa đất thực ra không khó và đã có nơi thực hiện thành công. 

Ở Đồng Nai, chủ đất có thể nộp hồ sơ đăng ký đất đai ở bất kỳ chi nhánh VPĐK nào trên địa bàn tỉnh chứ không nhất thiết phải đến chi nhánh nơi miếng đất tọa lạc. Đất ở huyện Long Thành nhưng chủ đất có thể nộp hồ sơ tại chi nhánh VPĐK ở TP Biên Hòa vì tiện đường hay đơn giản vì nơi đây có… cô cán bộ xinh xinh.

Cách làm của VPĐK tỉnh Đồng Nai cũng là mơ ước của một cựu giám đốc VPĐK TP.HCM từ nhiều năm trước. Khi người dân có hơn một nơi để nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, các chi nhánh VPĐK sẽ cạnh tranh lẫn nhau bằng cách tăng chất lượng dịch vụ, làm tốt hơn để thu hút khách hàng. Khi đó, mức thu nhập của nhân viên các chi nhánh sẽ tỉ lệ thuận với lượng hồ sơ họ giải quyết.

Việc xóa bỏ địa giới hành chính trong đăng ký đất đai như ở Đồng Nai là không khó trong thời công nghệ thông tin phát triển hiện nay. 

Hoạt động công chứng trên địa bàn TP.HCM và cả nước cũng đã xóa bỏ quy định về địa giới hành chính từ lâu nhờ xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất. Hiện nay, người dân công chứng rất thuận tiện, các tổ chức công chứng ra sức cải thiện chất lượng dịch vụ để "sống còn" đúng cơ chế thị trường. Hệ thống VPĐK cũng cần phải cải tổ như vậy.■

Xã hội hóa dịch vụ công, dân được lợi trước tiên

Thời gian qua, nhiều dịch vụ công đã được xã hội hóa góp phần cải cách thủ tục, tinh gọn bộ máy nhà nước và nhất là tạo thuận lợi cho người dân. Nhiều dịch vụ công đã được cải thiện vượt bậc sau khi xã hội hóa.

*Dịch vụ công chứng: trước tháng 7-2007, người dân muốn công chứng chỉ có một cửa để lựa chọn với quy định địa hạt công chứng do UBND các tỉnh quy định.

Luật Công chứng 2006 (có hiệu lực năm 2007) xác định có hai loại tổ chức hành nghề công chứng là phòng công chứng và văn phòng công chứng, bỏ địa hạt công chứng trong phạm vi các tỉnh. Từ đó, người dân sử dụng dịch vụ công này dễ dàng hơn rất nhiều.

Người dân Củ Chi, Hóc Môn của TP.HCM không phải đi hàng chục cây số đến Gò Vấp, Tân Bình để chứng những loại giao dịch cần thiết, không còn tình trạng các phòng công chứng độc quyền, nhân viên hách dịch, nạt nộ khách hàng.

Các phòng công chứng và văn phòng công chứng cạnh tranh nhau về thái độ, dịch vụ tiện ích để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhiều tổ chức hành nghề công chứng còn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để bảo đảm lợi ích cho khách hàng nếu công chứng viên gặp rủi ro nghề nghiệp…

*Từ năm 2008, chủ trương xã hội hóa ngành đăng kiểm xe cơ giới được thí điểm ở Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó phát triển ra cả nước. Hoạt động đăng kiểm được xóa độc quyền. Người dân không còn chịu cảnh xe đang chạy ở Hà Giang, đến kỳ phải chạy về tận TP.HCM đăng kiểm mà có thể đăng kiểm tại bất kỳ nơi đâu.

Các trung tâm đăng kiểm tư nhân ra đời, chấm dứt cảnh xe cộ rồng rắn xếp hàng ở những trung tâm đăng kiểm nhà nước. Đây cũng là xu hướng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện hiệu quả nhằm đem đến dịch vụ chất lượng cao cho người dân.

Thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm bị điều tra khiến nhiều người đặt vấn đề về hiệu quả xã hội hóa dịch vụ công này. Một chuyên gia hành chính công cho rằng chủ trương xã hội hóa dịch vụ đăng kiểm là đúng, vấn đề là Nhà nước cần có hệ thống giám sát thật chặt chẽ, đảm bảo hoạt động này luôn đi đúng "đường ray" pháp luật.

THU DUNG - K.Y.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận