Ngành nghệ thuật biểu diễn trở lại: đằng sau doanh thu bán vé

TRÚC ANH 17/11/2023 03:22 GMT+7

TTCT - Ngoài những con số bề mặt từ tiền bán vé, như 13 triệu USD sau 2 đêm diễn của BlackPink ở Hà Nội, nền kinh tế địa phương thực sự hấp thụ được gì khi là nơi tổ chức những show diễn bùng nổ?

Buổi diễn của nhóm Foo Fighters ở Quebec (Canada) tháng 7-2023. Ảnh: JACQUES BOISSINOT/THE CANADIAN PRESS

Buổi diễn của nhóm Foo Fighters ở Quebec (Canada) tháng 7-2023. Ảnh: JACQUES BOISSINOT/THE CANADIAN PRESS

Sau hai năm ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, ngành nghệ thuật biểu diễn gần như đã trở lại ở khắp nơi. Ngoài những con số bề mặt từ tiền bán vé, như 13 triệu USD sau 2 đêm diễn của BlackPink ở Hà Nội, nền kinh tế địa phương thực sự hấp thụ được gì khi là nơi tổ chức những show diễn bùng nổ, giá vé đắt và bán chạy như tôm tươi?

"Nhờ lực đẩy từ các doanh nghiệp mở cửa trở lại hết công suất, cũng như mong muốn quay trở lại các hoạt động bên ngoài của người dân Canada, hầu hết các ngành về văn hóa, nghệ thuật, giải trí và tiêu khiển đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022" - Statistique Canada, cơ quan thống kê của Chính phủ Canada, nhận xét trong báo cáo tháng 8-2023. 

Theo đó, nhờ sự trở lại của các chương trình trực tiếp và hoạt động lưu diễn, ngành nghệ thuật biểu diễn đã có sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2022, với doanh thu trong lĩnh vực biểu diễn có lợi nhuận tăng 56,5%.

Dữ liệu tương tự từ Mỹ, Anh và Trung Quốc cho thấy bức tranh chi tiết hơn: tác động kinh tế thực sự của các buổi diễn, tổng số tiền bán vé không đại diện được hết cho toàn bộ các tay chơi trong ngành. Thêm nữa, phụ thuộc vào ngành biểu diễn nghệ thuật không phải là con đường bền vững.

"Đầu tàu kinh tế"

Báo cáo do nhóm tư vấn thuộc tập san Tourism Economics, một ấn phẩm của Oxford Economics Company, công bố tháng 7-2021 cho rằng ngành hòa nhạc và giải trí trực tiếp là "đầu tàu kinh tế đáng kể của Hoa Kỳ". Theo định nghĩa trong báo cáo, ngành này bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp và các chương trình kịch nghệ được tổ chức ở câu lạc bộ, nhà hát, sân vận động và các địa điểm khác, nhưng không bao gồm biểu diễn sân khấu, kịch Broadway và các sự kiện thể thao.

Không chỉ đơn thuần đo mức tăng trưởng doanh thu như Statistique Canada, báo cáo của Tourism Economics cung cấp thông tin chi tiết hơn về tác động kinh tế của ngành biểu diễn trực tiếp trong năm 2019, ngay trước đại dịch COVID-19. 

Chẳng hạn, tổng tác động kinh tế toàn quốc của ngành này là 132,6 tỉ USD, tạo ra 913.000 việc làm và đóng góp 17,5 tỉ USD tiền thuế (bao gồm gần 9,3 tỉ USD thuế liên bang và 8,3 tỉ USD từ thuế của tiểu bang và địa phương tổ chức sự kiện).

Con số 132,6 tỉ USD đến từ 3 loại tác động: trực tiếp (55,2 tỉ), gián tiếp (34,7 tỉ) và hiệu ứng lan tỏa (42,7 tỉ). Các nhà tổ chức sự kiện sẽ sử dụng dịch vụ, lao động địa phương cho khâu chuẩn bị, vận hành và hậu cần, mang lại tác động kinh tế trực tiếp (cùng với tiêu xài của người dự sự kiện từ nơi khác tới). 

Những nhà cung cấp dịch vụ này lại phải sử dụng dịch vụ và nhập hàng hóa từ nơi khác, dẫn đến tác động gián tiếp. Cuối cùng, nhà bán hàng, nhân viên hay lao động hưởng lợi từ sự kiện sẽ dùng số tiền kiếm được để tiêu xài, tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế dưới dạng tác động hiệu ứng (induced impact).

Tóm lại, "tác động kinh tế của các sự kiện trực tiếp đã vượt ra ngoài chuyện tạo công ăn việc làm, bản thân sự kiện và địa điểm tổ chức, lan sang cả nhà hàng, khách sạn, quán bar, nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ địa phương" - các tác giả viết.

Một lễ hội âm nhạc ở Mỹ.

Một lễ hội âm nhạc ở Mỹ.

Coi chừng không bền vững

Tại Trung Quốc, tâm lý "chi tiêu phục thù" sau nhiều năm ảnh hưởng đại dịch của người tiêu dùng cũng khiến ngành nghệ thuật biểu diễn bội thu, song các chuyên gia lo ngại sự thịnh vượng này không bền vững, theo Chen Jing, thông tín viên Thượng Hải của tờ Liên Hợp Tảo báo (Lianhe Zaobao), nhật báo Trung văn có lượng phát hành lớn nhất Singapore.

Jing dẫn số liệu từ Hiệp hội biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc cho biết tổng cộng 428 buổi diễn và lễ hội âm nhạc quy mô lớn đã được tổ chức trên cả nước trong quý 2 năm nay, với doanh thu bán vé 2,23 tỉ nhân dân tệ (310 triệu USD), tăng đến 738,6% so với quý 1. Số người tham dự cũng tăng 611,7% lên 4,82 triệu trong cùng giai đoạn so sánh.

Số liệu từ nền tảng dữ liệu giải trí Lighthouse Professional Edition cho thấy tính đến 1-10, các buổi diễn âm nhạc đã thu về trên 7,4 tỉ NDT. Ngoài doanh thu từ vé, các buổi biểu diễn âm nhạc quy mô lớn còn thu hút người hâm mộ từ nơi khác đến, thúc đẩy tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực như đi lại, lưu trú, ăn uống và bán lẻ. Trong kỳ nghỉ lễ lao động kéo dài một tuần vào tháng 5, các buổi diễn và lễ hội âm nhạc tạo ra doanh thu hơn 1,2 tỉ NDT từ chi tiêu của khán giả - chưa tính tiền bán vé.

Một ví dụ cụ thể: tour diễn kéo dài bốn ngày của ca sĩ Đài Loan Châu Kiệt Luân tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam vào cuối tháng 6 mang lại doanh thu du lịch 976 triệu NDT, gấp ba doanh thu từ lễ hội thuyền rồng trong tiết Đoan ngọ (22-6). Khi ca sĩ họ Châu tiếp tục đến Thiên Tân lưu diễn sau đó 3 tháng, lượng đặt phòng khách sạn tăng 447,7% so với cùng kỳ năm ngoái, và giá vé tàu xe, coi hát cũng tăng 269%, theo dữ liệu từ nền tảng du lịch Ctrip.

Một lễ hội âm nhạc ở quận Nam An, thành phố Trùng Khánh tháng 4-2023. Ảnh: Huang Wei/Tân Hoa xã

Một lễ hội âm nhạc ở quận Nam An, thành phố Trùng Khánh tháng 4-2023. Ảnh: Huang Wei/Tân Hoa xã

Vấn đề đáng quan tâm ở Trung Quốc, theo phân tích của Chen Jing, là sự bùng nổ của ngành nghệ thuật biểu diễn đang đi ngược với sự phục hồi của các lĩnh vực kinh tế khác, vốn đang chậm lại. "[Điều này] làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu tiêu dùng có thể được coi là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hay không" - cô viết.

Cảnh báo này không thừa. Người Trung Quốc đang "chi tiêu phục thù", không chỉ để đi coi hát mà còn ăn uống, du lịch, dự các sự kiện thể thao. Nhưng như Shi Xiangyu, công dân Trung Quốc 28 tuổi, thừa nhận: mức chi tiêu cao và thường xuyên này có thể sẽ không kéo dài. "Tôi nghĩ nên cân bằng khả năng chi tiêu với nhu cầu" - Shi, người đã dự tới 3 buổi diễn âm nhạc trong năm 2023, và sẽ xem thêm 2 concert nữa cho tới cuối năm, tỏ ra thận trọng.

Những vất vả không được nêu tên

Ở Anh, dữ liệu trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) công bố tháng 8 cho thấy các ngành nghệ thuật thị giác và biểu diễn - bao gồm sân khấu, opera và âm nhạc - đã đóng góp cho nền kinh tế 1,08 tỉ bảng tính tới tháng 6-2023, tăng 17,9% so với tháng 2-2020 - dữ liệu cuối cùng ghi nhận trước đại dịch.

Đây là mức tăng trưởng mạnh đáng kể, nếu so với các ngành công nghiệp sáng tạo (tăng 13,9%, từ 9,1 tỉ bảng lên 10,3 tỉ bảng) hoặc lĩnh vực văn hóa nói chung (9,5%, từ 2,6 tỉ bảng lên 2,9 tỉ bảng). Tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế Anh trong cùng giai đoạn so sánh là 0,8%.

Nhưng đây không phải là tin tốt, ít nhất là cho tất cả. Bất chấp số liệu thống kê ấn tượng, thực tế là nhiều tụ điểm âm nhạc, rạp hát đang tiếp tục trải qua thời kỳ khó khăn khi bị cắt giảm nguồn tài trợ công, tạp chí Arts Professional UK nhận xét trong bài viết hồi tháng 9. 

Cụ thể, mặc dù tổng nguồn tài trợ từ Hội đồng Nghệ thuật Anh cho danh mục đầu tư quốc gia gồm trên 800 tổ chức văn hóa nghệ thuật đã tăng 9% lên 446 triệu bảng mỗi năm trong giai đoạn đầu tư 2023-2026, số tiền này đang được chia cho nhiều tổ chức hơn, có nghĩa mỗi nơi nhận phần ít hơn.

Bên trong Nhà hát Opera Hoàng gia Anh. Ảnh: Sim Canetty-Clarke

Bên trong Nhà hát Opera Hoàng gia Anh. Ảnh: Sim Canetty-Clarke

Ngoài ra còn có áp lực lạm phát. David Leigh-Pemberton, thuộc Hiệp hội Nhà hát London, cho rằng đúng là trong năm 2022, số lượng khán giả tăng cao (tăng 7,2%) và giá vé trung bình vẫn ổn định, nhưng do chi phí sản xuất tăng, "sự phục hồi chung của ngành chậm hơn so với số liệu của DCMS". Cụ thể, doanh thu của các nhà hát thật ra giảm 1,1% nếu điều chỉnh theo lạm phát.

Mark Davyd - giám đốc điều hành Music Venue Trust, tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các điểm tổ chức âm nhạc ở Anh - chỉ ra một bất cập khác trong báo cáo của DCMS: đưa ra con số chung toàn ngành không phản ánh được đặc trưng của từng lĩnh vực riêng lẻ. 

Davyd lấy ví dụ các sự kiện âm nhạc có giá trị cao đang có một năm 2023 rực rỡ, với giá vé cho các buổi diễn ở sân vận động tăng hơn 30%, nhưng các địa điểm biểu diễn nhỏ hơn lại đang trong "những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn", tới mức phải đóng cửa hơn một địa điểm mỗi tuần. "66 địa điểm đã đóng cửa trong 12 tháng qua" - ông nói với Arts Professional.

Jamie Njoku-Goodwin, giám đốc điều hành UK Music, chia sẻ tâm tư của Davyd: các show diễn tưng bừng, nô nức người xem, nhưng chi phí sản xuất tăng, nên cộng trừ nhân chia xong chẳng còn bao nhiêu. "Hàng chục điểm biểu diễn, lễ hội và studio của chúng tôi đang thực sự bị đe dọa" - ông nói.

Tại Hàn Quốc, doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2022 đã phục hồi vượt mong đợi: không chỉ trở lại mức trước đại dịch mà còn tăng 43% so với năm 2019. Tổng cộng có 14.447 show nhạc, kịch sân khấu, hòa nhạc cổ điển và các buổi biểu diễn khác được tổ chức ở Hàn Quốc trong năm ngoái, mang lại doanh thu tổng cộng 55,90 tỉ won (45 triệu USD), báo The Korea Herald dẫn số liệu từ hệ thống theo dõi doanh thu phòng vé KOPIS. So với năm 2021, con số này đã tăng 82%; số lượng buổi diễn cũng tăng tới 36%.

KOPIS dự báo thị trường biểu diễn Hàn Quốc sẽ tăng trưởng lên hơn 900 tỉ won vào năm nay, nếu vẫn giữ nguyên đà của năm 2022 và không bị yếu tố bên ngoài ảnh hưởng (như đại dịch hay thảm họa).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận