20/03/2020 23:02 GMT+7

Ngành sách ứng phó trong bão dịch

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đến thời điểm hiện tại, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thoái lui, phản ánh từ ngành sách trong nước cho thấy đang có nhiều khó khăn bủa vây. Một số biện pháp ứng phó cấp thời được áp dụng.

Ngành sách ứng phó trong bão dịch - Ảnh 1.

Đường sách TP.HCM vắng khách chiều 18-3, hầu như chỉ có nhân viên và khách nghỉ chân - Ảnh: T.T.D.

Tôi nghĩ càng trong khủng hoảng thì chúng ta càng phải đọc và khuyến khích dân chúng đọc sách nhiều hơn để có kiến thức, tâm thế ứng phó và nhìn rộng nhìn xa hơn tình hình. Xuất bản xưa giờ luôn gặp khó khăn, nhưng các đơn vị vẫn phải làm sách là vì vậy.

Đông Vy (Công ty sách Phương Nam)

Dịch bệnh COVID-19 như một cơn bão quét qua các trung tâm thương mại, hệ lụy của việc khách hàng không dám đến những nơi đông người là các nhà sách trên cả nước cũng vắng khách hẳn.

Sách vẫn ra trong khi doanh thu giảm

Nếu theo dõi các đầu sách mới được ấn hành, thời gian qua nhiều bạn đọc ghi nhận Omega là thương hiệu sách có nhiều ấn phẩm lên kệ. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Theo ông Vũ Trọng Đại - giám đốc Omega Plus, dấu hiệu khó khăn đến với ngành sách khá sớm - từ tháng 1 năm nay - và doanh thu Omega đến nay so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 50 - 60%.

Đây là điều khá bất ngờ bởi tiến độ ra sách của Omega đến nay được xem là khá đều đặn. Nhưng cũng như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đang trong đợt cao điểm phát hành "Tháng ba sách Trẻ" với hàng trăm đầu sách được tung ra thị trường, đại diện đơn vị này cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác xuất bản vừa rồi là doanh số của NXB Trẻ tại các khu vực đường sách, cửa hàng sách giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các NXB và công ty sách đều bị giảm doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình của Sách Phương Nam cũng tương tự: bên cạnh mức doanh thu giảm đến 40%, tiến độ xuất bản mới hiện giảm khoảng 40% so với kế hoạch. 

"Mặc dù sách bản quyền đã mua từ trước, nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài thì có thể tiến độ ra sách còn phải giảm nhiều hơn và chưa biết ra sao trong tương lai" - cô Đông Vy, phó giám đốc phụ trách nội dung Công ty sách Phương Nam, cho biết.

Bị xáo trộn nhiều nhất trong mùa dịch COVID năm nay có thể kể đến NXB Kim Đồng, mặc dù doanh thu của đơn vị này chỉ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2019. 

"Vì Kim Đồng là NXB phục vụ thiếu nhi, mà thiếu nhi đang có sự xáo trộn trong lịch học nên kế hoạch xuất bản cũng bị xáo trộn" - ông Cao Xuân Sơn, phó giám đốc NXB Kim Đồng, giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM, cho biết.

Nhưng thiệt hại đáng kể chính là chương trình khuyến đọc "Cùng trang sách bước đến tương lai" mà NXB Kim Đồng phối hợp thực hiện cùng các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP.HCM hằng năm - mỗi năm đến với 30-50 trường học - hiện đã bị đình trệ hoàn toàn.

Những cách ứng phó

Một số đơn vị làm sách linh động nhìn thấy "tính cơ hội trong rủi ro" đã tự tìm cách xoay trở khi mùa dịch đang thách thức "không chừa một ai".

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - giám đốc NXB Tổng Hợp TP.HCM - cho biết mặc dù đơn vị này giảm doanh thu chỉ ở mức 10-15% trong 3 tháng đầu năm, nhưng NXB cũng có kế hoạch tăng cường bán sách online; chậm khai thác hoặc giảm số lượng in các sách do NXB đầu tư công sức và tiền của. Ngoài ra, NXB cũng tính toán phương án chia sẻ cùng khách hàng: tăng số lượt truy cập ebook cho thư viện các trường đại học, cao đẳng, tăng chiết khấu cho khách hàng...

Trong khi Tổng công ty Phương Nam tạm ngưng hoạt động nhà sách trong vùng dịch để bảo đảm sức khỏe cho nhân viên, cô Đông Vy đề xuất: "Rất mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ các đơn vị xuất bản: hỗ trợ chính sách miễn giảm, hoãn nộp thuế, hoãn nộp bảo hiểm xã hội và các khoản phí nộp ngân sách như khi hoạt động bình thường vì họ rất khó khăn để bảo đảm công việc của cả ngàn lao động. 

Bên cạnh đó cũng nên có chính sách hỗ trợ vay vốn để ứng chi lương cho người lao động, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp xuất bản, phát hành... Cục Xuất bản có thể giảm bớt thủ tục lưu chiểu, ví dụ cho phép nộp lưu chiểu bằng file pdf để giảm chi phí cho đơn vị xuất bản".

Ở phương diện khác, ông Vũ Trọng Đại nhớ lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2012 đã làm thay đổi một số thói quen người tiêu dùng và tin tưởng: "Dịch COVID lần này đang giữ chân mọi người ở nhà và lấy sách như một công cụ cho mình tự học. Đây cũng là cú hích để thay đổi thói quen nhiều người theo hướng tìm đến gần với sách hơn".

Mùa COVID-19: Tĩnh tâm khép cửa đọc sách Mùa COVID-19: Tĩnh tâm khép cửa đọc sách

TTO - Khi thế giới chìm trong âu lo với dịch COVID-19, những người dân Ý, Vũ Hán (Trung Quốc) chọn cách hát lên để nâng đỡ tinh thần nhau. Còn ở Việt Nam, nhiều người đang chọn liệu pháp tinh thần là 'giữ lòng tĩnh lặng, đóng cửa đọc sách'.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên