08/02/2019 19:34 GMT+7

‘Nghe má ở lại làm không về, bé Ba khóc luôn trên điện thoại’

LÊ BÙI THỊ NGỌC (Viện KSND tỉnh Bình Định)
LÊ BÙI THỊ NGỌC (Viện KSND tỉnh Bình Định)

TTO - "Khi được về cô mừng quá chừng con à! Về chơi với tụi nhỏ được hôm nay với ngày mai chớ mùng 6 tụi nó vô lại Sài Gòn hết rồi còn đâu".


Chúng tôi là những đứa con Phú Yên ra Bình Định lập nghiệp. Chuyến đi về quê ăn tết luôn làm chú nhóc nhà tôi háo hức vô cùng.

Năm nay tôi được phân công lịch trực cơ quan vào mùng ba tết. Ba ngày tết trôi qua thật mau. Cả nhà cùng đi chợ hoa, ra quảng trường chụp hình với mấy chú heo, xem bắn pháo hoa đêm giao thừa....

Ở lại Quy Nhơn ba ngày cu Bim cũng được nhận nhiều lì xì hơn, nhưng tinh ý tôi nhận thấy con vẫn không được vui. Lúc nào nó cũng không quên nhắc chuyện về nội, về ngoại. Còn ông bà ở quê thì khỏi phải nói, chưa đến chiều ba mươi đã gọi điện hỏi thăm cháu lúc nào về.

Khi biết tin cả nhà mùng bốn mới về quê được, tôi nhận ra ngay trong giọng nói của má có gì đó hơi khác. Nhưng bà vẫn kịp nói: "Ờ, công việc mà con. Tết, anh em ai cũng bận. Con cứ làm xong việc rồi dẫn cu Bim về chơi với ba má."

Mùng bốn tết, tôi lừng khừng nhẩm tính: "Hết tết rồi còn đâu! Về quê chơi chỉ được hai ngày là phải quay lại Quy Nhơn làm việc rồi". Nhưng nhìn cu Bim háo hức quá nên tôi cũng có thêm động lực để cố gắng.

Đúng 7h, xe xuất bến. Chúng tôi rời thành phố biển đi về với vùng đất "hoa vàng cỏ xanh" cách đó hơn trăm km.

Ngồi cùng hàng ghế với nhà tôi còn có một người phụ nữ chừng ngoài năm mươi, ăn mặc giản dị, nhìn mặt hiền lành, chất phác.

Tôi vừa ngồi xuống bên cạnh, cô cười niềm nở hỏi thăm:

Cả nhà con đi chơi tết à?

Dạ, tụi con về quê cô ạ. Con cũng dân Phú Yên.

Gặp được đồng hương, khuôn mặt người phụ nữ kia rạng rỡ hẳn lên. Cô hỏi thăm tôi rất nhiều chuyện. Chuyện trò với cô một lúc, tôi được biết thì ra cô ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa cách nhà má tôi chỉ hai xã  (nhà má tôi ở xã Hòa Thành).

Cô kể về hai đứa con đang học đại học ở Sài Gòn:  đứa năm hai, đứa năm cuối. Tôi thấy đôi mắt cô sáng lên niềm tự hào. Hai đứa đều hiền, học hành chăm chỉ và biết thương ba má lắm.

Nhà cô trước giờ sống nhờ làm mấy sào lúa và mía. Cô nói hồi thằng con đầu đại học hai vợ chồng mừng lắm. Làm quần quật cả ngày nuôi con mà chỉ thấy vui chứ không thấy mệt. Cả năm nay chồng cô bị chứng thoát vị đĩa đệm nên không làm được việc nặng nữa. Hai đứa con vào đại học cùng lúc nên cô chú khá chật vật.

Nhờ một người quen giới thiệu cô ra Quy Nhơn làm thuê ở một quán cơm có tiếng trên đường Trần Phú (cách nơi tôi đang ở không xa). Tết ai cũng muốn về nhà thành ra quán chẳng có mấy người ở lại mặc dù ông chủ đã tăng lương gấp ba lần ngày thường.

Tự nhiên, trong cuộc trò chuyện, giọng cô trầm xuống: "Cả năm mới có cái tết, cô cũng muốn về gặp tụi nhỏ lắm chớ! Tụi nó đi học cả năm, hè thì xin ba má ở lại thành phố đi làm thêm...".

Cô kể, khi cô nói tết nay má ở lại Quy Nhơn làm không về con bé Ba nó khóc luôn trên điện thoại…

Nói đến đó, tôi thấy mắt cô tự nhiên cũng ướt :

Cô ở lại làm không chỉ vì kiếm thêm ít cho tụi nhỏ đi học mà còn vì chủ quán sống cũng có tình nghĩa lắm con. Mấy lần tụi nhỏ đi học thiếu tiền, làm chưa đủ tháng cô đã xin ứng trước lương người ta cũng tạo điều kiện chứ không phàn nàn gì cả. Nay người ta nhờ mình giúp mấy ngày và hứa hễ có người đến phụ là cô được về, sao mình từ chối được.

Cô hồ hởi khi khoe với tôi cô ở lại làm mấy ngày tết tuy có buồn, có vất vả nhưng cũng vui vì có thêm một khoản tiền lo cho mấy đứa nhỏ. Cô nhìn tôi cười như mùa xuân về trong khóe mắt :

Khi được về cô mừng quá chừng con à! Không ngờ là có người đến làm sớm. Về chơi với tụi nhỏ được một hôm nay với ngày mai chớ mùng 6 tụi nó vô lại Sài Gòn hết rồi còn đâu.

Nghe cô nói mà tự nhiên tôi cay trong khóe mắt. Từ chiều qua đến giờ tôi cứ lừng khừng do dự vì lo về quê chơi tết được thời gian ít quá.

Đoạn đường về quê rồi cùng tới. Gia đình nhỏ của tôi xuống xe cùng với cô tại ngã tư  Phú Lâm. Cô vừa vẫy xe ôm vừa ghé vào mua vội một bó hoa lay ơn người ta bán ven đường.

Tôi cũng theo chân cô mua lấy hai bó. Hoa mùng bốn mà đẹp hơn cả hoa chiều ba mươi, lại còn rẻ nữa. Cô lên xe với bó hoa và hành lí lỉnh kỉnh vẫn không quên quay lại chúc vợ chồng tôi và ba má ở nhà có một cái tết thật vui vẻ.

Chúng tôi về tới nhà lúc gần 10h sáng. Ba má và các em đã đợi từ lúc nào. Má ôm lấy cu Bim mừng muốn rơi nước mắt. Mai vàng nở đầy sân, tết đã về tự lúc nào để đợi chúng tôi. Hóa ra tết dù chỉ về một ngày cũng ngập tràn thương yêu...

‘Nghe má ở lại làm không về, bé Ba khóc luôn trên điện thoại’ - Ảnh 1.

Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết

Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.

Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...

Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).

Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.

Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

LÊ BÙI THỊ NGỌC (Viện KSND tỉnh Bình Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: về quê ăn tết